VĂN
VIỆT
Mỗi
lần xảy ra “va chạm” ở làng buôn là thấy ông xuất hiện để “xét xử”. Lần nào ông
cũng vào cuộc rất đúng lúc và ra “phán quyết” bằng cả nghĩa tình. Ông là Cil
Khuyên ( sinh năm 1957), cán bộ tư pháp của xã Lát, Lạc Dương.
Phòng Tư pháp
huyện Lạc Dương giới thiệu tôi gặp Cil Khuyên để “khám phá” những “bản án” của ông.
Ay là những “bản án” thấm đẫm cái tình mà đã hóa giải thành công những mâu
thuẫn, xích mích từ quan hệ xóm giềng về đến cuộc sống gia đình. Chuyện trâu
tấn công người gây thương tích là một vụ ví dụ. Sự là 15 con trâu thả rông (của
5 hộ gia đình) đã vào giẫm đạp vườn rau của một hộ làm vườn trong buôn. Chủ
vườn chạy ra xua đuổi thì bất ngờ bị một con trâu húc sừng vào bả vai gây
thương tích phần mềm, phải vào bệnh viện điều trị gần một triệu đồng. Chủ vườn
(nạn nhân) đòi bòi thường thì 5 chủ trâu nảy sinh tranh chấp. Không người nào
chịu nhận trâu của mình là “thủ phạm”.
Cil Khuyên đến giảng giải: Người nào để vật nuôi của mình gây thiệt hại
người khác đều phải có nghĩa vụ bồi thường. Tuy nhiên với cái tình thì không ai
muốn trâu của mình phá hoại hoa màu, gây thương tích người khác. 15 con trâu
cùng xâm nhập một vườn rau, cùng bị xua đuổi, cùng chạy hoảng loạn rồi chen đẩy
một con trâu gây tai nạn cho chủ vườn. Thôi thì chủ trâu nào cũng có lỗi cả,
phải cùng chia đều bồi thường thiệt hại cho chủ vườn rau… Nghe xong, hai bên
“nguyên” và “bị” như “tỉnh ngộ” ra, cùng bắt tay nhau khắc phục hậu quả, gắn
kết trở lại tình cảm xóm giềng.
Còn đây là câu
chuyện 5 người con lo hậu sự cho cha mẹ già yếu. 10 năm trước, người cha nằm
xuống được 3 người con đầu bỏ tiền ra lo lắng chu tất. 2 người con út bấy giờ
gia cảnh khó khăn nên đành lực bất tòng tâm. 10 năm sau người mẹ già rồi cũng
phải ra đi. 3 người con đầu “ứng” trước tiền chi phí tang gia, xây mồ yên nghỉ
cho mẹ rồi sau đó yêu cầu 2 người con út phải thanh toán tất thảy. 2 người con
út dù đời sống có đỡ hơn chút đỉnh, nhưng vẫn chưa thể đảm đương khoản tiền lo
tang mẹ. Cil Khuyên gặp cả 5 người con cùng lúc. Và lời khuyên của Cil Khuyên
là con cái lo nghĩa tử cho cha mẹ là ở tấm lòng thành kính. Còn mức đóng góp
tiền bạc thì phải dựa theo khả năng từng người con. Đừng hơn thua nhau vài
triệu đồng mà làm vong linh cha mẹ đau buồn nơi chín suối…Hiểu ra cái sâu xa
của đạo lý làm con, 5 người con ấy hứa làm theo lời “tuyên xử” của Cill Khuyên.
Một ngày trung
tuần tháng 11/2007 vừa qua, Cil Khuyên vừa ra “bản án” đoàn tụ một đôi vợ chồng
sau mấy tháng đòi chia tay. Do vợ chồng hiểu lầm về sự thủy chung, kéo theo
những lời lẽ xúc phạm nặng nề với nhau. Cil Khuyên giải thích rằng vợ chồng đã
có mấy mặt con rồi, phải có niềm tin với nhau. Hơn nữa cả hai đều thể hiện sự
chăm lo xây dựng cho cuộc sống hôn nhân chung. Nếu chỉ chăm chăm hơn thua nhau
từng lời qua tiếng lại thì việc ly hôn hoàn toàn vô lý. Cil Khuyên dẫn ra câu
ngạn ngữ của đồng bào thiểu số Tây Nguyên. Đại ý, vợ không chồng như người sống
thiếu ánh sáng. Chồng không vợ như người sống thiếu gió mát…Kết quả cả hai đã
nhận ra cuộc sống của họ không thể thiếu nhau. Hiện họ đang xây căn nhà mới với
giá trị khoảng nửa tỷ đồng…
Đặc thù của xã
Lát huyện Lạc Dương chiếm hơn 93% là đồng bào thiểu số gốc bản địa Tây Nguyên.
Những vụ việc dù chỉ bất đồng ở phạm vi nhỏ nhưng nếu không hóa giải kịp thời
sẽ ảnh hưởng cho sự bình an của buôn làng. Hàng chục vụ việc tương tự đã được
Cil Khuyên “xét xử” hiệu quả trong thời gian qua sẽ là những kinh nghiệm quý
cho công tác hòa giải ở buôn làng nói riêng, ở cộng đồng dân cư nói chung.
Tháng 11/2007