Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Tái canh cà phê ở Xuân Trường

VĂN VIỆT
Xã Xuân Trường, Đà Lạt ước tính đang cần hơn 12 tỷ đồng để tái canh gần 400 ha cà phê catimor đã già cỗi, năng suất thấp, kém hiệu quả. Đây là bài toán huy động nguồn vốn đầu tư, bài toán bù đắp thu nhập đối với người nông dân không phải dễ dàng thực hiện trong những năm tới.
Theo số liệu thống kê sơ bộ, đến cuối năm 2012, toàn xã Xuân Trường hiện đang chuyên canh khoảng 1.100 ha cà phê catimor đang trong thời kỳ kinh doanh, nhưng chiếm đến 30-35% diện tích già cỗi với số tuổi trên dưới 15 năm. Nếu như cà phê đang ở giai đoạn phát triển khoảng 10 năm tuổi thường đạt năng suất bình quân từ 15-18 tấn tươi/ha thì cà phê ở tuổi già cỗi dù được chăm sóc kỹ lưỡng nhất và đầu tư nhiều vốn nhất cũng chỉ thu đạt trung bình từ 6-7 tấn tươi/ha. Cá biệt với những diện tích cà phê với “tuổi già” từ 15 năm tuổi trở lên, dù áp dụng mọi phương pháp thâm canh cũng chỉ thu đạt từ 1-2 tấn tươi/ha/năm. Dù cà phê catimor đang trong thời điểm thu nhận dinh dưỡng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để nuôi thân, cành, nuôi hoa thụ phấn đậu trái, nhưng do “tuổi đời” đã cằn cỗi, khi gặp bọ xè cánh cứng thường xuyên chui sâu vào đất cắn phá bộ rễ, cây đã không còn khả năng đề kháng, hồi phục, dẫn đến phát triển yếu ớt, năng suất thu hoạch luôn đạt mức rất thấp như vừa nêu.
Ông Lê Thìn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Trường cho biết: Với mong muốn thay thế từng bước diện tích cà phê già cỗi ở Xuân Trường, cách đây khoảng 3 năm, một đơn vị chuyên ngành nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng đã về đây trồng thực nghiệm khoảng 1 ha cà phê giống mới, được ghép từ gốc của giống cà phê robusta (trồng phát triển khá tốt ở các vùng Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm… của Lâm Đồng) và mầm ngọn của giống cà phê catimor Đà Lạt, nhưng không mang lại kết quả vì cây trồng xuống không thích nghi được với khí hậu lạnh và mưa nhiều, cành và tán cây nẩy mầm, sinh trưởng chậm chạp. Trở về lại những diện tích cà phê catimor già cỗi của mình, nhiều hộ nông dân Xuân Trường đã tự thực nghiệm chặt tái sinh, giữ lại gốc cây cũ để chăm sóc mầm cây mới, đồng thời cũng đã chặt tỉa thưa trên những diện tích đang thu trái với mật độ trồng dày trước đây. Qua chăm sóc cây cà phê già cỗi chặt tái sinh với việc tăng thêm liều lượng bón phân, bơm thuốc, công vun gốc, làm cỏ… hơn 3 năm thì bắt đầu thu trái bói, nhưng cộng chung thì sản lượng và chất lượng trái thu hoạch đạt cao nhất ước cũng chỉ bằng 80-90% so với trồng tái canh từ giống cây con mới. Trong khi đó, nông dân vẫn chưa thể tìm mua được những loại thuốc đặc trị ở đâu, hoặc tự tìm ra tỷ lệ pha chế từ các loại thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ hiệu quả nhất, tối ưu nhất đối với loài côn trùng bọ xè cánh cứng gây hại dưới tầng sâu từng gốc cây cà phê catimor đã già cỗi. Tương tự, việc chặt tỉa thưa từng cây cà phê catimor già cỗi ở đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Các hàng cây cà phê catimor còn khoẻ mạnh giữ lại chăm sóc tốt nhất, năng suất mỗi vụ mùa tăng lên cũng chỉ đủ bù đắp lại những khoản tiền đầu tư thêm về phân bón, thuốc trừ sâu ở đầu vụ.
Đến thời điểm cuối tháng 11/2012, nông dân Xuân Trường đang chọn giải pháp cuối cùng là phá bỏ hoàn toàn cây cà phê catimor đã già cỗi để trồng mới cây giống cà phê catimor gieo ươm. Thông qua nguồn vốn hỗ trợ cho vay 200 triệu đồng của Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, 10 hộ nông dân Xuân Trường đã tiến hành tái canh trồng mới khoảng 6 ha. Theo nông dân, đây là giải pháp cải tạo lại đất, diệt trừ hết mọi mầm bệnh, cây cà phê catimor được phát triển liên tục, bền vững và đạt năng suất cao. 

Như vậy để tái canh trồng mới mỗi ha cà phê catimor hiện nay phải cần nguồn vốn tối thiểu ban đầu trên 30 triệu đồng, nhân với gần 400 ha cà phê già cỗi trên toàn xã Xuân Trường cần phá bỏ để trồng lại cần số vốn đầu tư hơn 12 tỷ đồng, vượt ngoài khả năng vốn tự có của nông dân. Bởi vậy, để tìm kiếm đủ nguồn vốn tái canh trồng mới đồng loạt diện tích cà phê catimor ở vùng ven Xuân Trường, như đã nói đây là bài toán khó đối với các đoàn thể, ban ngành chức năng của Đà Lạt nói riêng và của tỉnh Lâm Đồng nói chung.
THÁNG 11/2012