Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Thương mà lo ở Trọng Đức

VŨ VĂN
Gần 70 người đàn ông, đàn bà bị tâm thần không ổn định đang được chăm sóc trong bốn bức tường lưới thép chắn cao ngất ở thôn Thanh Bình, xã Bình Thạnh (Đức Trọng, Lâm Đồng). Cơ sở mang tên Trọng Đức, do các anh chị em trong một gia đình nông dân Thanh Bình tạo dựng. Ở đây tình thương người biểu hiện bằng những nghĩa cử, việc làm thiết thực. Nhưng phía trong ấy đang thấp thoáng những nỗi lo vượt quá sức mình …

BIẾN NHÀ Ở, ĐẤT VƯỜN THÀNH…TRẠI TÂM THẦN

Theo lời của ông Trần Mạnh Hổ, 48 tuổi, đại diện cơ sở Trọng Đức, cách đây hơn hai năm, người gia đình ông tình cờ gặp một bà già bị tâm thần phân liệt đi lạc từ một vùng sâu đưa về nhà nuôi dưỡng. Ý nghĩ mở rộng khuôn viên nhà đất của gia đình để đón nhận người mắc bệnh điên bắt đầu hình thành. Đầu tiên bà Nguyễn Thị Hoa ( 72 tuổi, mẹ ruột ông Hổ) dựng mới những gian nhà gỗ ấm cúng trên diện tích đất trồng cà phê rộng chừng 1.000 mét vuông, đón nhận cả chục “bệnh nhân”. Người làng Thanh Bình nghe thấy động lòng thương, bảo nhau góp gạo, mắm, mền mùng… cùng với bà Hoa làm phước đức giúp người bất hạnh. Có lẽ vì “bệnh nhân” chung cảnh ngộ, ăn ở tập trung nên dễ tạo được niềm vui sống; hay vì những lý do nào khác nữa – khiến những người bệnh vào nhà bà Hoa quây quần sinh hoạt, tự điều dưỡng hàng ngày đã hồi phục rất rõ. Có người bệnh điên ở cấp độ trung bình chỉ vào đây một tuần là có dấu hiệu chuyển biến trông thấy. Người điên nặng hơn thì chừng tháng sau là dần ổn định được hành vi bản thân.   
Ông Trần Mạnh Hổ cũng “tự thấy” mình có “năng lực” nuôi dưỡng được người điên, nên cả gia đình ông quyết định mở rộng cơ sở từ thiện. Vào cuối năm 2006, cơ sở từ thiện được chính quyền huyện Đức Trọng chính thức cho phép hoạt động mang tên Trọng Đức. “Phân trại điên” của nữ giới được “quy hoạch” khoảng 1.500 mét đất của bà Trần Thị Hằng ( 51 tuổi, chị ruột của ông Hổ). Bằng khoản tiền tự có; tiền huy động gia đình và xóm giềng; các nguồn tiền vay khác, bà Hằng ước tính đã chi phí khoảng 230 triệu đồng để xây kín hàng rào bốn bên “phân trại”, xây nhà sinh hoạt chung, nhà bếp ăn, xây 6 phòng ngủ…Hiện có tất cả 24 “bệnh nhân” nữ đang “điều trị” ở đây. Người bệnh nhiều tuổi nhất là 60 tuổi. Người bệnh ít tuổi nhất là 14 tuổi.   
Cách “phân trại” nữ giới của bà Hằng chừng 500m là khu vực “trại chính” nuôi 40 “bệnh nhân” nam giới do bà Trần Thị Tươi (người chị kế của ông Trần Mạnh Hổ) cùng người chồng trực tiếp “cai quản”. Ước tính anh chị của ông Hổ đã dốc hết số tiền mặt tích lũy của gia đình, cộng với số tiền do các mạnh thường quân hỗ trợ - tất cả khoảng 300 triệu đồng mới xây dựng xong “trại chính” này. Tất nhiên không kể diện tích đất thổ cư, đất trồng cà phê của anh chị em ông Hổ  tự “chuyển quyền sử dụng” thành…trại tâm thần.      

THƯƠNG THÔI CHƯA ĐỦ

“Bệnh nhân” ở cơ sở Trọng Đức có hoàn cảnh, thân phận khác nhau nhưng đều rất tội nghiệp. Đó là ông già “bệnh nhân” tên Mạnh ở Lộc Nga, Bảo Lộc, khoảng 60 tuổi, đang dấu hiệu ổn định tâm thần sau một tháng vào cơ sở “điều trị”. Khi còn ở gia đình, ông Mạnh thường hay bỏ nhà đi vật vờ ăn ngủ bụi bờ nhiều ngày, khiến con cháu phải bao phen vất vả đi tìm. Gửi vào cơ sở Trọng Đức với bốn bức tường rào và xung quanh đông đảo người bệnh như mình, ông Mạnh dường như được “thanh lọc” đầu óc “tỉnh” nhiều hơn: Ông Mạ nh “bi bô”: “Ở đây vui lắm. Nhưng gò bó quá. Phải theo khuôn khổ mà !”
Còn đây là “bệnh nhân” nữ 44 tuổi, tên là Nguyễn Thị Kim Oanh, ngờ nghệch cười nói: “Trời bắt mình bệnh mình phải chịu thôi. Mà tại sao ở đây lắm người đến vậy. Lại nhớ mẹ, thương ba quá chừng (?!)” Qua “lý lịch trích ngang” có thông tin rằng, “bệnh nhân” Oanh từng tốt nghiệp khoa Nga văn của Trường Đại học Tổng hợp Huế, sau đó có thời gian “nghiên cứu sinh” bên nước Nga; rồi làm biên dịch cho một cơ quan thông tin văn hóa của tỉnh. Vài căn bệnh tâm thần đổ ập xuống…
Cơ sở Trọng Đức nhận “bệnh nhân” Oanh vào chăm sóc với giấy tờ xác nhận của chính quyền nơi cư trú; kèm theo hồ sơ tiền sử bệnh án. Trong đó, bệnh nhân Oanh đã từng chữa trị tâm thần từ bệnh viện tỉnh Khánh Hòa đến các bệnh viện từ Biên Hòa, Đồng Nai đến Sài Gòn và ra tận Hà Nội. Chào ra về, tôi khuyên vài lời cho Oanh cố gắng chữa bệnh để sớm hồi gia, được tự do sinh hoạt, giao lưu với cộng đồng. Nhưng Oanh vẫn trả lời tôi rất huyên thuyên : “Tôi mơ đất nước mình ngày càng giàu mạnh. Mơ đừng còn nhà báo nào trên thế giới bị bọn khủng bố sát hại nữa (?!…)”   
Hiện tượng nói nhảm như bệnh nhân Oanh, hoặc kêu rên thảm thiết…thường diễn ra khi thời tiết biến đổi thất thường; hoặc trong cơn mê sảng , trong lúc giật mình lỡ giấc giữa đêm khuya. Ông Hổ và các anh chị của mình phải túc trực bên cạnh người bệnh gần như suốt ngày. “Hàng ngày bệnh nhân được uống thuốc hai lần. Thuốc được cấp từ cơ quan đảm trách công tác xã hội của huyện Đức Trọng, của tỉnh Lâm Đồng. Nếu uống thuốc mà “bệnh nhân” không chuyển biến tốt, hoặc có triệu chứng xấu hơn thì phải cấp tốc chuyển lên bệnh viện huyện Đức Trọng, bệnh viện tỉnh Lâm Đồng. Nhưng rất may từ ngày thành lập đến nay, cơ sở Trọng Đức không xảy ra trường nào người điên lên cơn quậy phá; hoặc mắc nhiễm các bệnh tật khác…”- ông Hổ nói.   
Bên cạnh anh chị em của ông Hổ còn có những cô Đạo, cô Lan và nhiều người thiện tâm khác trong làng Thanh Bình đã và đang mở rộng tình thương, ân cần nuôi người bệnh tâm thần như nuôi người ruột thịt của mình. Ngày ngày “bón” từng muỗng cháo, viên thuốc; tắm rửa thay quần áo cho người bệnh. Rồi hàng đêm canh từng hơi thở giấc ngủ của người bệnh. Chu đáo, tận tình như người “bảo mẫu” đáng được ghi nhận, trân trọng. Tuy nhiên theo quan sát chúng tôi, cơ sở vật chất ở đây vẫn “nghèo nàn”; chưa thực sự yên tâm cho người tâm thần. Ở khu “trại nữ” còn phòng ốc đang thiếu có giường, nhiều bệnh nhân cùng ngủ chung tấm mền trải dưới nền xi măng ẩm thấp và lạnh lẽo. Ang suy nghĩ hơn, khi gặp một bệnh nhân phải xích chân vì đã “cố ý” vượt thoát hàng rào ở khu “trại nam”. Bệnh nhân này còn tự nắm cú đấm - đấm vào mặt mình đến sưng vù, chảy máu. “…Đó là những trường hợp xảy ra khi chúng tôi đi vắng trong chốc lát. Chứ hàng ngày chúng tôi ở cơ sở, hầu hết bệnh nhân đều vào nề nếp răm rắp; không một người nào bộc phát hành động vũ lực, dù chỉ là cào cấu, vật lộn nhau….”-Ông Hổ đoan chắc.     
Lời của ông Hổ xuất phát từ tấm lòng và trách nhiệm với “bệnh nhân” điên. Nhưng không vì thế mà hết nỗi “lo xa”. Trước mắt là đường sá, sân vườn của cơ sở Trọng Đức đang trong cảnh bết dính bùn đất khi mùa mưa .Còn lâu dài, cần lắm những y tá, y sĩ, bác sĩ chuyên khoa…thường xuyên vào đây thăm bệnh, kịp thời tư vấn, tập huấn cho việc chăm sóc sức khỏe người tâm thần đảm bảo khoa học hơn, hợp lý hơn. Dẫu sao ngoài tình thương nguời, những “chủ nhân” của cơ sở Trọng Đức cũng chỉ là những nông dân quanh năm “chỉ biết ruộng trâu ở trong làng bộ…” mà thôi!…
Đức Trọng- Đà Lạt Tháng 5.2007