Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Nụ hồng mới ở thung lũng hoa đào

VĂN VIỆT
Tết Tân Mão 2011 là cái tết thứ hai vắng bóng nghệ nhân Mười Lời trên thung lũng hoa đào ở phố hoa Đà Lạt. Dù nghệ nhân đã không còn trên cõi đời nữa, nhưng may mắn là thung lũng hoa đào vẫn tiếp nối những nụ hồng mới, cùng khoe sắc hoa tươi xinh với muôn ngàn sắc hoa Đà Lạt khi xuân về.
Người kế tiếp bước đi của nghệ nhân quá cố Mười Lời chính là người con trai Bùi Văn Sang, năm nay tuổi gần bước vào ngưỡng tứ thập. Một ngày tháng Chạp năm nay gặp Sang ở thung lũng hoa đào Đà Lạt khá nhiều việc: Tiếp khách từ Sài Gòn lên đặt hàng triển lãm hoa đào xuân Tân Mão, nghe điện thoại khách hàng trong và ngoài Đà Lạt hỏi mua đào... Đây là thời gian sau giờ hành chính của Sang ở cơ quan Viễn thông Lâm Đồng. Nhưng cũng có thời gian trước giờ hành chính của Sang từ 4 giờ đến 7 giờ sáng hàng ngày để dành trọn hết công việc cho chăm sóc từng chồi non, nụ hồng cho từng cành đào được “phối duyên” từ những mầm đào trong và ngoài nước với gốc đào Đà Lạt.
Sang kể, ngay khi mình được sinh ra là đã được gắn bó với từng luống rau, cành hoa ở Đà Lạt. Từ khi ngồi ghế nhà trường phổ thông, sau giờ học, Sang thường được cha mẹ (vợ chồng nghệ nhân Mười Lời) cho theo ra vườn tiếp xúc với việc làm nhà nông Đà Lạt. Lớn lên đến tuổi trưởng thành, tốt nghiệp phổ thông trung học rồi đại học, Sang được cha dẫn lên thung lũng hoa đào ở lại ngày đêm cùng phụ giúp cha nghiên cứu chiết ghép hoa đào. Dụng cụ chiết ghép thật đơn giản với cây dao nhỏ bằng hợp kim không rỉ sét, mấy cuộn ni lông nhựa sạch trắng, mấy cuộn dây buộc... Cộng với lòng yêu thích đất vườn, yêu thích thực vật, chịu khó tìm tòi, nỗ lực riêng mình, Sang đã cùng với cha chiết ghép thành công các loài hoa mới đẹp đằm thắm như hồng đào, liễu đào, bích đào...
Ấy là thời gian hai năm - từ năm 1995 đến năm 1997. Tên thung lũng hoa đào được biết tiếng từ trong ra ngoài Đà Lạt và lan xa đến các nước trên thế giới từ đây.
Biết là Sang đã đạt được khả năng làm nghệ nhân chiết ghép hoa đào mà mình đã truyền lại, nhưng lúc lâm chung vào tuổi bảy mươi tư, nghệ nhân Mười Lời vẫn cố dành những lời khó nhọc cuối cùng để nhắc lại cho con dù thế nào đi nữa cũng phải giữ lại thung lũng hoa đào không chỉ của riêng gia đình, mà còn là thương hiệu chung của hoa đào Đà Lạt, là điểm đến của du lịch Đà Lạt.
Hứa và làm theo tâm nguyện của cha, tết Canh Dần năm 2010 là cái tết đầu tiên Sang tự tay chăm sóc 100 gốc hoa đào nở hoa khắp cành, mang thương hiệu Mười Lời triển lãm bên hồ Xuân Hương trong suốt 10 ngày diễn ra Festival hoa Đà Lạt.
Qua đánh giá các tiêu chí quy định, Trung tâm Kỷ lục Việt Nam đã xác lập thung lũng hoa đào Mười Lời Đà Lạt là thung lũng hoa đào đầu tiên ở khu vực miền Nam Việt Nam.
Trong dịp này, Sang còn bán hàng chục gốc chậu hoa đào khác cho khách hàng trong và ngoài nước, đạt doanh thu hơn 300 triệu đồng. 
Trong suốt 12 tháng của năm 2010, Sang đã ghép mới trên 400 gốc đào. Đặc biệt Sang còn ghép thành công các giống hoa đào quý hiếm nguồn gốc từ các nước như Mỹ, Trung Quốc... Trong đó có 8 gốc cây đào thất thốn quý hiếm đã ra hoa, chuẩn bị đưa vào kinh doanh đã có khách hàng đặt giá mỗi gốc cả trăm triệu đồng.
Sang cho biết, gọi là đào thất thốn vì trên một mắc cành cây 30cm có 7 chiếc lá; một năm nuôi dưỡng đạt thì cành cây mới dài ra thêm 30cm. Nhiều đoàn sinh viên đại học của tỉnh Lâm Đồng và từ các tỉnh phía Nam lên thung lũng hoa đào nghiên cứu thực hành kỹ thuật chiết ghép các loài hoa, trái, Bùi Văn Sang đã làm theo lời dặn của cha là luôn dành thời gian để tận tình hướng dẫn cho đoàn. Bên cạnh đó cũng có nhiều nông dân ở Đà Lạt đến tham quan, tìm hiểu cách chiết ghép hoa đào, Sang cũng luôn sẵn sàng truyền lại từng chi tiết, từng kinh nghiệm và từng bí quyết đúc kết được.
Theo Sang, tất cả bà con nông dân Đà Lạt cũng có thể ghép hoa đào thành công theo kỹ thuật tự nghiên cứu và thực hành của người cha - cố nghệ nhân Mười Lời. Điều quan trọng nhất mà Sang thụ hưởng được phương pháp ghép hoa đào của người cha và phổ biến cho nông dân là: chọn mầm ghép thật tốt, ghép vào thời điểm mùa đông, ghép vào ngày giờ đúng vào lúc con nước thủy triều lên, ghép thành công đến đâu là ghi ngay vào sổ theo dõi để tìm ra những kinh nghiệm sát thực nhất.   
Tết Tân Mão năm 2011, Bùi Văn Sang đã chăm nuôi 700 gốc hoa đào đạt loại hoa đào kinh doanh ở thương trường. Đến giữa tuần thứ hai của tháng chạp năm nay, thung lũng hoa đào của Sang đã điểm hồng màu hoa trên cành. Sang nói rằng, từng gốc đào hiện tại đã và phát triển như mọi năm, chắc chắn qua rằm tháng chạp, cả thung lũng hoa đào Mười Lời sẽ tiếp tục nở hoa rộ cho đến hết tháng giêng năm sau. Qua tháng giêng, số gốc đào ghép trong vườn ươm sẽ tiếp tục thay thế toàn bộ những gốc đào đã bán trong thung lũng hoa đào, nên là một trong những tháng tất bật nhất của Bùi Văn Sang trong năm. Sang tất bật để giữ và không ngừng nâng cao kỹ thuật ghép hoa đào của người cha- cố nghệ nhân Mười Lời, để giữ mãi, và tạo thêm những nụ hồng mới, tô điểm hơn lên không gian thung lũng hoa đào đã tạo dấu ấn cho du khách khi lên phố ngàn hoa Đà Lạt.
, Thứ Năm, 13/01/2011 (GMT+7)