Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Thương hiệu cà phê katimor Trạm Hành

VĂN VIỆT
Từ cà phê moka chuyển sang chuyên canh cà phê katimor, xã Trạm Hành, Đà Lạt đã nâng cao rõ rệt thu nhập cho người dân địa phương.
Đến thời điểm hết tháng 02.2011, vùng chuyên canh cà phê katimor ở xã Trạm Hành, Đà Lạt chỉ còn vài chục hộ thu hái những quả cà phê cuối cùng của vụ mùa năm 2010. Len lỏi qua mấy quả đối thông xanh mát, tôi đến thăm vườn cà phê katimor của hộ gia đình bà Phạm Thị Cúc ở thôn Trạm Hành 1 của xã. 

Khoảng nửa tháng nữa là thu hái hết những quả cà phê cuối mùa, niềm vui được mùa được giá đã hiện rõ. Chuyên canh trên 1,7 ha, ước tổng năng suất đạt hơn 6 tấn cà phê nhân, đạt tổng doanh thu khoảng 400 triệu đồng. Do giá thị trường liên tục tăng cao nên năm nay gia đình bà Cúc chỉ bán một nửa số cà phê thu được để hoàn lại nguồn vốn chi phí đầu tư và chi tiêu cho gia đình; nửa số cà phê còn lại đang đóng vào bao để dành. Có khoảng 10 lao động được gia đình bà Cúc thuê hái cà phê với giá công lao động mỗi người mỗi ngày từ 70 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng. Nhà ở ven đường Quốc lộ 20 thuộc khu vực trung tâm xã Trạm Hành, cách vườn cà phê trên dưới 5 cây số, gia đình bà Cúc xây dựng một căn nhà kho, một khu sân phơi tại vườn, cà phê thu hái, phơi phóng và xay xát lấy hạt nhân tại chỗ. Vỏ cà phê xay ra ủ làm phân bón cho vụ mùa cà phê năm sau. Ngoài ra với hơn 600 cây hồng trồng xen chắn gió trên vườn cà phê, năm qua thu trái bán hơn 50 triệu đồng. Bà Cúc cho biết đã chuyển đổi vườn cà phê của mình từ giống cà phê moka sang giống cà phê katimor bắt đầu từ 15 năm về trước. Qua thời gian thu hoạch toàn bộ thuần giống cà phê katimor trong vườn nhà bà Cúc đã chứng tỏ sự thích nghi về thổ nhưỡng và khí hậu rất tốt, quanh năm chỉ tưới bởi nước trời mưa là đủ dinh dưỡng cho cà phê đơm hoa cho trái đạt năng suất cao.
Theo ông Nguyễn Hữu Âu, Chủ tịch UBND xã Trạm Hành, Đà Lạt thì hộ bà Phạm Thị Cúc là hộ gia đình trồng cà phê katimor có thu nhập khá ở địa phương với diện tích 1,7 ha. Nếu tính tất cả diện tích cà phê katimor ở xã Trạm Hành là 1.100 ha, chia đều cho tổng số hộ dân ( hơn 1.000 hộ) thì đạt mỗi hộ có diện tích cà phê trung bình chỉ hơn 01 ha. Nhưng cũng có không ít hộ đang canh tác năm, sáu héc ta, năm qua thu hái bán hơn cả tỷ đồng. Bên cạnh việc thu hoạch cà phê xay thành hạt nhân để dành như hộ gia đình bà Cúc, người dân Trạm Hành ở niên vụ cà phê này đã bán cà phê tươi với giá mỗi ký ở đầu mùa là 9.000 đồng và đến cuối tháng 02.2011 – thời điểm cuối mùa đã tăng lên 16.500 đồng. Cà phê tươi của nông dân ở Trạm Hành bán là cà phê chín già, quả to, hạt chắc; chứ không phải bán đổ bán tháo cà phê còn xanh non, hạt lép như một vài vùng cà phê khác trong tỉnh Lâm Đồng. Cũng vì biết thương hiệu cà phê Trạm Hành có chất lượng cao, một vài lái buôn đã nổi lòng tham, mua cà phê nơi khác với giá rẻ hơn về trộn với cà phê Trạm Hành rồi bán ra với lời rao là cà  phê…thuần Trạm Hành. Rất may hậu quả chưa đến mức nghiêm trọng thì người dân đã phát hiện, cấp báo với chính quyền xã Trạm Hành và các cơ quan chức năng của thành phố Đà Lạt tiến hành tuần tra, kiểm tra, lập biên bản trường hợp xe đang vận chuyển cà phê xanh nơi khác qua địa bàn Trạm Hành. Qua nhắc nhở, răn đe những dấu hiệu về  gian lận thương mại của lái buôn này, từ đó đến nay, người dân Trạm Hành không phát hiện có hiện tượng chở cà phê nơi khác đến trộn lẫn vào thương hiệu cà phê Trạm Hành để kiếm lời bất chính nữa.
 5 năm trở lại đây, những vườn cà phê moka cuối cùng ở Trạm Hành đã chuyển sang trồng cà phê katimor. Qua thực tế, người nông dân thấy rằng giá cà phê moka thường cao hơn trên dưới 10% so với giá cà phê katimor. Nhưng ngược lại năng suất cà phê moka chỉ bằng hoặc hơn một nửa năng suất cà phê katimor. Như vậy chỉ có một chọn lựa cho một giống cây cà phê chủ lực của xã Trạm Hành cho đến bây giờ là cà phê katimor. Vài năm qua với mặt bằng giá cà phê ở mức trung bình thì cà phê katimor ở Trạm Hành luôn được thu mua ở mức giá biến động cao nhất; và người trồng luôn đạt năng suất và lãi cao nhất so với các vùng trồng cà phê khác trong tỉnh Lâm Đồng. Nhờ cà phê katimor, số hộ khá và giàu ở xã Trạm Hành đã chiếm tỉ lệ hơn 40%. Hiện Trạm Hành coi như không có hộ nghèo ( chỉ cò một hộ nghèo từ nơi khác đến Trạm Hành định cư không có đất, chỉ đi làm thuê mướn).
Trong chương trình phát triển kinh tế xã Trạm Hành đến cuối năm 2011 sẽ tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi những diện tích trồng rau, hoa ngoài trời, đạt giá trị kinh tế còn thấp sang trồng cà phê katimor có giá trị kinh tế cao hơn nhiều. Bởi theo cán bộ đia chính xã Trạm Hành, Nguyễn Văn Trung, một thanh niên tốt nghiệp đại học về địa phương công tác đã hơn 2 năm nay, nói: “Trong những năm tới, cà phê katimor Trạm Hành nếu chăm sóc đạt yêu cầu kỹ thuật cao, dự báo có thể 01 ha đạt năng suất trên dưới 4,5 tấn nhân”./.
Tháng 02/2011