Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Khi rau Lạc Dương là rau Đà Lạt

VĂN VIỆT
Vùng rau Lạc Dương được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là vùng phụ cận sử dụng nhãn hiệu “rau Đà Lạt” vào giữa tháng 6/2011. Đây là kết quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng công nghệ mới thành công của người nông dân vùng đồng bào thiểu huyện Lạc Dương.

Bây giờ ở các địa bàn của huyện Lạc Dương như thị trấn Lạc Dương; các xã Lát, Đa Sar, Đa Nhim, thường xuất hiện nhiều mô hình trình diễn trồng các loại rau từ trong nhà kính ra đến ngoài trời theo hướng công nghệ cao. Theo ông Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương: Nông dân huyện Lạc Dương đã tích cực chuyển đổi từ các loại cây trồng kém hiệu quả như lúa, bắp, cà phê già cỗi…để trồng rau xanh theo kỹ thuật công nghệ mới, rõ nét nhất là 5 năm trở lại đây. Việc chuyển đổi bắt đầu từ các mô hình xây dựng điểm, các mô hình khuyến nông, các chương trình vốn mục tiêu quốc gia…Tiếp theo là triển khai có trọng tâm trọng điểm trên từng khu vực dân cư. Như hộ gia đình Kon Sơ Ha Danh ở xã Đạ Sar được Trung tâm Nghiên cứu kỹ thuật nông nghiệp Lâm Đồng chọn xây dựng mô hình điểm về trồng rau lơ xanh chất lượng cao, cung cấp cho các siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau hơn 01 năm chuyển giao giống, công nghệ, kỹ thuật chăm sóc… từ Trung tâm này, đến nay hộ gia đình Ha Danh đã  canh tác có kết quả  trên diện tích 1.500 mét vuông trồng rau lơ xanh, mỗi lứa trồng 3 tháng sau thu hoạch với tổng sản lượng hơn 1,6 tấn. Đưa về tiêu thụ các siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh, rau lơ xanh của Ha Danh lại tiếp tục nhận được những đặt hàng mới với số lượng…trồng không đủ bán. Bởi rau lơ xanh của Ha Danh đã thỏa mãn các tiêu chuẩn của rau an toàn cao cấp bán trong siêu thị như đạt chất lượng an toàn thực phẩm, không có dư lượng thuốc trừ sâu, mẫu mã đẹp, đủ trọng lượng trên từng cây…
Tính trong 5 năm vừa qua, từ những mô hình điểm về trồng rau an toàn như hộ gia đình Ha Danh ở xã Đạ Sar, đã nhân rộng về kỹ thuật canh tác trên tất cả 4 xã, thị trấn của huyện Lạc Dương chuyển đổi trồng rau xanh chuyên canh như đã nêu. Thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạc Dương cho biết: Tồng diện tích trồng rau xanh các loại ở 4 xã, thị trấn huyện Lạc Dương văm 2005 với hơn 400 ha thì đến cuối năm 2010 tăng lên 1.000 ha; tổng sản lượng rau xanh tăng tương ứng từ hơn 17 ngàn tấn lên 72 ngàn tấn. Số liệu này đến 6 tháng đầu năm 2011 là : Trồng, thu hoạch quay vòng với tổng số gần 1.400 ha rau các loại, đạt tổng sản lượng hơn 44.200 tấn. Kế hoạch phát triển diện tích trồng rau của huyện Lạc Dương đến năm 2015 là 1.100 ha. Trung bình mỗi ha mỗi năm trồng được 2,6 lứa rau. Tổng sản lượng rau ước đạt dự kiến đến năm 2015 là gần 100 ngàn tấn. Cân đối giá trị kinh tế ở thời điểm đầu tháng 7/2011, mỗi ha trồng một lứa rau kéo dài 3 tháng ở Lạc Dương đạt lãi ròng từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng.
Trồng rau xanh ở Lạc Dương ngày càng tăng diện tích, tăng sản lượng và đạt chất lượng cao, ông Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương nói rằng trước hết là nhờ vào việc phát huy lợi thế của đất đai, khí hậu của một vùng cao nguyên Đà Lạt nối dài. Đó là vùng khí hậu ôn đới, độ cao hơn 1.500 mét so với mặt biển, nhiệt độ hàng năm thấp, mưa nhiều, ẩm độ cao, nguồn nước tự chảy và nước ngầm tưới tiêu cho rau đạt an toàn…Hiện tại trên địa bàn huyện Lạc Dương đang chuẩn bị khánh thành và đưa vào sử dụng công trình thủy lợi với năng lực tưới tiêu hàng năm trên 80 ha rau, được biết tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước trung ương khoảng 16 tỷ đồng. Đây là một điều kiện thuận lợi mới để nông dân Lạc Dương chủ động nguồn nước, thâm canh, tăng năng suất hơn nữa trên vùng rau chuyên canh của mình.
Trong khoảng 1.000 ha rau hiện có, Lạc Dương đang canh tác có hiệu quả trên 150 ha rau trồng trong nhà kính, dự báo diện tích này sẽ tiếp tục mở rộng nhanh trong những năm tới. Đặc biệt kế từ giữa tháng 6/2011- khi chính thức sử dụng nhãn hiệu Chứng nhận rau Đà Lạt, vùng rau Lạc Dương chính thức đón nhận một cơ hội lớn để tạo bước xuất phát mới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh rau có năng lực cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường trong và ngoài nước. /.
Tháng  6/2011