VĂN VIỆT
3 năm gần đây, khách hàng từ các vùng
miền trong nước lên Đà Lạt mua chim trĩ về nuôi tăng nhiều. Bên cạnh chim trĩ
đỏ quen thuộc, khách hàng có thể lựa chọn mua các màu chim trĩ quý hiếm khác
như xanh, vàng, trắng…
Địa chỉ bán chim trĩ duy nhất ở Đà Lạt ở số nhà 39/A1,
đường Ngô Văn Sở, chủ nhân là ông Trần Đình Nhơn, tuổi đã vượt xa ra ngoài vòng
ngũ thập.
Hơn 10 năm trước, ông Nhơn mua lại 3 chim trĩ đỏ của một người dân
bắt từ rừng và 2 con chim trĩ trắng của người bạn đưa từ nước ngoài về nuôi. Tự
mày mò nghiên cứu và thực hành kỹ thuật nuôi, vài tháng sau, chim trĩ đã đẻ
trứng. Ban đầu ông Nhơn đưa trứng trĩ trộn chung ổ trứng gà cho gà ấp, về sau đã
tự sáng chế chiếc máy ấp trứng rồi ấp nở nhân đàn trĩ thành công với tỷ lệ từ
70% đến 80%. Từ một vài vị khách được “sang nhượng” lại mấy cặp chim trĩ giống
thời gian đầu, đến năm 2008 trở về sau, khách hàng từ trong và ngoài Đà Lạt,
Lâm Đồng tìm đến hỏi mua chim trĩ giống ngày một tăng nhanh, ông Nhơn mới chính
thức sản xuất giống hàng loạt để bán, thực hiện chế độ chăm sóc phù hợp theo
từng thời kỳ của chim trĩ như thời kỳ đẻ trứng, thời kỳ chim con, thời kỳ chim
trưởng thành…Ông Nhơn kể : “ Khách hàng mua chim trĩ của tôi đều với các mục
đích nuôi làm chim cảnh trong vườn nhà, nuôi nhân đàn trong các trang trại phục
vụ cho việc tham quan, nghiên cứu. Nhiều người là chủ các nhà hàng hạng sao ở
ngoài tỉnh Lâm Đồng đến đặt giá cao để mua chim trĩ về làm món nhậu cho thực
khách đại gia, tôi từ chối thẳng thừng và cảnh báo với họ rằng đó là hành động giết
hại động vật hoang dã, vi phạm pháp luật rất nặng…”
Thống kê từ năm 2008 đến nay, ông Nhơn đã bán cho
khách hàng mua về nuôi bảo tồn mỗi năm hai, ba chục cặp chim trĩ giống với các
màu sắc khác nhau, thu về hàng trăm triệu đồng. Khách hàng ở ngoài tỉnh Lâm
Đồng mua nhiều nhất thuộc về các tỉnh miền Tây Nam bộ, lên Đà Lạt nghỉ mát rồi
mua luôn, có người mua một lần đến năm, sáu cặp chim trĩ. Khách hàng trong tỉnh
Lâm Đồng thì hầu như huyện, thành nào cũng có người đến mua, mỗi người mua một
cặp chim trĩ giống về nuôi. Khách hàng chọn chim và thỏa thuận giá cả xong, ông
Nhơn lo hoàn tất thủ giấy tờ pháp lý xuất bán để người mua được phép vận chuyển
chim về nhà. Chẳng hạn: “….Ngày 15/4/2011, đã xuất trại 02 con chim trĩ giống,
mỗi con nặng 1,5 ký, bán cho ông...ở Cần Đước, Long An. Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Đà
Lạt ký, đóng dấu xác nhận đây là số động vật hoang dã có nguồn gốc hợp pháp do
gây nuôi…. ” Riêng số trứng chim trĩ, hàng
năm ông Nhơn cũng bán từ 3000 đến 400 quả, giá mỗi quả từ 70 ngàn đồng đến 80
ngàn đồng. Do đặc tính của chim trĩ không ấp trứng sau khi sinh nên mọi khách
hàng đều được ông Nhơn hướng dẫn trộn chung trứng trĩ với trứng gà cho gà ấp nở;
hoặc mua chiếc máy tự chế của ông Nhơn về ấp nở mỗi lần đến 200 trứng, giá mỗi
chiếc trên dưới 4 triệu đồng. Kết quả khách hàng khắp nơi trong nước mua trứng
chim trĩ về ấp nở theo 2 cách này, đạt tỷ lệ nở con từ 50% đến 60%.
Theo ông Nhơn, việc nhân đàn chim trĩ không quá khó đối
với tất cả mọi người. Thời gian ấp nở trứng trĩ là 25 ngày. Nuôi trĩ con trong
chuồng lưới đến hơn 8 tháng sau là bắt đầu sinh sản. Mỗi con trĩ mái sẽ đẻ mỗi
năm từ 80 trứng đến 90 trứng, đẻ liên tục trong vòng 6 tháng với điều kiện phải
thả trĩ mái phối giống với trĩ trống đúng thời điểm trong những tháng mùa khô;
cho thức ăn đa dạng cho trĩ như cám, các loại rau trồng và rau hoang dã, rau
dược liệu…với liều lượng và tỷ lệ vừa đủ theo hướng dẫn của ông Nhơn.
Đến
đầu tháng 7/2011, ông Nhơn đang giữ lại trong chuồng nhà 10 cặp chim trĩ giống
sinh sản và mười con trĩ trưởng thành khác. Riêng 6 tháng đầu năm 2011, ông
Nhơn đã bán khoảng 20 cặp trĩ giống, giá mỗi cặp từ 7 triệu đồng đến 9 triệu
đồng. Với khả năng sinh sản của đàn chim trĩ hiện có, đến tháng 8/2011, ông
Nhơn sẽ ấp nở tạo ra 50 con chim trĩ
con. Tất cả số chim nhân đàn mới này đều đã được khách hàng trong và ngoài Đà
Lạt, Lâm Đồng đặt hàng trước ông Nhơn ngay từ đầu năm 2011./.
Tháng
7/2011