VĂN VIỆT
Từ nguồn vốn hỗ trợ của
Ngân hàng thế giới, Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng đã xây dựng nhiều
liên minh sản xuất và tiêu thụ giữa nhà nông với nhà doanh nghiệp, bước đầu hoạt
động có hiệu quả, góp phần hình thành thị trường nông phẩm ở địa phương phát
triển ổn định, lâu bền.
Ông Chu Bá Thông, Phó Giám đốc Dự án
Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng cho biết: Trong tổng nguồn vốn đã hỗ trợ khoảng
8 tỷ đồng từ Ngân hàng thế giới, Dự án đã xây dựng gần 10 liên minh sản xuất
rau, hoa, cà phê…giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp trên các huyện Di Linh, Đức
Trọng, Lâm Hà và thành phố Đà Lạt. Đến nay sau hơn một năm rưỡi hoạt động, nhiều
liên minh đã kết thúc hợp đồng với những kết quả đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đặt
ra. Trong đó sản xuất và tiêu thụ hoa cắt cành các loại ở Đà Lạt đã có 2 liên
minh thực hiện hoàn thành trên diện tích 6ha nhà kính; 01 liên minh đang thực
hiện trên diện tích 11 ha và sẽ tiếp tục hoàn thành vào tháng 5/2013. Với 48 hộ
nông dân cùng với một doanh nghiệp hợp tác sản xuất và tiêu thụ trên 11 ha này,
ước đạt doanh thu bán ra sau một năm khoảng 8 triệu cành hoa cúc và hoa cẩm chướng
nhà kính, giá trung bình mỗi cành hoa bán ra trong liên minh cao hơn giá bán ra
ở thị trường từ 350 đồng đến 400 đồng. Dự báo khả năng kết thúc hợp đồng vào
tháng 5/2013, liên minh này sẽ đạt tổng số lượng sản xuất và tiêu thụ trên dưới
14 triệu cành hoa cúc và hoa cẩm chướng, trong đó xuất khẩu đạt tỷ lệ khoảng
80% đối với hoa cẩm chướng và 30% đối với hoa cúc; tỷ lệ phần trăm còn lại được
tiêu thụ nhanh ở các khu chợ đầu mối lớn trong nước.
Việc sản xuất và tiêu thụ cà phê trên
địa bàn huyện Lâm Hà đã kết thúc 01 liên minh với 63 hộ nông dân sản xuất trên
188 ha. Nhờ nhà doanh nghiệp đã thường xuyên tổ chức nhiều buổi tập huấn, chuyển
giao kỹ thuật mới về sản xuất cà phê bền vững cho nhà nông, nên năng suất cà
phê đã đạt trung bình từ 2,7 - 3 tấn nhân/ha, vượt hơn 0,3 tấn nhân/ha so với
chỉ tiêu ban đầu. Giá cà phê nhân được nhà doanh nghiệp thu mua của nhà nông tăng
hơn giá thị trường bên ngoài mỗi ký từ 300 đồng đến 400 đồng. Riêng địa bàn huyện
Di Linh với 2 liên minh đã và đang sản xuất, tiêu thụ trên diện tích 320 ha cà
phê của 126 hộ nông dân. Trong đó có 140 ha cà phê của 55 hộ đồng bào thiểu số
địa phương. Kết quả đầu tư thâm canh
theo các phương pháp khoa học kỹ thuật mới, toàn bộ diện tích cà phê đã thu hoạch
từ 2,5 tấn đến 2,7 tấn/ha, đạt và vượt năng suất so với chỉ tiêu hợp đồng. Tất
cả sản lượng cà phê thu hoạch này đều đã bán cho nhà doanh nghiệp với giá cao
hơn giá bình quân ở thị trường trên dưới 300 đồng mỗi ký. Đến cuối tháng
11/2012 2 liên minh ở đây đã thực hiện khoảng 85% chỉ tiêu hợp đồng; 15% chỉ tiêu còn lại sẽ kết thúc vào tháng
7/2013.
Đáng kể thêm ở địa bàn Đức Trọng có
liên minh sản xuất khoai lang xuất khẩu giữa nhà doanh nghiệp với 26 hộ dân
canh tác trên 19 ha. Cũng với hình thức liên minh cụ thể như nhà doanh nghiệp
cung cấp giống, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm; nhà nông có đất, có
công, có vốn sản xuất… Đến cuối tháng 11/2012 là còn hơn một tháng nữa kết thúc
hợp đồng, liên minh đã đạt tổng sản lượng sản xuất và thu mua xuất khẩu 800 tấn/
1.000 tấn khoai lang chỉ tiêu đặt ra. Riêng sản xuất, tiêu thụ atisô ở Đà Lạt
đã và đang triển khai 2 liên minh với 88 hộ nông dân tham gia. Niên vụ năm
2011- 2012, nhà doanh nghiệp đã thu mua sản phẩm atisô khô trên diện tích sản
xuất 26 ha, giá thu mua cao hơn giá bên ngoài từ 3- 5%. Tương tự niên vụ 2012- 2013
sẽ kết thúc vào tháng 4/2013 với 18 ha, ước khả năng doanh nghiệp thu mua sản
phẩm atisô của nông dân trong liên minh với giá tăng cao hơn giá thị trường cũng
từ 3- 5% trở lên.
Bên cạnh tổng số vốn khoảng 8 tỷ đồng
hỗ trợ từ Ngân hàng thế giới, nhà nông Lâm Đồng đã đối ứng thêm khoảng 11 tỷ đồng
để đầu tư xây dựng, nâng cấp mới hệ thống nhà kính, hệ thống tưới nước tự động,
áp dụng theo các quy trình kỹ thuật tiên tiến…để sản xuất theo yêu cầu hợp tác
của gần 10 liên minh sản xuất rau, hoa, cà phê thuộc Dự án Cạnh tranh nông nghiệp
Lâm Đồng. Những kết quả đáng kể nêu trên sẽ là những kinh nghiệm thực tiễn sinh
động để tiếp tục nâng bước đồng hành phía trước giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp./
Tháng 11/2012