VŨ VĂN
Lão ta năm nay đã gần tuổi tám mươi, con cháu,
chắt đông đúc, vậy mà lão phải ra tòa trong bộ áo tù phủ kín cả tay chân. Phiên
tòa vắng hoe, không có một người thân nào của lão có mặt. Nghĩ cho cùng cũng
phải đạo, bởi lão đã có một hành động trên cả thú tính: Mua quà tặng cho đứa
cháu gái hàng xóm mới trên mười tuổi rồi giở trò đồi bại đến nhiều lần. Món quà
định mệnh từ đây đã khóa lại số kiếp của
lão rồi…
Lão lí nhí nói không ra hơi. Hình như cái thứ âm thanh ấy
chỉ còn đọng lại trong thanh quản thì phải. Đầu lão cúi gằm, dính sát với tấm
thanh chắn trên cùng của vành móng ngựa. Lão khai đến đâu, tòa nhắc lại đến đó.
Nhắc liên tục, khi thì lão dạ lên vài tiếng, lúc thì lão gật gù, nghe như có
tiếng nấc. Bản lý lịch trích ngang của lão chỉ vài dòng vắn tắt, thế mà lão
phải khó khăn lắm mới nói ra hết được. Vợ lão quy tiên từ hơn mười năm trước.
Con cháu đầy đủ về chịu tang, khóc thương đến mấy ngày chưa nguôi. Thôi thì một
kiếp người, thăng trầm dâu bể, về lại với tổ tiên, để lại cho con cháu những
tiếng đời thanh sạch đã đi qua. Còn lão, sống những năm còn lại, con cháu hiếu
thảo, đã thi đua và có khi phải tranh giành nhau để phụng dưỡng lão. Người nọ
so bì với người kia, cốt làm sao để lão khỏi hiểu nhầm là những đứa con thiếu
đạo lý. Tuổi già như lão, ai cũng cảm thấy có phúc. Mà phúc đức nhiều đời lắm
để lại nên lão mới được hưởng thanh nhàn như vậy. Trong khi nhiều người già
cùng làng của lão, cháu con đề huề, có hiểu biết, nhưng ngặt nỗi cảnh nghèo
túng, phải đành nuôi cha mẹ đủ sống cầm hơi là đã mừng lắm rồi.
Làng quê nơi lão sống thật trong lành, yên ả. Cách biệt xa
với chốn thị thành ầm ào, khó thở. Con cháu giành riêng cho lão một căn nhà đầy
đủ tiện nghi. Vườn tược rộng thoáng. Cái thú điền viên mà lão được hưởng là chỉ
có nhất ở làng này. Ngày ba bữa, con cháu xung phong nhau lo cơm bưng, nước
rót, chăm lo từng giấc ngủ cho lão. Lớp bạn già của lão thường lui tới, chia
vui cùng lão rôm rả cả ngày. Con cháu lão, mỗi đứa mỗi việc nghe thế, cứ yên
tâm làm ăn, công tác. Trông lão ngày
càng hồng hào, quắc thước hẳn ra, người làng không hết lời khen ngợi lão có số
thọ bẫm cao; khen cháu con một đàn hiếu nghĩa. Mỗi độ ngày giỗ quảy ông bà, con
cháu của lão hội về đông đủ, bái vọng người đã khuất và cùng nhau râm ran chúc
thọ lão. Ngắm nhìn lão khoẻ khoắn, con cháu mừng rơn ra mặt. Hết người này đến
người khác chen nhau báo công cho lão vui, lấy đó làm phương thuốc diệu kỳ để
lão kéo dài thêm tuổi thọ. Tâm nguyện duy nhất của con cháu lão có còn gì khác
hơn đâu ngoài lòng mong muốn cho lão
sống lâu hơn nữa, sống để còn dịp vui mừng trước sự thành đạt của con cháu. Con
cháu thảo hiền như thế, lão có muốn hờn trách điều gì, cũng chẳng tìm đâu ra
điều gì để nói. Hơn mười năm đi qua cuối đời của lão như thế, chắc ở chốn suối
vàng, vợ lão mãn nguyện lắm. Một đời hạnh phúc, sinh con đẻ cái, đến khi về với
đất quá thanh thản như vậy, nghĩ cũng khó có được ở cõi trần này. Ấy vậy mà,
lão đã đang tâm tự tay mình đánh đổ tất cả những điều thiêng liêng mà con cháu
lão đã dốc tâm vun đắp, tạo dựng, đó là thanh danh của một gia đình.
Lão
đã nhận ra những điều đạo lý trước tòa. Mà tòa cũng hỏi rất ít, bởi hơn ai hết,
lão đã trải nghiệm qua một đời người, hiểu rốt ráo cái lẽ ở đời. Lão đổ thừa đó
là những món quà định mệnh, ma quỷ nào đó khiến lão làm xằng bậy. Lão xin chịu
tội chết. Nhưng đâu có đơn giản thế là xong. Ở bên kia hàng ghế người bị hại,
người mẹ của cháu bé căm phẫn lão đến tột độ. Không căm phẫn sao được khi mà
một đứa trẻ nít bị lão dụ dỗ cho quà bánh, rồi hãm hiếp hơn cả súc vật. Người
mẹ của nạn nhân phải đưa cháu bé này về phía ngoại ở để tránh đi một vết thương
của nó mà lão đã gây ra.
Tội lỗi của lão đã phơi bày. Nhưng tòa xét thấy, lão
đã quá già, nên không tuyên xử tử hình mà xử phạt lão mười tám năm tù giam. Lão
không có một giọt nước mắt rỏ xuống. Và cũng hoàn toàn không một giọt nước mắt
nào dành riêng lão. Giữa pháp đình uy nghiêm, không một tiếng than vắn, thở
dài, lão lủi thủi bước lên xe, về trại giam trong lúc hai tay lão chìa ra phía
trước, khóa chặt bởi chiếc còng số tám…
Lão
sẽ không còn ngày về, nghĩ cũng đáng kiếp. Nhưng chỉ hết một đời của lão. Còn
con cháu của lão sẽ phải gột rửa sao đây cho tiếng đời hết dè bỉu, khinh khi?!
Tháng
01/2002