Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Nhân rộng “cam đỏ” ở Đức Trọng

VĂN VIỆT
Công ty TNHH Thương mại và Chế biến nông nghiệp Phương Mai đang bắt đầu thu trái bói giống “cam đỏ” (cam Cara Cara không hạt) quý hiếm trên 40 ha tại thôn K’Long, xã Hiệp An, Đức Trọng, mở ra hướng đột phá mới về chuyển đổi cây trồng giá trị kinh tế cao ở Lâm Đồng.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Chế biến nông nghiệp Phương Mai, ông Nguyễn Công Cẩm dẫn phóng viên đi thăm đồi “cam đỏ” tại thôn K’Long, Hiệp An, Đức Trọng vào giữa trưa nắng ấm. Đó là một dãy đồi chạy ven con suối K’Long với 50 ha cây ăn quả, trong đó có 40 ha cây “cam đỏ” trồng, chăm sóc từ năm 2009 đến nay. Để tưới nước, ước tính đường ống dẫn nước từ dưới suối lên tới những hàng cây trái xa nhất phải gần đến một cây số trên sườn đồi cao; còn chiều dài trung bình cũng phải đến đôi, ba trăm mét. Nhưng điều khó khăn nhất khi trồng “cam đỏ” ở đây không phải thuỷ lợi mà là nguồn đất pha trộn với nhiều mảng đá tảng, đá cục, ít chất mùn, cần phải cải tạo với nhiều công sức, nguồn vốn và đầu tư khá lớn về kỹ thuật canh tác. Ông Phó Giám đốc Nguyễn Công Cẩm thống kê, theo giá thị trường cuối năm 2012, để có 1 ha “cam đỏ” bắt đầu thu trái bói phải tốn trên dưới 150 triệu đồng đầu tư giống, vật tư phân bón, đưa cơ giới vào cày ủi đất tơi xốp và tổng số công chăm sóc… trong hơn 3 năm qua.

Hạch toán về doanh thu, ông Cẩm cho biết, giống “cam đỏ” trồng ở thôn K’Long nói trên, cứ 1 ha thu trái bói một năm khoảng 25-30 tấn đối với cây vào năm tuổi thứ 4, thứ 5; tăng dần lên 35 tấn đối với cây vào năm tuổi thứ 6, thứ 7 và “lập đỉnh” 40 tấn đối với cây vào năm tuổi thứ 8 trở đi. Kết quả trong 2 tuần đầu tháng 12/2012, Công ty của ông Cẩm thu hoạch mỗi tuần trên dưới 6 tạ trái, thu xong bán hết ngay tại vườn cho thương lái chuyển đi cung cấp cho các siêu thị lớn trong nước, giá mỗi ký 40 ngàn đồng trở lên. Như vậy, theo phép tính này, “cam đỏ” K’Long sẽ bắt đầu thu hồi vốn vào năm 2013 và năm 2014 và thu thực lãi từ năm 2015 trở đi, mỗi năm trên 1 ha thu lãi khoảng 150 triệu đồng - tính theo thời giá cuối năm 2012.
Đáng nói là nguồn giống “cam đỏ” ở K’Long, xã Hiệp An được Công ty TNHH Thương mại và Chế biến nông nghiệp Phương Mai sản xuất tại chỗ bằng kỹ thuật ghép gốc cây nhập về từ nước Úc với mầm chồi cây đầu dòng do công ty trồng ở xã Hiệp Thạnh cùng thuộc huyện Đức Trọng. Năm 2002, công ty đưa giống “cam đỏ” từ Úc về trồng và một năm sau đó đã nhân giống thành công, tiến hành trồng đại trà ở thôn Phi Nôm, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng với diện tích từ một vài ha ban đầu, đến nay đã mở rộng khoảng 10ha.

Kỹ sư Mai Viết Phương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Chế biến nông nghiệp Phương Mai khẳng định, khí hậu, thổ nhưỡng vùng Đức Trọng nói riêng và ở khu vực 11 huyện, thành còn lại trong tỉnh Lâm Đồng nói chung đều rất thích hợp để trồng nhân rộng cây giống cam Cara Cara của công ty. Một độ trung bình trồng trên 1 ha là 450 cây, trồng cây cách cây 4m x 5m. Cây chăm sóc theo quy trình an toàn, bón phân hữu cơ và áp dụng các biện pháp sinh học để phòng trừ dịch hại. Cây bắt đầu thu hoạch lúc 4 tuổi và 5 tuổi đạt độ cao từ 2-2,5m; từ 8 tuổi trở đi, cây cao cực đại khoảng 8m. Tuổi thọ của cây có thể kéo dài từ 40 năm đến 50 năm. Cây cho trái quanh năm, trọng lượng mỗi trái từ 0,2 kg đến 0,33kg…
, Thứ Tư, 19/12/2012 (GMT+7)