Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Đa dạng nghề đào tạo ở nông thôn Đức Trọng

VĂN VIỆT
Với đa dạng nghề đào tạo từ đầu năm 2010 đến nay, huyện Đức Trọng đã hình thành một lực lượng lao động mới có khả năng tiếp cận và ứng dụng hiệu quả những công nghệ kỹ thuật về sản xuất cây trồng, vật nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn.

Theo Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Đức Trọng, với mục tiêu tạo bước đột phá, tăng tốc về chất lượng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề ở khu vực nông thôn của huyện Đức Trọng đến năm 2015 đạt 40% và đến năm 2020 đạt 50%. Cụ thể đến năm 2015 sẽ đào tạo nghề cho khoảng 7.500 lao động nông thôn, trong đó có 3.000 người học nghề nông nghiệp; 4.500 người học nghề phi nông nghiệp. Tỉ lệ có việc làm sau khi đào tạo đạt tối thiểu là 70%. Đến năm 2020, những con số tương ứng sẽ là: 3.600 lao động học nghề nông nghiệp; 5.400 lao động học nghề phi nông nghiệp. Lao động có việc làm qua đào tạo đạt tối thiểu 80%. Những đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ học nghề của nhà nước ở huyện Đức Trọng cũng đều là lao động ở nông thôn, từ đủ 15 tuổi đến 55 tuổi đối với nữ hoặc đến 60 tuổi đối với nam. Thứ tự được ưu tiên hỗ trợ học nghề gồm: Người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người thuộc hộ cận nghèo, có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo; người đồng bào thiểu số; người tàn tật; người bị thu hồi đất canh tác; bộ đội và công an xuất ngũ; người thất nghiệp…
Với mục tiêu tạo bước chuyển nhanh từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở dạy nghề sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của người lao động, trong năm 2010, toàn huyện Đức Trọng đã hoàn thành 26 lớp dạy nghề, cấp giấy chứng nhận cho gần 670 học viên. Tổng kinh phí dạy nghề gần 1.168 triệu đồng. Trong đó học viên học nghề chiếm đa số là đồng bào dân tộc thiểu số; còn lại là học viên thuộc diện hộ nghèo, là người lao động khuyết tật…Học viên đã học thành nghề với 8 nghề, chiếm nhiều nhất là nghề móc len ( 250 học viên), tiếp theo là các nghề trồng và chăm sóc cây cà phê ( 105 học viên); sữa chữa máy nông cụ (105 học viên); trồng rau thương phẩm ( 88 học viên), còn lại là các lớp học nghề như chăn nuôi ( 52 học viên); du lịch ( 31 học viên); cơ khí ( 20 học viên); điện dân dụng ( 18 học viên). Bên cạnh đối tượng học nghề ở  xã, thị trấn còn có đối tượng học nghề thuộc Hội Khuyết tật và Trung tâm 05, 06 của huyện Đức Trọng. Tương tự từ đầu năm 2011 đến nay, huyện Đức Trọng đã tiếp tục hoàn thành 09 lớp dạy nghề với 264 học viên tham gia, tổng kinh phí thực hiện hơn 507 triệu đồng. Hai địa bàn tập trung dạy và học nghề trong thời gian này là xã Tân Hội và xã Tân Thành, các nghề thu hút nhiều học viên nhất là nghề thâm canh cây cà phê, tiếp theo là nghề mây tre đan và cuối cùng là nghề trồng dâu nuôi tằm.    
Những lớp dạy nghề nêu trên được Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Đức Trọng tổ chức trong thời gian từ 3 tháng đến 4 tháng, mỗi tuần đào tạo ít nhất là 30 giờ. Những đơn vị, doanh nghiệp dạy nghề ở Đức Trọng (được Sở Lao động Thương binh và Xã hội Lâm Đồng cấp phép) gồm các trung tâm dạy nghề ở các huyện Đạ Huoai, Đơn Dương, Lâm Hà; các đơn vị Trường Trung cấp dạy nghề Quốc Việt, Trường Trung cấp du lịch Lâm Đồng; cơ sở dạy nghề đan len Nắng Mai…Những lớp học nghề ở huyện Đức Trọng có thời gian 3 tháng đã được cấp chứng nhận hoàn thành khóa học; riêng lớp học từ 3 tháng trở lên đã được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề như lớp chăn nuôi, cơ khí, du lịch.
Kết quả dạy và học nghề - theo đánh giá của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Đức Trọng, đa số học viên đã ứng dụng hiệu quả những kiến thức đã học trong quá trình đầu tư sản xuất theo quy mô hộ gia đình, từ đó chất lượng những sản phẩm nông nghiệp đã tăng lên đáng kể như các sản phẩm cà phê, rau thương phẩm, chăn nuôi trâu, bò, heo, gà…Đặc biệt số học viên học nghề trồng nấm đã về gia đình mở rộng sản xuất theo kỹ thuật mới đã học, đạt thu nhập hàng tháng hàng chục triệu đồng. Ngoài ra các nghề như cơ khí, móc len…là những nghề phụ, thường làm việc vào ban đêm sau nghề chính ở đồng áng, đã đem lại một phần thu nhập quan trọng cho người lao động. Đồng thời học viên học nghề du lịch cũng đã được các doanh nghiệp trong huyện Đức Trọng tiếp nhận vào làm việc. Dự kiến đến cuối năm 2011, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Đức Trọng tiếp tục tổ chức 10 lớp dạy nghề cho 350 người ở các xã trên địa bàn với đa dạng nghề như sửa chữa máy nông cụ, trồng và chăm sóc cà phê, rau, hoa, nấm…/.
Tháng 7/2011