Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Nhà có nhiều “thú lạ” ở Bảo Lâm

VĂN VIỆT

Trong căn nhà ở của mình, gia đình ông Nguyễn Văn Phiện ở Tổ 15, thị trấn Lộc Thắng ( Bảo Lâm) đã bố trí hơn 120m2 để ngăn từng ô nuôi các loài “thú lạ” như chồn nhung đen, trăn, thỏ, nhím…mang về những khoản thu nhập thường xuyên cho gia đình.

Nhà ông Nguyễn Văn Phiện nằm ở khu vực trung tâm thị trấn Lộc Thắng của huyện Bảo Lâm, nhưng tiếp giáp phía sau phòng khách là bước vào một không gian “nhà thú” có từ 150 - 200 con chồn nhung đen, 200- 250 con thỏ, 15-20 con nhím, 5 con trăn, được ngăn cách bởi những vách tường xi măng hoặc những vách lưới sắt xây dựng trên dưới 5 năm qua. Bà Xuyên ( vợ ông Phiện) nói rằng, nếu không xuất chuồng bán hàng tuần, hàng tháng thì “nhà thú” của gia đình mình nay phải đếm trên con số ngàn con.
Bao năm định cư trên đất Lộc Thắng, Bảo Lâm, vợ chồng ông Phiện – bà Xuyên cùng hàng trăm hộ gia đình khác làm nghề chài lưới trên hồ nước Lộc Thắng rộng hàng trăm héc ta với thu nhập bấp bênh. Năm 2008, phong trào nuôi nhím tự phát nhiều nơi trong tỉnh Lâm Đồng đã khiến ông Phiện bị cuốn theo bỏ vốn đầu tư hơn 200 triệu đồng mua 7 cặp nhím giống về nuôi. Đến 2 năm sau có thêm 3 cặp nhím con ra đời thì giá nhím giống “rớt tự do” xuống quá thấp, giá mua- bán mỗi cặp từ 35 triệu đồng xuống còn 3- 3,5 triệu đồng. Nhưng ông Phiện vẫn giữ nguyên đàn nhím hiện có, không bán ra cũng không mua mới vào, mà quyết định đưa về nuôi thêm một giống “thú lạ”  đầu tiên– giống chồn nhung đen với 30 cặp, giá mỗi cặp 800 ngàn đồng.

Bà Xuyên nhớ lại : “Lúc đó gần giữa năm 2010, ông nhà tôi ( ông Phiện) tìm hiểu qua mạng điện tử, qua sách báo, qua lời kể của người quen…đã ra vùng Sơn Tây ( Hà Nội) nhờ người ta chỉ bảo cách nuôi chồn nhung đen rồi mua giống về nuôi trong chuồng nhà. Nuôi hơn một tháng đầu tiên đã biết chồn nhung đen từ đất Hà Nội vẫn sống được với khí hậu, thức ăn ở đất Lộc Thắng, Bảo Lâm của mình….”  Theo đó, trong mỗi ô chuồng xây bằng xi măng với chiều rộng, chiều dài và chiều cao lần lượt là 1,5m; 3m và 1m. Sáng sớm mỗi ngày, ông Phiện và bà Xuyên thay phiên nhau chạy xe máy đến xã Lộc Ngãi cách nhà vài cây số để cắt cỏ voi về cho chồn nhung đen ăn cả ngày. Từ 5 đến 6 tháng sau đó, những chồn nhung đen giống bắt đầu sinh sản, phải cho ăn thêm cám bắp mua về mỗi ngày nhưng với số lượng không đáng kể. Chồn nhung đen con chào đời khoảng 20 ngày trở lên đã xuất bán giống; nuôi từ 4- 5 tháng là xuất bán thịt.
Từ cuối năm 2010 đến nay, ông Phiện xuất bán hàng tháng chồn nhung đen với giá trung bình 400 ngàn đồng/cặp giống và 350ngàn đồng/kg thịt. Lợi nhuận chồn nhung đen trong một năm nuôi “đầy tay”, ông Phiện đã thu đủ và vượt nguồn vốn đầu tư ban đầu. Trong năm 2011- 2012, thu đủ và vượt hơn 200 triệu đồng bù đắp cho khoản lỗ nuôi nhím bị bất ngờ xuống giá quá sâu như đã kể trên. Hơn 6 tháng đầu năm 2013, chồn nhung đen tiếp tục cho lợi nhuận về gia đình ông Phiện gần cả trăm triệu đồng. Bà Xuyên cho biết thêm: “ Nuôi chồn nhung đen từ 5- 6 tháng tuổi là tách nuôi riêng từng cặp để phối giống. Con cái mang bầu chừng một tháng sau đẻ từ 5- 6 con. Trong năm vừa qua, trung bình một cặp chồn của chúng tôi đã sinh sản đến 5 lứa…”
Cũng từ khoản tiền lãi nuôi chồn nhung đen, từ giữa năm 2012 đến nay, hộ gia đình ông Phiện mua 10 cặp thỏ giống trong địa phương Bảo Lâm về nuôi trong “nhà thú” của mình. Nếu nhím, chồn nhung đen được nuôi trong những ô chuồng xi măng thì thỏ được nuôi trong những chiếc lồng sắt. Ông Phiện được người nuôi trước truyền đạt lại kinh nghiệm nuôi thỏ với nguồn thức ăn vẫn chủ yếu những lá cỏ thu cắt quanh vườn nhà, để khô ráo; hàng ngày vệ sinh lồng chuồng sạch sẽ để phòng chống hiệu quả các dịch bệnh. Thỏ từ khi chào đời đến kỳ sinh sản từ 6 tháng đến 7 tháng, ông Phiện đã tạo cho thỏ phối giống tự nhiên, có con cái trong năm qua đẻ đến 10 lứa, mỗi lứa từ 6- 10 con, cá biệt lên đến 12 con. Thỏ giống bán ra mỗi con một tháng rưỡi tuổi với giá 90 ngàn đồng; thỏ thịt với 6 tháng tuổi bán ra 80ngàn đồng/1kg, đã nâng tổng doanh thu “đa con thú lạ”  của ông Phiện mỗi tháng tình bằng đơn vị chục triệu đồng. Và hơn 1 tháng qua, ông Phiện mua từ Long An về nuôi 5 con trăn từ dài hơn một gang tay, nay đã cuộn thành đôi vòng tròn dài đến 1m.
Ông K’Kras, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Lộc Thắng, Bảo Lâm đánh giá mô hình chăn nuôi “đa con thú lạ” của hộ ông Nguyễn Văn Phiện đang được nhân rộng trên 20 hộ gia đình quanh vùng để giảm nghèo và vươn lên từng bước làm giàu./.
Bảo Lâm- Đà Lạt Tháng 7.2013