Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Bình tuyển cây trội ở rừng đầu nguồn Đa Nhim

VĂN VIỆT
Rừng đầu nguồn Đa Nhim với diện tích gần 48 ngàn ha trải dài khắp các địa bàn của huyện Lạc Dương, gồm rừng lá kim và rừng lá rộng, rừng hỗn giao, trong đó có nhiều quần thể cây trội quý hiếm cần phải có những biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt.
Theo Ban Quản lý rừng đầu nguồn Đa Nhim, cách đây khoảng mấy năm, trong lúc khảo sát quản lý trên lâm phần rừng lá kim, lá rộng, hỗn giao trên các xã Đa Nhim, Đã Sar, xã Lát của huyện Lạc Dương, các kỹ sư lâm nghiệp của Ban đã xác định một quần thể thông đỏ quý hiếm từ 15 cây đến 20 cây sinh trưởng tự nhiên. Cây cao nhất ước khoảng 30 mét, cây thấp nhất cũng đến 15 mét. Thời gian sau đó, các kỹ sư của Ban đã tiếp tục khảo sát trên các tất cả lâm phần rừng đầu nguồn Đa Nhim đồng loạt trên tất cả 6 xã, thị trấn của huyện Lạc Dương, đã xác định các quần thể thực vật quý hiếm khác như thông 5 lá, thông 2 lá dẹt, cây bách xanh…Với mục đích bảo vệ nguồn gien cho nhu cầu trồng và phát triển các loài cây quý hiếm này, Ban đã nhanh chóng khoanh vùng để triển khai các  phương án quản lý, bảo vệ chặt chẽ hơn. Trong điều kiện địa bàn lâm phận trải rộng, Ban đã kết hợp từ những tài liệu, họa đồ phản ánh hiện trạng rừng với nhiều đợt sơ thám của đội ngũ kỹ sư và dựa vào đặc điểm từng vùng sinh thái để cùng làm căn cứ, đưa ra các tiêu chí bình tuyển cây trội quy hiếm, phân bổ trên từng diện tích rừng khác nhau. Trước mắt, Ban chọn 3 loài thông quý hiếm để bình tuyển cây trội là thông đỏ, thông 5 lá và thông 2 lá dẹt.
Ông Lê Chí Quang Minh, kỹ sư lâm nghiệp của Ban Quản lý rừng đầu nguồn Đa Nhim phân tích: Để xác định cây trội trên quần thể 3 loài thông quý hiếm đã xác định, Ban phải chọn lựa những cây có kiểu hình thân cây thẳng, cây đến tuổi thành thục, không bị sâu bệnh, chiều cao vút ngọn của cây hơn 20 mét, đường kính bình quân 45 cm, cự ly giữa các cây trong khoảng từ 30 mét đến 50 mét.  Kết quả, Ban đã chọn 50 cây trội đang sinh trưởng trên gần 90ha lâm phần của rừng đầu nguồn Đa Nhim, Lạc Dương để quản lý bảo vệ nguồn gien gồm: 10 cây thông đỏ, 21 cây thông 5 lá  và 19 cây thông 2 lá dẹt. Tất cả cây trội bình tuyển này đều nằm trên độ cao từ 1.100 mét đến 1.400 mét. Các chỉ tiêu sinh trưởng của từng loài cây trội đã được nghiên cứu, đánh giá về mật độ tái sinh bình quân trên mỗi ha với cây thông đỏ là 500 cây; với cây thông 5 lá và cây thông 2 lá dẹt là 200 cây.
Đến nay, với 50 cây trội quý hiếm đã và đang được Ban Quản lý rừng đầu nguồn Đa Nhim triển khai các biện pháp bảo vệ hữu hiệu bước đầu. Đó là việc thường xuyên bố trí lực lượng tuần tra, kiểm tra trên lâm phần có cây trội, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi lấn chiếm đất rừng, chặt phá rừng trái phép. Thường xuyên theo dõi sâu bệnh rừng từng khu rừng có cây trội để có những biện pháp phòng trừ thích hợp, tích cực phòng chống cháy rừng với hiệu quả cao nhất. Riêng từng phạm vi rừng có cây trội đã được lắp đặt các biển báo, qua đó để nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ của người dân ven rừng. Đặc biệt, biển ghi tên từng cây trội cũng được Ban lắp đặt theo đánh số thứ tự từ cây số 1 đến cây số 50, ghi rõ lô, khoảnh, tiểu khu, tọa độ địa lý… để thuận lợi trong việc phân công theo dõi chăm sóc và quản lý, bảo vệ sinh trưởng tốt cho cây.
Việc bình tuyển và quản lý bảo vệ cây trội ở rừng đầu nguồn Đa Nhim nêu trên là kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đây chỉ mới là những kết quả bước đầu. Cũng theo kỹ sư lâm nghiệp của Ban Quản lý rừng đầu nguồn Đa Nhim, ông Lê Chí Quang Minh: Rất nhiều phần việc cấp thiết cần phải triển khai trong những năm tới. Trước hết là thành lập các tổ bảo vệ chuyên trách, các trạm quản lý trên từng khu vực rừng có cây trội. Về khâu lâm sinh, cần phát dọn thực bì, dây leo đeo bám trên cây; riêng bụi rậm xung quanh cây trội phải phát dọn với diện tích từ 4 mét vuông đến 8 mét vuông, tạo không gian cho thế hệ cây trội kế cận mới sinh sôi, phát triển. Vào mùa khô tới nên làm đường ranh cản lửa, rộng khoảng 10 mét để cách ly khu vực lâm phần cây trội với các khu vực rừng xung quanh. “ Nhưng đây chỉ mới là phương án đề xuất của Ban Quản lý rừng đầu nguồn Đa Nhim. Để phương án này đi vào triển khai trong thực tế, phải có sự phê duyệt, cấp kinh phí của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng”- Kỹ sư Minh nói.
 Chủ Nhật, 09/01/2011 (GMT+7)