VĂN
VIỆT
Áp dụng đồng thời kỹ thuật trồng
rau Vietgap ngoài trời và rau Vietgap nhà kính, hàng chục hộ nông dân Đà Lạt đã
mở rộng những “đầu mối giao thương” từ thị trướng phía Nam đến thị trường phía
Bắc, mang lại nhuận cao trên từng đơn vị diện tích đất.
Hơn 20 năm làm một người nông dân vừa trực tiếp sản
xuất vừa buôn rau theo từng chuyến rồi trở thành tổng giám đốc một công ty nông
sản ở Đà Lạt, ông Vũ Trọng Đức đã chia sẻ kinh nghiệm rằng, tùy theo từng điều
kiện về vốn đầu tư, về quy mô diện tích, về lao động, tất cả mọi nông dân Đà Lạt
đều có thể bố trí sản xuất thích hợp các luống rau đạt tiêu chuẩn Vietgap trong
nhà kính và Vietgap ngoài trời, từ đó thường xuyên tạo ra những nông phẩm đa dạng
theo nhu cầu của thị trường. Tính riêng việc hợp tác với nông dân trong 10 năm
qua, ông Đức đã trở thành người bạn hàng thân thiết bao tiêu sản phẩm cho 2 hộ
nông dân sản xuất 2ha rau Vietgap nhà kính và với 20 hộ nông dân sản xuất 20ha rau
Vietgap ngoài trời, thuộc địa bàn các vùng rau An Bình, Thánh Mẫu, Thái Phiên,
Trại Mát, Cầu Đất của Đà Lạt và Đạ Sar của Lạc Dương, mang lại lợi nhuận trung
bình cho người nông dân từ 300 – 400 triệu đồng/ha.
Để có được sự hợp tác trồng rau Vietgap “2 trong 1” với
nông dân, ông Đức đã trải qua một thời gian khá dài để khẳng định mình là một bạn
hàng cung cấp rau uy tín cho hệ thống siêu thị Metro Sài Gòn và hệ thống chợ
rau đầu mối ở thị trường phía Nam và phía Bắc. Đầu tiên, ông Đức áp dụng kỹ thuật
Vietgap đầu tư sản xuất 15 loại xà lách trong 1,2ha diện tích nhà kính của hộ
gia đình mình. Theo đó, tuần tự các khâu từ chọn giống đến vệ sinh đồng ruộng,
tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh…đều được tuân thủ theo hướng dẫn của bên
đặt hàng, kết quả vụ thu hoạch xà lách đầu tiên ( sau 45 ngày trồng) của hộ gia
đình ông Đức đạt 80% sản lượng đủ tiêu chuẩn bán ở siêu thị Metro. 1 năm sau
đó, hộ gia đình ông Đức chính thức hoàn chỉnh quy trình trồng rau Vietgap trên
1,2ha của mình, đồng thời hợp tác chuyển giao cho 2 hộ nông dân ở Đạ Sar, Lạc
Dương và Thánh Mẫu, Đà Lạt trồng thêm 3 ha nữa. Đến cuối năm 2010, toàn bộ diện
tích sản xuất 4,2 ha này được cấp Chứng nhận sản xuất rau an toàn và đến cuối
năm 2012 được cấp Chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap.
Đầu năm 2013, ông Đức hợp tác mới với 20 hộ nông dân
Đà Lạt và Lạc Dương cùng thực hành sản xuất 20ha rau theo tiêu chuẩn Vietgap
ngoài trời. Theo đó, hộ gia đình ông Đức chịu trách nhiệm hướng dẫn toàn bộ nguồn
giống, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm; nông dân có đất sản xuất, đầu tư
vật tư phân bón và công lao động, được “thụ hưởng” tất cả sản phẩm thu hoạch. Vừa
thực hành vừa rút kinh nghiệm, tính vào thời điểm giữa tháng 9/2013, ông Đức
thu mua của 20 hộ nông dân với khối lượng trung bình 2 tấn rau/ngày ( như cà
chua, xà lách…). Trong đó đạt chất lượng Vietgap tiêu thụ ở siêu thị Metro hơn
50% và các siêu thị ở các tỉnh phía Bắc; tỷ lệ 50% còn lại tiêu thụ ở các chợ đầu
mối các tỉnh phía Nam. Dự kiến đến đầu
năm 2014, ông Đức cùng với 20 hộ nông dân bổ sung các quy trình cuối cùng để đề
nghị được công nhận 20ha sản xuất theo quy trình Vietgap.
Để mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh rau
Vietgap, đầu tháng 8/2013, ông Vũ Trọng Đức cùng với những bạn hàng làm ăn lâu
năm, đứng ra thành lập Công ty cổ phần đầu tư sản xuất và thương mại SHD, trụ sở
tại Đà Lạt. Ông Đức “dịch nghĩa” của Công ty SHD là Sài Gòn – Hà Nội- Đà Lạt với
mục tiêu góp phần đưa rau Đà Lạt đạt chuẩn Vietgap gắn kết ổn định và phát triển
với 2 thị trường chính ở phương Nam và phương Bắc. Kế hoạch trước mắt trong năm
2014 của công ty đã được thông qua là mở rộng hợp tác với 30 hộ nông dân Đà Lạt
và Lạc Dương, thực hành sản xuất, kinh
doanh theo tiêu chuẩn Vietgap trên 50ha rau xanh các loại, trong đó gồm 40ha
rau xanh Vietgap ngoài trời và 10ha rau xanh Vietgap nhà kính. Ông Đức trao đổi
thêm kinh nghiệm thực tiễn của mình là: “Trồng rau Vietgap nhà kính cần chú ý đặc
biệt đến lượng nước tưới và lượng phân bón cho thực sự vừa đủ; còn trồng rau
Vietgap ngoài phải chủ động phòng bệnh gây hại theo từng nhiệt độ, thời tiết
trong ngày… ”./.
Tháng 9/2013