Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Lọc nước sạch ở vùng xa

VĂN VIỆT
Theo đánh giá sơ bộ của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nhiều khu vực nước sạch ở Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên đang bị ảnh hưởng bởi các nguồn nước thải từ sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi chưa được xử lý theo quy định. Vì vậy, với người dân ở ba huyện phía Nam, việc xây dựng các mô hình lọc nước sạch trước khi đấu nối vào hệ thống sử dụng hiện nay đang là điều hết sức cần thiết.

Qua thống kê hệ thống cấp nước tập trung (dẫn nước tự chảy và bơm nước giếng khoan) cho thấy, trên địa bàn huyện Cát Tiên có 9 công trình tại các xã Gia Viễn, Đồng Nai Thượng với hơn 3.000 người dân sử dụng; địa bàn huyện Đạ Tẻh có 10 công trình tại thị trấn Đạ Tẻh, các xã An Nhơn, Đạ Kho, Đạ Lây, Quảng Trị, Quốc Oai, Đạ Pal với hơn 6.000 người sử dụng và địa bàn huyện Đạ Huoai có 14 công trình với hơn 7.000 người sử dụng ở thị trấn Madaguôi, thị trấn Đạ M’Ri, các xã Đạ Oai, Đoàn Kết, Đạm Ploa, Phước Lộc. Bên cạnh đó, hệ thống sử dụng nước phân tán ở 3 huyện phía Nam lên tới gần 22 ngàn giếng đào, giếng khoan nhỏ lẻ, trong đó số người sử dụng giếng đào chiếm tỷ lệ từ 71-88%. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng đã xây dựng và đưa vào hoạt động 2 nhà máy cấp nước tập trung tại thị trấn Madaguôi, huyện Đạ Huoai và thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, đạt công suất từ 2.000 - 3.000m3/ngày đêm.

Những số liệu trên cho thấy, nguồn cấp nước sinh hoạt hiện nay của 3 huyện phía Nam Lâm Đồng chủ yếu là nguồn nước từ giếng đào, giếng khoan và công trình cấp nước tập trung. Với kết quả nghiên cứu ban đầu của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt thì nguồn cấp nước tập trung có chất lượng tương đối tốt, trong khi nguồn nước giếng đào ở độ sâu dưới 20 mét và nguồn nước giếng khoan sâu hơn 20 mét vẫn còn xuất hiện nhiều thông số chưa đảm bảo với tiêu chuẩn chất lượng. Để sử dụng an toàn, nhiều khu vực dân cư đã áp dụng các phương pháp thủ công như lọc nước bằng tro bếp (từ 5 - 10 gam/lít), bằng bã quả thơm (dứa) sấy khô, bằng cát sông, hay việc xây bể tích trữ nước để tự lắng lọc phèn… Đây là những phương pháp lọc nước theo kinh nghiệm dân gian, chỉ đáp ứng với nhu cầu trước mắt của người sử dụng và phân tán trên các địa bàn.

Để có được những nguồn nước lọc sạch ổn định và lâu dài, chất lượng nước đạt hệ số an toàn cao nhất, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã nghiên cứu, đánh giá từ 124 mẫu nước (94 mẫu nước dưới đất, 20 mẫu nước tập trung và 10 mẫu nước nước mặt), từ đó đã thực hành đạt hiệu quả ban đầu về xử lý nước bị nhiễm phèn bằng phương pháp làm thoáng (làm giàu ô xy trong nước) và lọc xúc tác (loại bỏ cặn lơ lửng trong nước). Theo đó, với phương pháp lọc hở và lọc kín, nguồn nước cấp sẽ được loại bỏ hết độ phèn chua sau khi bơm lên từ giếng khoan qua hệ thống làm thoáng, dẫn qua cột lọc gồm nguyên liệu than hoạt tính, cát thạch anh… rồi nối vào hệ thống nước sinh hoạt. Với nguồn nước giếng (giếng khoan hoặc giếng đào) ở những vùng có ảnh hưởng về chất thạch tím, mô hình công nghệ của Viện này đưa ra cũng bắt đầu từ việc bơm nước qua hệ thống “làm thoáng”. 
Kế đến là xử lý qua hệ thống cột xúc tác bằng các nguyên liệu than hoạt tính, cát thạch anh và cột trao đổi bằng chất liệu nhựa trao đổi - hạt nhựa khử độ cứng khoáng chất, làm mềm nước và cũng bằng nguyên liệu cát thạch anh… trước khi đấu nối vào hệ thống nước sinh hoạt. Với việc xử lý nguồn nước bị ảnh hưởng “độ cứng” (nhiễm nhiều kim loại), Viện này cũng đã xây dựng mô hình xử lý nước qua cột trao đổi gồm cát thạch anh và nhựa trao đổi rồi nối vào hệ thống nước sinh hoạt.

Tuy vẫn còn cần thêm thời gian để đánh giá, đối chiếu, phân tích, hoàn chỉnh trước khi ứng dụng rộng rãi trong thực tế, nhưng những mô hình lọc nước sạch của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt nêu trên đã đặt ra những vấn đề cấp thiết trong đời sống sinh hoạt về nguồn nước sạch, hợp vệ sinh của cộng đồng dân cư ở vùng xa thuộc 3 huyện phía Nam của Lâm Đồng. Và chắc chắn những vấn đề cấp thiết này sẽ được các ban, ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo sát sao hơn nữa để không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở những vùng xa nơi này.
Thứ Ba, 02/10/2012 (GMT+7)