Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

“Xao động” ô long

VĂN VIỆT
Người trồng chè ô long ở khu vực Xuân Sơn, Xuân Trường, Đà Lạt đang “xao động” trước giá cà phê tăng cao vượt trội so với giá chè. Nên hay không nên chuyển đổi trồng cà phê trở lại trên những diện tích chè ô long nơi này ?!  

Vào gần giữa tháng 4/2011, vườn chè ô long của hộ gia đình ông Trương Thành ở khu vực trung tâm thôn Xuân Sơn, Xuân Trường, Đà Lạt đã lác đác vài bụi cây khô lá. Ông Trương Thành lo ngại đây là hiện tượng báo trước năng suất và hiệu quả ngày càng giảm thấp của chè, mặc dù từ năm ngoái được dự án cạnh tranh nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng đã chọn vườn chè của ông làm mô hình sản xuất chè an toàn. “ Không biết cây chè ô long trên đầt Xuân Sơn này có luôn đạt năng suất và hiệu quả đến suốt 20 năm theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH chè HaiYih ?! ”-Ông Trương Thành tâm tư. Nhìn lại quãng thời gian trở thành một trong những người trồng chè ô long đạt giá trị kinh tế cao ở Xuân Trường, Đà Lạt như ngày hôm nay, hộ gia đình ông Trương Thành đã quyết định phá bỏ toàn bộ 1,6 ha diện tích trồng cây cà phê katimor và cây hồng ăn trái trong các năm 2005, 2007 và 2008. Số tuổi của cà phê và hồng ăn trái bấy giờ từ 10 năm trở lên, đang thu hoạch với năng suất khá nhưng đã mạnh dạn phá bỏ vì giá cả sản phẩm (nhất là cà phê) vẫn còn hạn chế. Diện tích cà phê và hồng của ông Thành phá bỏ đầu tiên để trồng chè năm 2005 là trên 7 sào đất. Yên tâm với nguồn giống cây chè ô long, với nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật trồng và chăm sóc, cũng như hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè tươi trong vòng 20 năm với mức giá trần ổn định, nhà nông Thành dốc hết tâm sức, vốn liếng để đồng hành với nhà doanh nghiệp chế  biến tại địa phương để phát triển cây chè ô long. Sau 2 năm xây dựng cơ bản, vườn chè ô long 7 sào đất đã trả công xứng đáng cho gia đình ông Thành với sáu, bảy đợt thu hái chè tươi trong một năm, mỗi đợt thu hái liên tục trên dưới 45 ngày. Thu hái, đóng bao chè tươi xong đến đâu là vận chuyển đến doanh nghiệp Haiyih cân bán và nhận tiền ngay đến đó; giá thu mua mỗi ký đạt theo giá cao nhất của thị trường là từ  32 ngàn đồng đến 35 ngàn đồng, cao hơn giá sàn ổn định trong hợp đồng mỗi ký là từ 2 ngàn đồng đến 5 ngàn đồng. Đó là vào thời điểm năm 2007, ông Thành tính ra đã đạt tổng thu trên 07 sào đất là trên dưới 6 tấn chè ô long tươi, trừ hết mọi chi phí vốn, công và khấu hao tài sản cố định, đã thu được lãi khoảng hơn trăm triệu đồng.  
Đạt hiệu quả kinh tế từ đồi chè ô long đầu tiên, gia đình ông Trương Thành tập trung nhiều nguồn vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. tiếp tục chuyển đổi từ diện tích cà phê và hồng ăn trái lần lượt 4 sào đất trong năm 2007 và 5 sào đất trong năm 2008. Hệ thống nước tưới được nâng cấp và xây mới với 2 nguồn nước tự động là nước tự chảy và nước tưới phun bằng điện ba pha. Nước tự chảy bắc từ đập nước Trường Sơn trên cao dẫn đường ống về vườn chè với độ dài trên dưới 2 cây số; nước bơm tưới tự động bằng điện lưới ba pha bơm từ dưới hồ nước Xuân Sơn lên vườn  chè có độ dài đường ống hơn 750m. Uốc tính tổng kinh phí đầu tư cho hệ thống thủy lợi trên toàn bộ diện tích 1,6 ha chè ô long của ông Trương Thành lên đến hơn 200 triệu đồng. Đây là số vốn đầu tư tương đối lớn đối với vùng nông nghiệp Xuân Sơn, Xuân Trường, nhưng nếu chăm sóc chè ô long đúng quy trình kỹ thuật trên 1,6 ha, hộ gia đình ông Trương Thành chỉ thu hái chè tươi chưa tới 9 tháng đã có đủ tiền lãi để thu hồi lại hết nguồn vốn đầu tư này. Cụ thể với phép tính trồng chè ô long 12 tháng với hộ ông Trương Thành là:  1,6 ha chè ô long thu khoảng 12 tấn tươi. Nhân với giá thu mua trung bình một ký hiện tại là  42,5 ngàn đồng, thành tổng doanh thu là 510 triệu đồng. Trừ 50% chi phí còn thu lãi ròng là 255 triệu đồng. Như vậy cân đối chưa tới 9 tháng thu hái chè ô long tươi, gia đình ông Trương Thành đã đủ tiền lãi hoàn lại nguồn vốn đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng hệ thống tưới tiêu như vừa nêu.
Không phủ nhận cây chè ô long đã mang lại cuộc sống khấm khá cho hộ gia đình ông Trương Thành ở Xuân Sơn, Xuân Trường, Đà Lạt, kể từ chuyền đổi từ cây cà phê từ ba, bốn năm trở lại đây. Tuy nhiên thời điểm từ cuối năm 2010 đến giữa tháng 4/2011, giá cà phê katimor liên tục lập đỉnh giá trên dưới 15 ngàn đồng mỗi ký, cao gấp đôi so với những năm trước đó, gây tâm lý “xao động” cho người trồng chè ô long ở Xuân Sơn, Xuân Trường, Đà Lạt. Bởi với giá này thì thu mỗi năm trên 01 ha hoạch cà phê katimor ước tính đạt lãi vượt hơn trồng chè ô long từ 100 triệu đồng trở lên.  Đã có nhiều gia đình nông dân Xuân Trường lại không tiếc rẻ khi chặt bỏ hàng loạt sào đất chè ô long để xuống giống trở lại cây cà phê katimor. Với hộ gia đình ông Trương Thành thì chọn giải pháp trồng cà phê xen canh trên 1,6ha cây chè ô long hiện có, dự kiến sẽ xuống giống vào tháng 10/2011 tới đây. Trồng xen đến một, hai năm sau sẽ chặt bỏ dần dần rồi đi đến chặt trắng cây chè ô long để nhường đất cho cây cà phê phát triển. Đây dấu hiệu phát triển bất ổn giữa cây chè ô long với cây cà phê katimor trên đất Xuân Sơn, Xuân Trường, Đà Lạt nên cần có sự định hướng cấp thiết của các cơ quan chuyên ngành nông nghiệp của cấp thành phố Đà Lạt và của cấp tỉnh Lâm Đồng./.   
  Tháng 4/2011