Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Nhân đàn trâu trên đồng cỏ nhỏ

VĂN VIỆT
Mặc cho đồng cỏ ngày một nhỏ dần nhưng đồng bào thiểu số bản địa Tây Nguyên ở xã Tân Thanh, Lâm Hà, Lâm Đồng vẫn tận dụng mọi điều kiện có được để nhân rộng đàn trâu, trong đó có hộ gia đình đã mở rộng chăn nuôi trâu thành mô hình trang trại. 

Trời lập xuân ở xã Tân Thanh, Lâm Hà hanh khô, già làng K’ Chạ ( hơn 80 tuổi) lùa đàn trâu ra một cánh đồng lớn vừa mới gặt lúa xong, cách nhà ở hai cây số đường lội bộ có dư. Đồng gặt xong, cỏ nhú mầm lên từ gốc rạ, trở thành một món ăn khoái khẩu bậc nhất cho trâu. Đang lùa trâu đi một vòng ruộng cỏ, già làng K’ Chạ nói : “ Cỏ bây giờ ít lắm. Phải đi theo bên chân từng con trâu để tìm cỏ. Ngồi cách xa trâu thì coi chừng trâu bỏ chạy qua chỗ khác ăn bắp, đậu của dân làng, sẽ phạt nhiều tiền lắm đó…  ” K’ Chạ đã có hơn hai mươi năm không quản khó nhọc với từng bước đi tìm cỏ của đàn trâu. Già kể rằng từ một con trâu cái mua ở buôn làng Phi Tô, Lâm Hà từ năm chín mươi, nuôi nhân đàn đến nay đếm đủ đến 36 con. Con trâu cái mua về phối giống tự nhiên trên đồng cỏ với con trâu đực ở buôn làng thôn 5, Tân Thanh, đẻ ra trâu con khỏe mạnh, và từ đó những con trâu ở lứa tiếp theo sinh sôi thành đàn trâu trang trại đến nay. Mỗi lần bán hoặc đem trâu đi cho, già làng K’Chạ suy nghĩ rất nhiều. Rằng bán trâu lấy tiền để làm gì ? Cho trâu cho ai đó cũng để làm gì ? Nghĩ là vậy. Nhưng không phải hết thảy hơn 10 con trâu đem bán và đem cho đều theo đúng ý nghĩ của già. 4 con trâu đầu tiên, già bán là hoàn toàn đúng mục đích, bởi đã lấy tiền dựng mới chuồng trại cho trâu, diện tích khoảng trăm mét vuông. 3 con trâu khác, già cho không lấy tiền cho người trong dòng họ nuôi, nay đã sinh sản thành bảy, tám con. Cuối cùng có 3 con trâu cho một người con trai nhưng không làm vật nuôi mà lại bán đi để mua xe máy. “Đầu tiên già buồn nó lắm. Sau thấy nó đi xe máy lên chợ xã, chợ huyện rồi về để xe một chỗ trong nhà, cái bụng của già thật là đã bớt nghĩ mất trâu rồi… ” – Già làng K’ Chạ nói. Vậy là vào tết Tân Mão 2011 này, trừ hết 10 con trâu đã đem cho và 10 con trâu đã đem bán, già làng K’Chạ đang chăn thả 26 con trâu. Trong đó có 5 con trâu cái đang tuổi sinh đẻ nên năm mới 2011 chắc sẽ đẻ thêm 5 con trâu con nữa.
Già làng K’Chạ đặt tên trong 26 con trâu theo trí nhớ từng con với từng đặc điểm cái sừng, cái đầu, cái đuôi, màu sắc các đốm lông…Sáng sớm khi lùa trâu từ chuồng ra đồng; và chiếu tối trước khi lùa trâu từ đồng về chuồng, già đểu điểm danh từng con. Quãng đời hơn hai mươi năm chăn nuôi trâu, già làng K’Chạ luôn theo từng bước chân trâu ra đồng tìm cỏ. Trâu đi trước, già bám gót theo sau nên chưa khi nào để một con trâu bị lạc đường. Còn chuồng trại ở nhà thì già quét dọn, giữ sạch sẽ hàng ngày nên đàn trâu của già vẫn không hề có con trâu nào xảy ra bệnh tật phải chết.
Chăn trâu trên đồng cỏ với già làng K’Chạ còn có già làng K’ Sang (83 tuổi), người cùng ở thôn 5, xã Tân Thanh, Lâm Hà. Cũng cùng thời điểm nuôi trâu như già làng K’ Chạ cách đây hai mươi năm, già làng K’ Sang bán 3 chỉ vàng, lên huyện Di Linh mua 1 con trâu cái về gầy giống. Chọn 1 con trâu đực giống tốt ở buôn làng giao phối, trâu cái đã đẻ được 1 con trâu nghé ú tròn từ lứa năm đầu tiên. Đầu xuôi đuôi lọt nên hàng năm về sau, những con trâu con theo nhau ra đời, nâng số lượng đàn trâu của già làng K’ Sang đến nay là 16 con. “Đó là chưa kể già đã bán 2 con trâu để làm lại nhà cửa; cho con gái 02 con trâu khác để làm vốn đi bắt chồng; bán  thêm 1 con trâu nữa để mua máy cày cày ruộng để có lúa ăn…”- Già làng K’ Sang kể thật. Gần như hai mươi năm thả trâu ra đồng, già làng K’ Chạ và già làng K’Sang khá hợp ý chọn tìm một khu vực cỏ để đưa trâu nhập chung đàn ăn đến ăn. Họ lùa trâu ra đi từ sáng sớm và lùa trâu trở về nhà từ lúc chạng vạng tối. Trên gùi, họ mang cơm ăn nước uống cho bữa trưa ở lại đồng. Khoanh lại được khu vực có cỏ cho trâu, già làng K’ Chạ canh giữ trâu ở bờ bên này thì già làng K’Sang canh giữ trâu ở bờ bên kia. Họ chia sẻ kinh nghiệm tìm cỏ cho trâu là : cỏ dưới chân cây rừng, dưới chân cây cà phê, bắp, đậu; cỏ trên bờ ruộng và cỏ mọc lại sau khi đồng lúa gặt xong. Một cái roi mây nhọn nhỏ bằng ngón tay út, dài bằng chiều lưng con trâu mẹ, lúc nào cũng cầm sẵn trên tay khi lùa trâu ăn cỏ gần ruộng vườn của dân làng. Chỉ cần trâu nhớm bước sang phía vườn dân làng hoặc chuẩn bị ra khỏi đồng cỏ thì sẽ “ăn” ngay chiếc roi mây, trâu phải quay chân lại theo phạm vi được phép của người chủ chăn thả nó.
Ông Nguyễn Kiều, cán bộ thú y xã Tân Thanh, Lâm Hà thống kê: Toàn xã Tân Thanh, Lâm Hà, Lâm Đồng có khoảng 20 ha đất đồng và đất đồi có cỏ cho trâu ăn, trong đó hàng năm chiếm 70% diện tích phải trồng lúa trong hơn 3 tháng mùa mưa; thời gian còn lại mới được thả trâu đến tìm cỏ ăn. Được cái, đây là khu vực cỏ tương đối sạch nên không bị nhiễm bệnh khi trâu ăn vào. Đến đầu năm 2011, đàn trâu của xã Tân Thanh có khoảng hơn 80 con, đa số người nuôi là hộ đồng bào thiểu số bản địa Tây Nguyên. 
Hộ nuôi nhiều nhất là gia đình già làng K’Chạ với trang trại 26 con trâu. Hộ nuôi ít nhất cũng phải đến 3 con trâu. Hàng năm cán bộ thú y của xã đều tổ chức tiêm phòng miễn phí 2 đợt trên đàn trâu. Bên cạnh đó còn cấp phát các cơ số thuốc sát trùng, khử trùng; hướng dẫn cho người nuôi về cách thức vệ sinh chuồng trại, cách thức bảo vệ môi trường xung quanh. “Đồng đất có cỏ ở xã Tân Thanh rất thích hợp cho việc phát triển đàn trâu, đặc biệt là đối với lợi thế về tập quản chăn thả rông gia súc lớn của bà con người đồng bào thiểu số địa phương. Tuy nhiên đồng cỏ rồi một ngày nào đó cũng phải cạn nguồn. Trong lúc chưa quy hoạch được diện tích chuyên canh trồng cỏ cho trâu, xã đang vận động bà con tạm thời trồng cỏ bổ sung trên những vị trí đất có thể tận dụng như bờ suối, ven hồ, ven đường, ven sân vườn nhà…”- ông Nguyễn Kiều nói./.
   Tháng 02/2010