Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Đà Lạt có “guitar du lịch”

VĂN VIỆT
Từ một người thợ mộc bình thường, anh Huỳnh Kim Hoàng ở đường Kim Đồng, Đà Lạt, đã tự nghiên cứu “chế biến” hàng loạt cây đàn guitar chất lượng cao, trở thành một sản phẩm du lịch tin dùng đối với khách du  lịch trong và ngoài nước.

Trong căn nhà xây cấp 4 của mình ở đường Kim Đồng, Đà Lạt, anh Huỳnh Kim Hoàng đã giành riêng một phòng khách đôi chục mét vuông để “chế biến”, bán đàn guitar khoảng hai chục năm qua. Anh Hoàng chia sẻ : “Ơn  nghề.mộc làm đàn guitar đã cho tôi có thêm nhiều người quen chơi nhạc ở các phòng trà trong nước, cho gia đình tôi có thu nhập nuôi 4 người con vào giảng đường đại học…”
Xuất thân là một người thợ mộc chế biến các sản phẩm mộc gia dụng, từ những năm đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước, anh Huỳnh Kim Hoàng giành thời gian “chế biến” thêm một cây đàn guitar cho riêng mình để tìm về một cảm giác đam mê tiếng đàn, điệu nhạc từ thời trai trẻ khi đang lúc sinh viên Khoa Sư phạm âm nhạc của một trường đại học ở miền Nam trước giải phóng. Ngày giải phóng về, anh Hoàng mới học gần hết năm thứ hai, nhưng không thể tiếp tục học nữa để hoàn thành tấm bằng đại học âm nhạc vì hoàn cảnh riêng của gia đình. Trở về căn nhà nơi sinh ra mình ở đường Kim Đồng, Đà Lạt, anh Hoàng chọn học nghề mộc để sinh sống, lấy vợ, nuôi con. Rồi một ngày, anh lặng lẽ “chế biến” thành một cây đàn guitar, đánh khẽ từng phím đàn, đàn ngân lên từng nốt nhạc, như bất ngờ được tận hưởng những niềm vui thích đến khó tả. Anh Hoàng bảo không bao giờ quên cái ngày đầu “khó tả ” khi được chơi cây đàn guitar tự làm của mình như vậy. Từ đây, anh Hoàng quyết định chuyển hướng dần dần nghề mộc gia dụng sang nghề mộc “guitar du lịch” để bán có được thu nhập ổn định hơn, tăng cao hơn.
Nhưng những chiếc guitar ‘ra lò” những năm đầu tiên của anh Hoàng chỉ mới khép nép bên các quày hàng nhỏ trong góc phố chợ trung tâm Hòa Bình, Đà Lạt. Một tháng làm ra đôi, ba chiếc cũng bán hết, nhưng rồi anh Hoàng không dừng lại để chế biến đại trà dòng hàng “đàn chợ” mãi được. Bởi anh Hoàng cho rằng, dòng hàng “đàn chợ” với giá bình dân phổ thông, nhưng âm thanh trầm bổng của nó nghe không được “đầy”, không được “vang”; còn thùng đàn, cần đàn với chất liệu gỗ tạp nên độ bền của đàn chỉ vài năm sau là không sử dụng được nữa. Hơn nữa nếu khách du lịch từ phương xa đến Đà Lạt mua cầy đàn về chơi, lưu niệm cho một chuyến đi mà chỉ vài năm sau đã phải thay thế thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến ý nghĩa của một sản phẩm du lịch. Nghĩ vậy, anh Hoàng quyết định tập trung “chế biến” đàn guitar chất lượng cao theo đặt hàng của khách du lịch trong và ngoài nước.
Trước khi bước vào sản xuất guitar chất lượng cao, anh Hoàng đã tự hoàn chỉnh thiết kế bộ cộng hưởng âm thanh trong thùng đàn khá khác biệt của mình. Theo anh Hoàng, về đàn guitar phải bắt buộc theo kích thước chuẩn quốc tế, nhưng từng dây đàn, phím đàn đánh lên nghe âm vực của nó sâu và rộng như thế nào là tùy thuộc phần lớn vào người thiết kế, sản xuất từng bộ phận phát ra âm thanh trong cây đàn. Đi vào “chế biến” đàn chất lượng cao, anh Hoàng liên hệ với những người quen biết mua vế từng thanh ván gỗ cẩm quý hiếm từ Ấn Độ. Nguyên liệu keo dán cũng chọn mua loại tốt nhất nhập về từ Mỹ. Và đầu tư một giàn máy cưa lọng, bào, chạm khắc, cắt,  đục, khoan, tiện…hoạt động bằng mô tơ điện, tính theo giá thị trường tháng 6/2012 với tổng kinh phí trên dưới 50 triệu đồng. Kết quả vài tháng đầu chào hàng vài cây đàn chất lượng cao ( giá mỗi cây đàn hiện nay là từ 5 triệu đồng đến 40 triệu đồng), người mua về sử dụng sau đó có ‘phản hồi’ tích cực, làm động lực cho anh Hoàng liên tục cải tiến sản xuất cho đến nay. Khi khách hàng đặt mua nhiều lên, anh Hoàng “điều” thêm một người con trai lớn ( hiện nay đã có vợ con cũng ở Đà Lạt) về vừa học nghề vừa cùng sản xuất. Ước trung bình trong 5 năm gần đây, anh Hoàng cùng con trai sản xuất bán ra mỗi năm trên dưới 50 cây đàn guitar chất lượng cao, chiếm phần lớn người mua trong đó là khách du lịch đến từ các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang; cũng có người là Việt kiều; chiếm phần nhỏ còn lại là người địa phương Đà Lạt mua về chủ yếu cho nhạc công sử dụng ở các phòng trà, lễ tiệc…
Anh Hoàng cho biết, đến thời điểm tháng 6/2012, thiết kế thùng đàn guitar cộng hưởng âm thanh của anh gồm hơn 10 nan gỗ lớn nhỏ ốp dán lên mặt trong bên trên của thùng đàn. Nan có nhiều hình dáng thẳng, hình vòng cung, hình chữ nhật…Nam dài nhất đến 26cm, ngắn nhất khoảng 5cm, đặt ở các khoảng cách, vị trí thích hợp nhất để tạo ra những “bậc” âm thanh nghe “đắt” nhất. Trước khi xuất bán, từng cây đàn được anh Hoàng đo độ chuẩn âm thanh trên từng dây, từng phím phát ra bên một chiếc máy đo điện tử mua về từ Mỹ, giá 40USD. “Nhưng đây chưa phải là chuẩn âm thanh cuối cùng của cây đàn tôi sản xuất bán ra thị trường. Hàng ngày chế biến bên từng mảnh ghép cây đàn, tôi vẫn luôn không ngừng suy nghĩ, tìm ra những chi tiết cải tiến mới cho âm thanh của đàn hay và “đẹp” hơn nữa, tạo lợi thế cạnh tranh của mình trên thương trường để tồn tại, để góp thêm một sản phẩm du lịch uy tín cho du lịch Đà Lạt”- anh Hoàng chân tình./.
Tháng 6.2012