Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Lo cho môi trường Đà Lạt

 VĂN VIỆT
Vậy là tôi sống và làm việc ở Đà Lạt đã 10 năm. Ngày đầu đặt chân đến, tôi và bao người khác đều ngỡ ngàng ngưỡng mộ với không gian khoáng đạt; núi rừng yên ả và dĩ nhiên có cả con người yêu mến, gắn bó hết mực với thiên nhiên. Lúc này nhiều người định cư lâu năm nói rằng nhiệt độ Đà Lạt đã tăng cao gấp mấy lần so với vài thập kỷ trước. Với vốn hiểu biết thực tại của mình, tôi đồng cảm với Đà Lạt. Dẫu sao cũng nhận ra được "trái đất đang nóng dần lên" mà! Nhưng giờ đây, qua quá trình tăng tốc đô thị hóa và công nghiệp hóa, tôi có điều kiện tiếp cận tìm hiểu để khẳng định: môi trường; màu xanh của Đà Lạt đang bị hủy hoại nghiêm trọng và như vậy chưa hẳn trái đất mà là Đà Lạt "đang nóng dần lên". 

HÀNH TRÌNH CỦA RÁC
Thực ra đây không còn là chuyện giản đơn như thường nghĩ nữa, mà đã trở thành một vấn đề liên quan đến nhiều cấp, ngành và chính mỗi con người chúng ta. Hầu như mỗi chương trình nghị sự đều đưa ra bàn luận, song đến nay vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu. Công sức và tiền bạc cứ đổ vào đấy, nhưng rác và các chất thải khác vẫn ngày đêm tuôn ra các dòng suối hoặc vương vãi trên nhiều khu phố. Vì không có cách xử lý cứng rắn, nên rác vẫn "nhởn nhơ" ngoài vòng "kiểm soát". 
Theo số liệu từ Công ty Vệ sinh Đà Lạt, lượng rác thải ra trên thành phố trung bình mỗi ngày khoảng 120 m3. Ngày cao điểm như dịp tết Nguyên Đán có thể lên đến 300 m3. Còn mùa du lịch thì 200 m3/1 ngày. Vài năm gần đây tuy gặp nhiều khó khăn về ngân sách, nhưng thành phố đã trích một khoản kinh phí không nhỏ để sửa chữa và trang bị mới 2 xe rung chuông ép rác và 3 xe vận chuyển rác. Tháng 11/1995, công ty ra thông báo gửi đến các phường xã quy định thời gian và các địa điểm đổ rác. 
Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu mọi người đều ý thức chấp hành thì với phương tiện và tinh thần làm việc của công nhân vệ sinh, lượng rác sẽ giải phóng tập trung ra khỏi thành phố trong ngày. Tuy nhiên ở những khu vực trung tâm thành phố được bố trí 3 hố rác công cộng là ấp ánh Sáng, bến xe Tùng Nghĩa và chợ lớn. Vậy mà phần lớn hộ gia đình không tuân thủ. Trong khi đó, xe rung chuông "dong ruổi" hàng ngày ngoài giờ làm việc, nhưng rác cũng không có khả năng thu gom hết. Ngược lại nhiều gia đình mang cả xà bần đổ vào xe ép rác. Khi nhân viên công ty phản đối, họ lại buông những lời lẽ thóa mạ và thiếu văn hóa. Thế mới biết những người công nhân vệ sinh phải nhẫn nại và chịu đựng đến vô cùng! 
"Hành trình" của rác đi dọc nhiều đường phố chính đến những con hẻm nhầy nhụa và lan ra một vài khu vực ở gần bệnh viện, trường học và kể cả vườn cây trái trong nhà. Trong năm 1995, thành phố trang bị 30 thùng rác bô-xít công cộng trên những khu vực nội thị, nhưng đến nay đã không nhất nhất thực hiện mà còn bị phá hủy vô tội vạ 10 thùng. Vì không có biện pháp quản lý tích cực, nên kẻ vô tâm ấy không được vạch mặt điểm chỉ. Thử một lần đi qua tam cấp từ khu vực chợ mới lên đường Phan Bội Châu, chúng ta mới thấy nhiều chua cay bởi mùi ô uế ở đây. Nước thải và rác trộn hòa vào không khí đặc quánh vi khuẩn gây bệnh. Trong tương lai, khu thương mại chợ Đà Lạt có thể thành một siêu thị, nhưng cứ kiểu đà này chắc hẳn khách hàng nhiều phen ngại lui tới, huống hồ chi nói đến sự văn minh của đô thị du lịch! 
Nhiều lần tiếp chuyện với chúng tôi, Giám đốc Công ty vệ sinh Nguyễn Thị Họa nói rằng: "Nếu ý thức của người dân cứ mãi như vậy thì công ty của tôi dù có ba đầu sáu tay cũng không thể nào giải quyết rốt ráo vấn đề rác bừa ra đó được!". Thực tế ngay đến cả chuyện thu tiền lệ phí rác phải năn nỉ, giống như vòi được bố thí. Bởi không có biện pháp "cưỡng chế" được, nên tháng 11/1995, công ty giao cho các phường xã trực tiếp thu, lấy tiền tự thuê người dọn rác quanh khu phố mình. Nhưng xem ra chẳng mấy nơi triển khai. Duy chỉ có phường 4 mới thực hiện sơ khai ở khóm Thiên Thành và Mạc Đĩnh Chi. 
Chưa hết, mùa du lịch năm nay, thác Cam Ly lại tiếp tục ô nhiễm, xông mùi ngạt thở vì thượng nguồn của nó là các con suối đường Phan Đình Phùng, La Sơn Phu Tử, Nguyễn Văn Cừ bị rác tấn công liên tục từng ngày, từng giờ. Năm năm trước, Đà Lạt ra quân nạo vét, tháo gỡ những công trình lấn chiếm lòng suối thì đến tháng 11/1995 công sức đổ ra ấy biến thành "công cốc". Mọi việc phải tiến hành từ đầu. Tiền công lao động công ích của nhân dân đến 150 triệu đồng, nhưng khi nghiệm thu khoảng 80% phần việc thì ngoảnh lại nhìn dòng suối đã làm bị đầy ắp rác. Công trình phụ lấn chiếm bỗng tái diễn. Không những bếp mà kể cả nhà vệ sinh nhanh chóng mọc lên "đình huỳnh" giữa dòng nước. Để "chữa cháy" khỏi mang tiếng trong mùa du lịch, mồng bốn tết Bính Tý đến nay (rằm tháng giêng) thành phố chỉ đạo xả nước hồ Chiến Thắng để rửa bớt dòng đục. 
Cố gắng đáng ghi nhận, nhưng chỉ mang tính đối phó nên rác cứ ung dung bành trướng. Đặt vấn đề này, Công ty Vệ sinh khẳng định đây không phải là trách nhiệm đơn vị. Bởi đơn vị này chỉ gom rác trên đường phố chứ không phải ở bờ hoặc trên dòng suối. Còn Ban chỉ đạo công trình nạo vét hạ lưu hồ Xuân Hương cho rằng đó là do hiệu lực quản lý Nhà nước ở các phường xã không phát huy được... 
Tháng 4/1995, thành phố quy hoạch bãi đổ rác tập trung rộng 3 ha ở núi Băng Bị, cách trung tâm khoảng 4 km. Kinh phí xây dựng bãi trên 30 triệu đồng và 280 triệu đồng san ủi đoạn đường dài khoảng 1,2km. Lượng rác này xử lý bằng cách để lâu ngày, sau đó bán cho nông dân dùng làm phân bón cho cây trồng. Hiện chưa có quy trình công nghệ chế biến rác thành phân hữu cơ, nên chẳng ai dám đoán chắc không ảnh hưởng đến môi trường. Thậm chí nhiều hộ dân mua cả "rác tươi" về bón quanh vườn nhà. Thật là một hiểm họa khó lường đã được báo trước... 
VẪN CÒN ĐÓ NHỮNG TẬP QUÁN CANH TÁC LẠC HẬU
Đà Lạt là một vùng chuyên canh rau thương phẩm chiếm một diện tích khá lớn so với toàn tỉnh. Với 2.000 ha đất, hàng năm sản xuất từ 50-60 ngàn tấn rau các loại. Khác với các vành đai rau xanh khác, Đà Lạt có 3 loại đất chính: Daxít (nâu vàng), Bazan (đỏ) và Rioxít (xám) đều có độ dốc cao, thường xuyên xảy ra hiện tượng xâm thực. 
Nhiều năm qua, với các biện pháp cải tạo đất theo kinh nghiệm lỗi thời không những phá vỡ kết cấu đất mà còn tác hại nghiêm trọng đến môi trường. Khi chưa triển khai được chương trình rau sạch, nhiều thập kỷ đã qua, nông dân đều dùng phân xác mắm làm nguyên liệu dinh dưỡng chính cho sản xuất. Nhiều người sản xuất hiện nay vẫn cho rằng sử dụng nó sản phẩm sẽ "chắc" và có trọng lượng hơn. Nhưng thực tế phân xác mắm có hàm lượng muối biển nguyên chất chiếm 50%. Cứ qua mỗi lứa rau thu hoạch, nông dân phải vận chuyển đất đổ lên lớp bề mặt từ 15-20 cm. Sau đó lại luân phiên theo vòng quay như vậy. 
Một vụ, hai vụ, nhiều năm rồi đến hàng chục năm với lối canh tác ấy làm hàng trăm, hàng trăm ngàn khối đất đồi, đất rừng phải "giải phóng" để phục vụ sản xuất. Để khi mùa mưa đến, đất từ độ cao trôi lở, bồi lắng đến những đập hồ dự trữ nước. Rồi cây rừng ngã đổ, người ta thường đổ lỗi đến thiên tai và chẳng mấy ai nhận ra tác hại ấy do chính bàn tay con người. Nhiều cán bộ khoa học của tỉnh và thành phố đều thừa nhận hồ Xuân Hương, hồ Vạn Kiếp, hồ Than Thở... đang bị "phù sa" lấn dần đều do một phần bởi hệ quả từ cách thức sản xuất này. 

Đất xói lở đã xâm phạm đến hệ điều tiết sinh thái. Nhưng điều đáng nói thêm ở việc sử dụng phân cá là tác nhân tạo ra vi khuẩn sâu bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất và môi trường xung quanh. Thêm vào đó, do chưa có điều kiện tiếp cận và am hiểu thành tựu khoa học mới, nông dân quen sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu hóa học có liều lượng mạnh như DDT, HCH, MYTOX, WOFATOX... gây ô nhiễm nguồn nước và triệt tiêu dần độ phì của đất... 
Vài năm gần đây, thực hiện chương trình rau sạch góp phần gìn giữ môi trường đồng thời tạo ra sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, Đà Lạt đã khắc phục dần tình trạng "cố hữu" trên vùng nông nghiệp. Hơn một năm qua, LHKHSX Đà Lạt đã sản xuất thành công và cung cấp hơn 100 tấn phân vi khoáng cho nông dân thay thế phân cá. Đơn vị còn tạo ra nhiều chế phẩm sinh học kích thích sinh trưởng cây trồng và trừ sâu bệnh. Ngoài ra nhiều loại thiên địch được phóng thích thay vì dùng thuốc hóa học đặc trị. Bên cạnh đó nhiều công ty, doanh nghiệp sử dụng phân hữu cơ, góp phần đưa sản lượng rau xuất khẩu toàn thành phố năm 1995 ước khoảng 15-20 ngàn tấn... 
Tín hiệu mới đáng phấn khởi song vẫn còn canh cánh những mối lo. Theo thống kê bước đầu của các đơn vị khoa học thì Đà Lạt chỉ mới 30-40% diện tích đất sản xuất áp dụng chương trình rau sạch hoàn toàn. Số còn lại nửa tin nửa ngờ. Và thực trạng từ hiện tượng đào đất vung vãi trên các vùng rau bậc thang chưa phải đã vơi nhiều nỗi ưu tư, trăn trở. Muốn "sạch hóa" trên vùng chuyên canh rau Đà Lạt, đòi hỏi trước tiên ở người nông dân cần "mạnh dạn" chuyển đổi hình thức canh tác không còn phù hợp nữa. Sau đó Nhà nước nên dành những khoản kinh phí ưu tiên cho các đề án, chương trình thực nghiệm để qua đó có điều kiện đối chứng, vận động thường xuyên nông dân sản xuất vừa hiệu quả cao vừa tham gia bảo vệ cuộc sống môi trường hôm nay và cả cho những thế hệ tương lai... 
BAO GIỜ RỪNG ĐƯỢC PHỦ XANH?
Cuối năm 1995 về dự Đại hội Đảng chi bộ phường 12, chúng tôi vẫn còn nghe được nỗi bức xúc 5 năm qua từ đập nước Thái Phiên chưa được giải quyết. Hàng năm mùa khô tiếp nối đi qua, cả một vùng diện tích nông nghiệp rộng lớn bị thiếu nước. Vậy mà hơn 10 hộ tồn tại, ngang nhiên phá rừng mở phạm vi sản xuất tạo cho mặt hồ bị lấn dần; lượng nước dự trữ cứ theo đà khánh kiệt. Theo điều tra xác minh của Ban quản lý rừng đặc dụng Đà Lạt, Đà Lạt có khoảng 2000 hộ xâm canh đất rừng. Qua kiểm kê cụ thể ở 10 khu vực thuộc các phường 3, 4, 7, 8, 10 và 12 có 774 hộ với tổng diện tích 246,24 ha. Bước đầu đơn vị lập biên bản 234 trường hợp vi phạm chuyển ngành chức năng xử lý. 
Trao đổi với nhiều cán bộ chức năng đều đi đến kết luận vấn đề này thật rất nan giải. Có những khu vực sản xuất phá vỡ cảnh quan môi trường như thung lũng Tình Yêu, đèo Prenn, hồ Tuyền Lâm nhưng lại xuất hiện từ sau ngày giải phóng. Chương trình "tự túc lương thực", "tăng gia sản xuất" từ thời kinh tế tập trung đã để lại gánh nặng đến ngày hôm nay. Thế mà chưa hẳn yên ổn. Bởi từ những khoảnh vườn hiện có, hàng ngày, hàng giờ từng m2 đất rừng cứ bị gặm nhấm. Đến "nước" này, ngành chức năng rất khó phát hiện đành chấp nhận tạm chào thua (?). 
Năm 1995 giữa "cơn say" cà phê, Đà Lạt phát hiện gần 130 vụ khai thác xâm chiếm đất rừng làm rẫy, chiếm 70% trong các vụ vi phạm lâm luật. Đối tượng phá hoại là những lao động chưa có việc làm ổn định tại địa phương (hiện Đà Lạt có 3.534 lao động thu nhập bấp bênh); hoặc lao động từ các tỉnh khác đến lập lều trại, định cư sản xuất "bền vững" trong các khu rừng (hàng năm tốc độ tăng dân số cơ học của Đà Lạt là 2%). Con số 1.000 m3 gỗ thiệt hại trong năm qua xử lý của Hạt kiểm lâm còn quá khiêm tốn so với diện tích rừng bị đốn chặt thực tế. 
Từ khi rừng Đà Lạt chuyển từ công nghiệp sang rừng đặc dụng Lâm Viên, nhà chức trách địa phương luôn đưa ra nhiều giải pháp nhằm hướng đến việc quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt nhất. Nhưng khi triển khai nảy sinh nhiều lúng túng, thiếu sự giám sát chặt chẽ. Giao cho phường, xã quản lý lại bị lạm dụng tận thu gỗ; thiếu sự tác động để nuôi dưỡng phát triển vốn rừng. Giao khoán đến đơn vị cá nhân bắt đầu thu hút được nguồn kinh phí đầu tư trồng rừng. Về sau không ít chủ rừng nhận khoán lợi dụng sơ hở, tự ý dựng nhà "quản lý" trái phép. Số khác lén lút khai thác vật liệu xây dựng, khoáng sản phi pháp. Cái lợi trước mắt chỉ thuộc về nhóm người; còn cái hại lớn vô hình ấy thì buộc cộng đồng phải lãnh nhận... 
Ba năm qua rừng đặc dụng Lâm Viên hoạt động bằng nguồn vốn ngân sách, đầu tư cho các hạng mục như: trồng rừng; khoán quản lý bảo vệ rừng theo kế hoạch hàng năm nhưng rất hạn hẹp, chủ yếu tập trung cho công tác phòng chống cháy rừng. Theo Quyết định 89 QĐ/UB-TC ngày 29/1/1993 của UBND tỉnh Lâm Đồng thì ranh giới rừng Đà Lạt trùng khớp với ranh giới hành chính lãnh thổ, có diện tích lâm nghiệp 21.950 ha, trong đó diện tích có rừng: 13.368 ha chiếm 62%, còn lại 8.222 ha là đất trống đồi núi trọc quy hoạch cho lâm nghiệp. Việc phát triển rừng (kể cả chương trình 327) hàng năm từ 50-100 ha. Nếu như làm một phép tính nhẩm nhanh thì muốn phủ xanh rừng Đà Lạt phải mất từ 80-100 năm. Trong khi đó, rừng bị tàn phá chưa hề được thuyên giảm. Tỷ lệ che phủ của cây rừng hiện chỉ còn 47%. 
Đi tìm giải pháp "lập lại trật tự" và phát triển vốn rừng, ngoài vấn đề kinh phí, thiết nghĩ ngành chức năng cần thiết tiến hành việc tổng kiểm lại diện tích đất lâm nghiệp, nông nghiệp trên từng phường xã. Theo căn cứ đó tiếp tục cân đối đề ra chương trình nông - lâm kết hợp. Mặt khác nên tăng cường hiệu lực Nhà nước đến cơ sở, có kế hoạch quản lý số di cư tự do, chặn đứng ngay những biểu hiện làm nguy hại đến rừng và đất rừng. Dĩ nhiên các hoạt động khác liên quan như khai thác quặng mỏ cần luôn thống nhất chủ trương đồng thời duy trì kiểm tra, xử lý kịp thời. Cuối cùng mấu chốt vẫn đang chờ với chính sách quản lý bảo vệ rừng một cách hữu hiệu nhất. 

Tháng 3/1996