Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

"Lửa sạch” cho người chăn nuôi

VĂN VIỆT
Dự án QSEAP Lâm Đồng đã xây dựng hoàn thành hơn 170 hệ thống sản xuất “lửa sạch”  từ nguồn phân gia súc trên địa bàn, không chỉ tiết kiệm không nhỏ chi phí chất đốt của người chăn nuôi mà còn tận dụng được nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng, góp phần giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường.   

Anh Nguyễn Xuân Minh, cán bộ kỹ thuật của Dự án QSEAP (Nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học) Lâm Đồng cho biết: Trong tổng số hơn 170 hệ thống sản xuất “lửa sạch” ( thường gọi là hầm tạo khí sinh học) đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng trên vùng nông thôn Lâm Đồng thì ở huyện Đạ Tẻh chiếm số lượng nhiều nhất với gần 30 hầm; thành phố Đà Lạt ( ở vùng ven) với số lượng ít nhất là 2 hầm. Các huyện còn lại (trừ Lạc Dương và Đam Rông), mỗi huyện có trên dưới 15 hầm. Mỗi hầm có 3 bể là bể nạp nguyên liệu, bể điều áp và bể phân giải, nối thông nhau bằng những đường ống nhựa tổng hợp. Hầm có diện tích bề mặt nhỏ nhất khoảng hơn 2 mét vuông. Hầm có diện tích bề mặt lớn nhất khoảng 3, 6 mét vuông. Độ sâu của hầm tối đa là 3 mét. Nguồn phân heo, trâu, bò nuôi trong chuồng hàng ngày được dẫn thải vào bể nạp rồi lắng lại ở bể phân giải, nối thông ớ phía bên này là bể điều áp. Sau thời gian ủ phân từ 10- 15 ngày đối với mùa hè và khoảng 1 tháng đối với mùa đông là bắt đầu thu khí “lửa sạch” qua đường ống từ bể phân giải, đấu nối trực tiếp với hệ thống bếp nấu ăn và các thiết bị chiếu sáng trong gia đình. Tùy theo từng quy mô chăn nuôi, lượng chất thải nạp vào các bể ủ khi sinh học hàng ngày tương ứng với lượng chất thải đã phân giải ra ngoài, biến thành chất phân bón hữu cơ bổ sung cho dinh dưỡng cây trồng.
Với hơn 170 công trình xây dựng khí sinh học nêu trên, chiếm 70% bể chứa lắp đặt bằng chất liệu nhựa tổng hợp; 30% còn lại được xây bằng gạch và xi măng. Tổng nguồn vốn xây dựng mỗi công trình “lửa sạch” từ 8 – 15 triệu đồng đối với bể xây và từ 12- 15 triệu đồng đối với bể nhựa. Dự án QSEAP trước khi hỗ trợ mỗi công trình 1,2 triệu đồng, đã tổ chức khảo sát, tư vấn, thiết kế, xây dựng và trực tiếp tập huấn cấp phát tài liệu, hướng dẫn sử dụng đến từng người. Đặc biệt ở mỗi huyện, thành, Dự án QSEAP đã bố trí từ 1-2 kỹ thuật với số “điện thoại nóng” viên luôn ứng trực, sẵn sàng đến tận nơi khắc phục hư hỏng, bảo hành tốt nhất toàn bộ hệ thống “lửa sạch” trong thời gian 01 năm cho hệ thống bể xây và 3 năm cho hệ thống bể nhựa.
Theo tổng hợp số liệu của Dự án QSEAP, đến nay với hơn 170 hệ thống “phát lửa sạch” thì chiếm 50% được sản xuất ở quy mô trang trại chăn nuôi heo từ 50- 100con; chiếm 40% được sản xuất ở phạm vi hộ gia đình chăn nuôi heo trên dưới 10 con; chiếm 10% còn lại được sản xuất ở phạm vi hộ gia đình chăn nuôi trâu, bò…từ 2- 10 con. Sau gần 2 năm, kể từ khi công trình sinh học đầu tiên đến bây giờ là công trình thứ 171được Dự án QSEAP Lâm Đồng xây dựng hoàn thành, chính thức “phát lửa sạch”, đều không để xảy ra một sự cố đáng tiếc nào. Chỉ thỉnh thoảng xuất hiện một vài đoạn ống dẫn khí đốt sạch bị chùng xuống, kỹ thuật viên của Dự án đã kịp thời có mặt để kéo căng lại; hoặc nhắc nhở các chủ hộ gia đình, chủ trang trại phải luôn kiểm tra, khóa chặt các đầu nối dẫn “lửa sạch” khi không sử dụng…

Kế hoạch đến năm 2015 của Dự án QSEAP Lâm Đồng sẽ phát triển “lửa sạch” từ 400 công trình trở lên cho người chăn nuôi. Để đạt được chỉ tiêu này, ngoài số tiền hỗ trợ, Dự án đang triển khai cho vay vốn ưu đãi cho người lắp đặt công trình với số tiền vay lên đến 90% tổng kinh phí đầu tư. Trong thời hạn 5 năm, người vay chỉ trả lãi suất bằng 55,5% so với lãi suất tín dụng đầu tư nhà nước. /. Tháng 11/2012