VĂN VIỆT
Sau gần một năm rưỡi ứng dụng kỹ thuật mới để cải tạo
vườn - chuồng, nông dân xã Lộc Bảo, Bảo Lâm đã xây dựng nhiều mô hình điểm về
phát triển kinh tế hộ gia đình từ cây chè, cà phê, chuối La Ba và nuôi giống
heo địa phương.
Thạc sĩ Võ Khiếm, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học
và công nghệ Lâm Đồng - đơn vị chủ trì Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng các tiến
bộ khoa học và công nghệ nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình tại xã Lộc Bảo, Bảo
Lâm” - cho biết: Dự án bắt đầu triển
khai từ tháng 01/2011 với hình thức “cầm tay chỉ việc” để chuyển giao khoa học
kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi mới cho gần 70 hộ nông dân Lộc Bảo, Bảo Lâm đáp
ứng các điều kiện về đất đai, lao động. Trong đó gồm 5 mô hình trình diễn như xây
dựng vườn giống cà phê chồi ghép, ghép mới để cải tạo vườn cà phê, thâm canh
chè, trồng chuối La Ba, nuôi heo địa phương có kiểm soát dịch bệnh.
Sau thời gian tập huấn, cấp phát tài liệu cho nông
dân, đào tạo kỹ thuật viên tại chỗ, đến tháng 7/2011, Dự án chính thức hỗ trợ
1.800 cây cà phê giống TR4 ghép, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho 3 hộ nông dân
cùng xuống giống trồng trên 1.000mét vuông vườn giống. Quá trình chăm sóc vườn
cà phê giống, cán bộ kỹ thuật của Dự án luôn sát cánh cùng 3 hộ nông dân để kịp
thời hướng dẫn và chuyển giao từng quy trình kỹ thuật mới ở từng thời điểm
thích hợp. Kỹ sư Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Chuyển giao công nghệ, Trung
tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Lâm Đồng, cho biết: Đến nay số 95% tỷ lệ cây
sống phát triển đạt yêu cầu trong vườn giống, mỗi cây trung bình có từ 10- 12 cặp
cành. Đã khai thác 4.000 mắt ghép chồi đợt 1, trong đó phần lớn dùng ghép cải tạo
vườn cà phê trong dự án, phần còn lại cung cấp theo nhu cầu của người nông dân trồng
cà phê trong xã.
Với mô hình ghép cải tạo vườn cà phê, Dự án chọn 20 hộ
tham gia với quy mô 3ha. Cán bộ kỹ thuật của Dự án cũng trực tiếp “cầm tay chỉ
việc” cho từng hộ nông dân cưa đốn gốc cây cà phê cũ để ghép với chồi cây cà
phê giống mới. Kết quả đợt 1 vào tháng 7/2011 đã ghép hoàn thành trên 1,5 ha cà
phê. Đến tháng 4/2012 tiếp tục ghép hoàn thành trên 1,5 ha cà phê còn lại. Cây
sống sau ghép đạt tỷ lệ trung bình từ 92- 96%. Đến nay toàn bộ diện tích cây cà phê ghép đều
phát triển tốt, cây có chiều cao từ 100- 120cm, chiều dài tán cây đạt từ 60-
70cm.
Cũng với hình thức “cầm tay chỉ việc” về cách làm cỏ,
bón phân, phòng trừ sâu bệnh theo quy trình mới, cán bộ kỹ thuật của Dự án đã
cùng 10 hộ nông dân Lộc Bảo, Bảo Lâm xây dựng mô hình điểm thâm canh 3 ha chè, đạt
năng suất 150kg/1.000mét vuông/1 lần hái ( 15 ngày hái 1 lần vào mùa mưa, 25
ngày hái 1 lần vào mùa khô), tăng 30 kg/1.000mét vuông/1 lần hái trước khi xây
dựng mô hình này. Tương tự vào tháng 7/2011, Dự án đã chọn 30 hộ nông dân Lộc Bảo,
Bảo Lâm trồng mới 3 ha chuối La Ba. Tuân thủ theo từng khâu kỹ thuật mới của Dự
án từ cách cải tạo đất, đào hố trồng đến cách chăm sóc hàng ngày, 30 hộ nông
dân Lộc Bảo, Bảo Lâm đã phát triển xanh tốt trên 3 ha chuối La Ba, cây cao đạt
trung bình 02 mét, đường kính thân cây đạt trung bình từ 20- 25 cm. Từng cây
chuối mẹ đã sắp sửa trổ buồng và bên dưới gốc đang phát triển thành cụm mới từ
2- 3 cây chuối con.
Cuối cùng là mô hình “nuôi heo địa phương có kiểm soát
dịch bệnh” từ 18 con giống thả nuôi từ tháng 9/2011 ( 6 heo đực và 12 heo cái),
đến nay đã nhân tổng đàn lên đến 43 con. Có 6 hộ nông dân được chọn tham gia mô
hình chăn nuôi heo này. Heo giống đưa về nuôi ban đầu có cân nặng trung bình mỗi
con là 7 kg, tất cả 18 con đều được tiêm phòng bệnh dịch tả và tai xanh. Sau 3
tháng nuôi, mỗi con heo đạt trọng lượng trung bình 25 kg. Hiện số heo cái giống
đã sinh sản từ 1- 2 lứa, nhiều bà con nông dân trong xã Lộc Bảo đã mua giống
heo mới sinh sản về nuôi để nhân rộng mô hình nuôi với kỹ thuật mới này.
Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học
và công nghệ nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình tại xã Lộc Bảo, Bảo Lâm” sẽ kết
thúc vào tháng 01/2013. Những kết quả đạt được trong gần hai phần ba thời gian
Dự án vừa qua đã cho thấy, vùng đất Lộc Bảo, Bảo Lâm có nhiều điều kiện về sinh
thái, thổ nhưỡng, lao động để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế hộ gia đình
thông qua việc ứng dụng những kỹ thuật mới nhân rộng những mô hình vườn - chuồng
cải tạo, thâm canh các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp như đã nêu./.
Tháng 6/2012