Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Mười năm ấp ủ hương trầm

Ghi chép VĂN VIỆT
Hầu như một ngày như mọi ngày trong mười năm đã qua, ông luôn cùng ăn cùng ngủ với vườn cây trầm hương rộng 3,5 ha nằm ven hồ Bảy Mẫu của thị trấn Lộc Thắng, Bảo Lâm. Dẫu còn vời vợi xa trước gánh nặng tuổi tác đã “sáu tư”, nhưng ông vẫn chưa thôi ấp ủ một niềm tin nội tâm về hàng ngàn chiếc búp trầm sẽ lần lượt đưa từ vườn vào nhà tỏa ngát hương thơm.

“NGHIÊNG NGẢ” VỚI TRẦM
Đối ngược những hình dung ban đầu, tôi gặp ông với phong thái của một người “nông dân nghệ sĩ”, rất cần cù và rất say mê “quẳng mình” vào vườn trầm lớn nhất thị trấn Lộc Thắng, Bảo Lâm. Vắn tắt “sáu tư” năm cuộc đời mình, ông đều “nghiêng hẳn” lời nói về trầm: “Tên đầy đủ của tôi là Nguyễn Văn Sáu, sinh ra ở sông nước Cần Thơ. 15 tuổi, tôi lên vùng đất Bảo Lâm lập nghiệp. Rồi từ đó đến giờ, tôi luôn nuôi hy vọng kiếm thật nhiều tiền từ những chiếc búp trầm trên quê hương thứ hai này… ” Vì sao không chọn những cây trồng khác để kiếm thật nhiều tiền một cách thực tế hơn ?  Tôi hỏi. Ông Sáu chân thành : “ Vì trầm hương là loài cây rừng. Mà rừng Bảo Lâm đã gắn bó với tôi suốt gần 50 năm …”
Ngày đầu tiên đến với rừng Bảo Lâm, ông Sáu làm nghề cạo mủ ngo cho một chủ đồn điền thời chế độ Sài Gòn cũ. Bỗng từ lúc nào không hay, hương nhựa thông đã “dẫn lối” ông đi vào cõi “mê cung” của “rừng vàng” Bảo Lâm để vượt những đêm trắng tìm trầm. Tìm mãi đến hết thập niên đầu sau giải phóng, khi ông đang là công nhân của một đơn vị lâm nghiệp quốc doanh mới tận mắt, tận tay tiếp xúc với một cây trầm hoang dại, nhưng chỉ cách xa con đường lớn khu dân cư buôn làng chưa tới 1 cây số, thuộc địa bàn xã Lộc Bắc bây giờ. “ Đó là một cây trầm cao đến 20m, đường kính trên dưới 01m, sống khuất lấp trong một cánh rừng lá rộng. Không chần chừ, tôi và mấy thanh niên người dân tộc bản địa dừng lại căng lều lên, ăn vội nắm cơm nguội với cá khô mang theo rồi hì hục vung rìu chặt hạ…” – ông Sáu kể lời hối tiếc.
Khi thân trầm cắt lìa khỏi gốc, ngã sóng soài dưới mặt đất, nhóm của ông Sáu - người đục đẽo, kẻ cưa xẻ, khoét ruột, hăm hở moi móc tất cả bộ phận của cây từ đọt cành đến gốc rễ, nhưng cuối cùng không thấy búp ở đâu. Đây có lẽ vì cây trầm còn “non tuổi” quá, nên chỉ nhặt nhạnh được những mớ “dăm búp” đen như củi than, gom lại chất dưới đáy gùi, mang ra phố huyện Bảo Lộc bán lấy số tiền quá nhỏ nhoi so với sự mất mát một cây quý của “rừng vàng”. Trở về nhà sau những ngày đường mệt nhừ, ông Sáu gác tay lên trán trằn trọc: “ Rừng Bảo Lâm có trầm, mình đã không góp tay nuôi dưỡng và bảo vệ, sao lại nhẫn tâm đốn chặt ?! Thật đáng trách với mình biết bao…  ”
ĐƯA TRẦM RA VƯỜN
Ông Sáu trở về phía hạ nguồn hồ Bảy Mẫu của Lộc Thắng, Bảo Lâm cuốc cày trồng chè, cà phê, xây dựng cuộc sống cùng vợ con, nhưng trong lòng không sao hết đau đáu về thân phận “chết tươi” của cây trầm Lộc Bắc ngày ấy. Mãi đến đầu những năm 2000, ngành nông nghiệp Bảo Lâm triển khai chương trình cung cấp giống trầm hương trồng trên địa bàn thì ông Sáu là người đăng ký tiên phong. Ít ai biết rằng, trong sâu thẳm của ông Sáu, đây là cơ hội để ông chuộc lỗi đã “giết” một cây trầm hoang dại từ hai mươi năm về trước.
Vui mừng khi được nhận 330 cây trầm con để trồng xen canh trên vườn chè, cà phê của mình, ông Sáu huy động lao động trong nhà đẩy nhanh “thi công” chỉ độ tuần lễ đã xong xuôi các “hạng mục” từ đào hố, bón lót phân, trồng cây cách cây, hàng cách hàng…theo đúng chuẩn quy cách của ngành nông nghiệp huyện. Hơn tháng sau, trầm lên cành, lá xanh non mơn mởn, “lòng tham” ông Sáu lại nổi lên. Rong ruổi một thân, một mình đến các vùng trầm hương tỉnh Quảng Nam xa lạ để hỏi mua hạt giống, dùng tay bóp chặt hạt nào cứng chắc và tròn đầy thì ông chọn cho đủ 8.000 hạt mới đón xe đò về Bảo Lâm.
Bên vườn chè, cà phê, ông Sáu dành 200m2 dựng lên vườn nhà lưới, đặt trong đó 10 bầu đất ươm trầm thử nghiệm, kết quả tỷ lệ nẩy mầm ở hạt giống nứt vỏ đạt đến 90%,  ở hạt giống nguyên vỏ chỉ đạt 10%.  Hơn một năm sau khi ươm đồng loạt 8.000 hạt giống trầm nứt vỏ, nẩy mầm phát triển thành cây con cao trên dưới 0,5m, ông Sáu đã cho “ hạ thổ” tất cả vào mùa mưa trên diện tích 3,5ha, đạt tỷ lệ từ 80- 85% cây bén rễ xen canh với chè, cà phê.
HƯƠNG TRẦM ĐỜI SAU
Mùa mưa năm 2006, dịch bệnh sâu ăn lá và sâu đục thân bất ngờ “tấn công” trên vườn trầm 3,5ha của Sáu, từ hơn 6.500 cây đã bị “giết chết” chỉ còn 4.000 cây. Đến mùa mưa năm 2009, thêm một “đại dịch” sâu ăn lá và sâu đục thân trầm nữa, ông Sáu phải chặt bỏ trên diện rộng đến hết 2.000cây bị bệnh; còn để lại đầu tư, thâm canh chiều sâu trên 2.000 cây. Ông Sáu diễn tả : “Sâu xuất hiện nhung nhúc từng đàn, kéo nhau đi ăn cả lá non, lá già, cành non, cành nhỏ; một ngày ăn đến 3 lần. Lẫn trong đàn sâu ăn lá là đàn sâu đục thân, chui từ dưới đất chui khoét vào cắn phá trong rễ cây, lõi cây rồi chui ra ngoài qua từng mắt cây tạo búp trầm, khiến cây chết khô chi trong vài ngày sau đó, bơm thuốc cứu không kịp….  ”
Thời điểm dịch hại xảy ra, nhiều chủ vườn ở Bảo Lâm quá hoang mang, đã phá bỏ hết trầm để “giữ an toàn” cho chè và cà phê. Riêng ông Sáu giữ được 2.000 cây trầm khỏe mạnh đến giờ ( cao từ 3- 5m, đường kính gốc 30-40cm) là vì ông đã bình tĩnh tìm ra nguyên nhân và biện pháp phòng trừ. Theo đó, mùa mưa phải đào rãnh thoát nước trên từng gốc cây, phải bơm đúng thuốc trừ dịch hại từ 20- 30 ngày/lần, phải tạo tán, cắt cành cho không gian thông thoáng cả vườn trầm; riêng việc quan sát đã cho ông Sáu biết được các loài sâu gây hại trầm lại hoàn toàn vô hại với chè và cà phê.    
Nhưng còn một lần “học phí” mà ông Sáu phải trả khi chọn 500 cây để lột một đường vỏ rồi quét hóa chất ( mua về từ Đồng Nai) vào bên trong tạo búp trầm trong năm 2010 và 2011. Sau 2 năm chăm sóc, ông chặt xuống 1 cây khai thác thử thì chỉ thu được hơn 2 kg trầm dăm, bán ra chưa tới 500 ngàn đồng, lỗ quá nhiều so với công sức, vốn liếng đầu tư.
Cuối cùng ông Sáu quyết định trở lại thâm canh 2.000 cây trầm để hy vọng tạo ra búp trầm tự nhiên trong vòng 20 năm nữa. Trong khi đến cuối tháng 8/2013, vẫn có khá nhiều thương nhân từ phương Nam “thay phiên” nhau lên ra giá mua hết vườn trầm với “đổ đồng” 1- 1,5 triệu đồng/cây, nhưng ông Sáu vẫn “nhất nhất” lắc đầu nói chỉ để lại cho 2 người con của ông tiếp tục “kế nghiệp” nuôi trầm cho đến ngày lấy búp. Đa phần nông dân quanh vùng đều nói ông Sáu “to gan”, riêng ông K’Krát, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn LộcThắng, Bảo Lâm thì: “ Ông Sáu tích cực chăm sóc, giữ lại vườn trầm với tất cả niềm yêu thích của mình…Hội Nông dân thị trấn luôn làm “chiếc cầu nối” để ông Sáu tiếp cận nhanh nhất về kỹ thuật canh tác mới cho cây trầm hương theo nhu cầu của thị trường…”./. Bảo Lâm- Đà Lạt tháng 8/2013