Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Nỗi lòng người đi chợ

VŨ VĂN
Giữa thời giá tiêu dùng đang tăng vượt cao so với mặt bằng thu nhập tăng không đáng kể của công chức, người lao động, theo chân các bà nội trợ một ngày ra chợ càng thấu hiểu hơn nỗi lòng tính toán chi li sao cho vừa hợp túi tiền, vừa đảm bảo dinh dưỡng cần thiết trong từng bữa ăn gia đình. 

Sau giờ hành chính nhà nước buổi sáng hàng ngày, một phụ nữ công chức ở khu phố tôi về nhà làm bà nội trợ luôn phải suy nghĩ một thực đơn mới. Với lương hai vợ chồng đều làm công chức trên dưới hai mươi năm, hàng tháng cộng lại chưa tới thu nhập mười triệu đồng, không chỉ phải đảm bảo khẩu phần dinh dưỡng cho 30 ngày ( hoặc 31 ngày) trong tháng mà còn phải dành lại các khoản chi phí xăng xe, học hành của hai đứa con và các nghĩa cử thăm viếng, chúc mừng tân hôn, tân gia…đối với những người trong họ hàng, anh em, bạn bè thân hữu…Rồi chưa kể một vài khoản phí tự nguyện đóng góp xây dựng quỹ khu phố, tổ dân phố nữa. Chia đều trong miếng bánh thu nhập có được của mình, bà nội trợ công chức quyết định dành 100 ngàn đồng đi chợ mỗi ngày về nấu nướng cho hai bữa cơm chính vào buổi trưa và buổi chiều tối với gia đình gồm hai vợ chồng và hai đứa con đang đến tuổi cắp sách đến trường học phổ thông.
Đầu tiên phải chọn ba loại thực phẩm dinh dưỡng bắt buộc phải có là trứng, thịt, cá hàng ngày, chiếm tỉ lệ trên dưới 70% trên tổng số tiền chợ; 30% còn lại là tiền rau và gia vị. Hoán đổi lẫn nhau từng bữa ăn có thể chế biến thành 3 món xào, canh và mặn. Nếu gặp ngày đi chợ thiếu hụt. Như giá thịt heo trong thời điểm giữa tháng 3/2011 dao động mỗi ký từ 60 ngàn đồng đến 80 ngàn đồng, tùy theo từng loại như thịt ba chỉ, thịt đùi, xương …Bốn người trong một gia đình chia đều một ký thịt heo trong hai bữa ăn trong ngày thì mỗi người mỗi bữa ăn được 1,25 lạng. Nếu so với thời điểm từ tháng chạp qua hết tháng giêng Tân Mão thì trong tháng 3/2011 này, giá lương thực thực phẩm trùng bình tăng từ 15% đến 20% ( có ngày tăng lên đến 25%). Riêng cá tươi từ các vựa cá vừa đánh bắt vừa bán buôn ở Phan Rang, Nha Trang, Phan Thiết…mỗi ngày đưa lên Đà Lạt từ khuya sớm, giá sẽ mềm hơn nếu ngư dân ra khơi gặp thời tiết biển yên sóng lặng, và thời tiết ngược lại thì giá cá sẽ khó khăn hơn với bà nội trợ. Tuy nhiên với gia đình công chức vẫn có cách “liệu cơm gắp mắm” phù hợp hơn. Như các loại cá thu. mú, chuồng…là những loại cá quý, đắt tiền ( thường trên dưới 150 ngàn đồng một ký)  nên một, hai hoặc ba tháng mới mua về đôi, ba lạng chế biến ăn cũng không ảnh hưởng gì chế độ dinh dưỡng chung trong gia đình. Bởi các loại cá nục, cá ngừ, cá ngân; cùng các loại cá nước ngọt khác…với giá mội ký trên dưới 50 ngàn đồng vẫn xứng đáng giữ vị trí cung cấp các…”chất cá” chủ lực cho bữa ăn hàng ngày.   
Coi như 100 ngàn đồng mà bà nội trợ công chức đi chợ cho hai bữa ăn chính trong ngày với 4 người trong gia đình hạch toán tạm ổn. Nhưng còn bữa sáng thì sao? Đây là bữa ăn khá quan trọng để bước vào một ngày làm việc hiệu quả mới cho hai vợ chồng công chức và cho việc học hành tiếp thu nhanh đối với hai đứa con đến trường. Để không tọa chi với phần thu nhập còn lại, một gia đình công chức ở khu phố tôi đưa ra định mức ăn sáng mỗi người 15 ngàn đồng, nhân cho 4 người trong gia đình là 60 ngàn đồng. Linh hoạt thực đơn buổi sáng là có thể các loại mì gói, bánh mì với trứng mua về chế biến và thỉnh thoảng cũng có thể ra quán phở, quán bún giò kéo ghế mà không phải lo thiếu hụt. Như với mỗi bữa sáng 15 ngàn đồng, nếu ăn ở nhà 2 bữa mì gói thì còn lại đủ tiền để ra quán kéo ghế ăn một tô bún, phở...
 Như vậy vị chi cả thảy hàng tháng với hai vợ chồng công chức đã tiêu tiền chợ như trên gồm tiền thức ăn 3 triệu đồng, tiền ăn sáng 1,8 triệu đồng, tiền xăng xe máy và điện thoại, điện, nước 1triệu đồng; tiền gạo, gao, mắm muối 1triệu đồng…Cộng với vài khoản chi phí mua sắm thường nhật khác thì cũng vừa đủ gần 10 triệu đồng, tính ra mức sống của công chức thời tăng giá như vậy cũng không đến nỗi chật vật phải chạy kiếm thêm tiền bằng các nghề tay trái hoặc làm kinh tế phụ gia đình ( chăn nuôi heo, gà chẳng hạn) như thời bao cấp hơn ba thập niên về trước.
Với người công nhân lao động liên hệ với người công chức thì cũng không đến mức quá thắt lưng buộc bụng. Như mỗi ngày người thợ xây dựng bình thường ở Đà Lạt với tiền công trên dưới 150 ngàn đồng; thợ đan len cũng đang ổn định trên dưới 100 ngàn đồng…đều nằm ở chung mặt bằng thu nhập của giới công chức nhà nước. Trong khi học nghề để trờ thành công nhân với thời gian ngắn hơn; các đòi hỏi của yêu cầu học vấn ít khắt khe hơn so với người khac khi trở thành người công chức. Với người nông dân trong nhiều chính sách về ưu đãi thuế, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhiều thực phẩm hàng ngày có thể tự cung tự cấp được nên thời tăng giá thường không quá tính toán tỉ mỉ như thu nhập lương của công chức và công nhân. Như nông dân trồng rau, nuôi ao cá…là những sản phẩm cây nhà lá vườn nên thường bớt được khoản chi tiêu tiền chợ hàng ngày. Tương tự nông dân trồng lúa thì không phải hạch toán phần chi tiền gạo. Chưa kể nhiều khu vực nông thôn trong tỉnh Lâm Đồng hiện nay đang phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm khá hiệu quả bên cạnh trồng các loại cây chủ lực như cà phê, chè. Không ít hộ gia đình hàng tháng bán kén tằm có thu nhập hơn cả lương công chức nhà nước mới tốt nghiệp đại học ra trường.
Theo chân những người nội trợ đi chợ là công chức, công nhân, nông dân trong thời điểm chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, được cảm nhận thêm nỗi lòng cân, đo, đong, đếm trong từng bữa ăn của gia đình họ; được biết họ nhận biết rằng lạm phát trong nước là yếu tố tác động chính từ nền kinh tế chung của thế giới; và trên hết họ là những công dân của đất nước Việt Nam kinh tế đang phát triển, luôn ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của mình để cùng chia sẻ, góp tay cùng nhà nước thắt chặt những khoản chi tiêu không cần thiết, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội./.

Tháng 3/2011