Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Chạnh lòng quê cũ

VŨ VĂN
Đã hai mưoi sáu năm lững lờ đi qua, mỗi bận về lại quê cũ, lòng bà lúc nào cũng bùi ngùi tiếc nhớ. Vẫn còn váng vất đâu đây hình ảnh người cha thân yêu, người mẹ hiền tần tảo ngày nào đã vội sớm ra đi vĩnh viễn, bỏ lại một mình bà bơ vơ giữa chốn mồ côi. Nhưng cảnh cũ bây giờ thì không còn nữa. Ngôi nhà, khoảnh đất nơi nhau cắt rốn của bà từ lẫu bỗng trùm lên nhiều căn nhà xây chen chúc, sặc sỡ những màu sơn mới. Buồn bã ra đi rồi buồn bã trở về, bà chỉ một uớc nguyện duy nhất là xin lại những giọt mồ hôi, nước mắt của cha mẹ bà lúc sinh thời đã đổ xuống trên ngôi nhà cũ, trên mảnh đất này…

Ngừơi đàn bà ấy, 51 tuổi mà tưởng chừng như một bà lão ngấp nghé tuổi 80. Nỗi lo sinh kế trong cảnh khốn khó bao năm khiến cho bà già sọm đi trước tuổi. Mười mấy năm rưng rưng đi kiện, chuyện đau thương ký ức cứ trỗi dậy ngày càng xốn xang trong lòng bà. Bà bồi hồi thường kể lại trước công đường rằng, bà tên là NTA, là đứa con gái duy nhất của ông NVT và bà NTB ở tại khu ngã 5-Đại học Đà Lạt. Cha mẹ bà đã sống ở đây từ khoảng hơn nửa thế kỷ trước. Trong một căn nhà gỗ 96 mét vuông, tọa lạc trên diện tích 525 mét vuông đất thổ cư cũng chính là nơi bà cất tiếng khóc chào đời. Năm 1974, người cha của bà đã không may mất sớm từ một cơn bạo bệnh. Chưa kịp mãn tang cha thì 9 tháng sau đó, người mẹ của bà lại phải trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Đà Lạt. Khi nước mắt đã cạn dòng khóc thương cha mẹ, bà đã gặp được một người đàn ông đồng cảm, sẻ chia rồi thành chồng thành vợ về sống nương tựa vào nhau trong căn nhà này từ những năm sau ngày giải phóng. Hạnh phúc ngập tràn căn nhà khi những đứa con lần lượt ra đời. Nhưng cảnh nghèo túng phải buộc bà và chồng bà bồng bế con thơ ra đi làm thuê, cuốc mướn nơi xa. Căn nhà xưa vắng hơi người từ đó…
Nay, bà A cũng có tàm tạm một chỗ trú thân tại Thái Phiên, Đà Lạt. Ngày xưa, nói là đi làm thuê cuốc mướn nơi xa, nhưng thực ra bà cùng chồng, con xuôi ngược đi kiếm sống khắp những vùng ven Đà Lạt và một vài vùng quê ở những huyện lân cận là chủ yếu.  Lâu lâu mới về thăm nhà cho vơi nỗi nhớ. Rồi năm tháng cuốn theo năm tháng những lo toan miếng cơm, manh áo, khiến cho việc trở về quê cũ phải thưa thớt dần hơn.  Căn nhà hoang lạnh như tự thân nó kích thích sự nhòm ngó của nhiều người. Trong một lá đơn thưa gửi nhiều cơ quan trong tỉnh, bà A đoan chắc mình nhớ như in: “Lợi dụng vợ chồng tôi không ở, bà NTH tự động tới ở lúc nào không hay. Có thời gian về thăm, tôi không cho ở, bà lại ra đi. Khi vợ chồng tôi quay gót trở về nơi làm thuê thì ba ta lại lục tục chiếm lại nhà tôi. Lúc ấy, tôi không hiểu gì về pháp luật, đành phải chịu. Mãi đến năm 1990 trở đi thì…”Vâng, đến thời điểm đó, bà Ánh mới khép nép dò dẫm tìm hỏi chốn công đường nơi đâu. Những lá đơn đầu tiên được gửi đi và vẫn nuôi dưỡng những hy vọng cho đến ngày nay.
Hồi còn chế độ cũ, lô đất 525 mét vuông đứng tên mẹ bà là NTB đã được thể hiện trong họa đồ ngày 04/04/1953 do chủ sự Sở Địa chính ký. Kể cả những biên lai nhận tiền thuế đất thời đó, cha mẹ bà cũng kịp giữ lại cho bà trước khi nhắm mắt. Rồi năm 1995, bà A làm đơn khiếu nại, xin xác nhận của 4 hộ sống lâu năm bên cạnh xác nhận của UBND phường 8, Đà Lạt. Đơn đến Thanh tra Sở Địa chính tỉnh ngày 05/7/1995, bà được hướng dẫn về UBND thành phố Đà Lạt giải quyết. Chuyển qua Toà án nhân dân thành phố Đà Lạt, bà A nhận được giấy báo tin đề ngày 26/01/1996, ghi : “Yêu cầu bà nêu trong đơn không rõ ràng. Xin báo để bà biết và chờ báo gọi đến toà để hỏi rõ…”Bà lại qua Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục đề đạt thì ngày 04/7/2000 nhận được phiếu báo tin đã chuyển hồ sơ sang Tòa án thành phố Đà Lạt xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 17/10/2001, Toà án Đà Lạt triệu tập bà lên xuất trình hồ sơ, chứng cứ liên quan và lập những biên bản lời khai ban đầu. Lúc này, bóng dáng nhà cũ của cha mẹ bà tạo dựng không còn nữa. Mảnh đất 525 mét vuông ấy, đang oằn vai gánh nặng trong bốn hộ gia đình sử dụng, cất nhà hợp pháp hóa. 
Thế là sau hơn hai mươi năm quay về quê cũ, bà A vẫn chưa có được một quyết định chính thức của cấp thẩm quyền nói rõ đúng-sai cho bà.
Hay người ta đang đeo đuổi theo sự phân vân rằng bà không phải là đứa con ruột duy nhất của ông T-bà B sinh ra, lớn lên tại ngôi nhà này? Ngày 18/10/2001, bà A lại lặn lội tìm đến nhà mười hai nhân chứng đang sinh sống xung quanh ấp Đa Thiện để họ ký xác nhận sự thật cho bà. Những dòng chữ già nua, thiếu sắc nét, nhưng lại ẩn chứa bên trong đằm thắm tình người, chân thành mà mạnh mẽ, đọc lên lại thấy xao lòng. Còn có ai cảm thấy dửng dưng không khi đưa mắt vào những dòng chữ như : “…Tôi tên là PVA, sinh năm 1936, trú tại 47, đường Phù Đổng Thiên Vương, Đà Lạt xác nhận cô NTA có ở trên miếng đất cũ, 60, ấp Nghệ Tĩnh, khu phố 9 cũ trước năm 1975…” và “…
Tôi xác nhận là cô A con của bà B có ở trên ngôi nhà gỗ nói trên là sự thật. NTL, số nhà..., Trần Khánh Dư-tôi ký tên.”… Xem ra trong lúc đây đó vẫn còn thừa những lý lẽ đến mức gần như khô cứng, lạnh lùng thì bất chợt lại lung linh lên những cách cư xử với bà bằng cả trọn tấm lòng trắc ẩn, thật đáng trân trọng như thế. Con đường vật vã những giọt mồ hôi đi kiện của bà chưa biết bao giờ sẽ đến gần hơn. Dù sao, quá khứ đã trôi dạt hơn hai mươi sáu năm qua, bà A vẫn còn có ít nhiều chỗ dựa tinh thần để hy vọng, để xoa dịu phần nào một nỗi tang thương, mất mát mà mỗi khi về lại quê cũ, căn nhà xưa, bà lại chạnh buồn…./.
Tháng 11/2001