VĂN
VIỆT
Từ năm 2006 đến nay, thị trấn Lộc
Thắng, huyện Bảo Lâm đã phủ xanh gần 550 ha cà phê ghép, chiếm tỷ lệ hơn 60% tổng
diện tích cà phê trên địa bàn. Cà phê ghép mới ở đây đã cho năng suất từ 4-5 tấn
nhân/ha trở lên, cao gấp 2 lần trở lên so với năng suất cà phê giống cũ.
Những
ngày mưa đầu tháng 7/2013, vườn cà phê ghép 3 ha của hộ gia đình ông Phạm Văn
Đài ở Tổ dân phố 6, thị trấn Lộc Thắng, Bảo Lâm lại tiếp tục tỉa tán để tạo môi
trường “tăng trọng” cao nhất cho trái cà phê đang “no tròn” trên cành. Bà vợ
ông Đài cho biết, nguyên vườn cà phê vối 3 ha của gia đình bà đã trồng từ các
năm 1994, 1995 và 1996, đạt năng suất trung bình trên 3 tấn nhân/ha/năm ở thời
ky cây dưới 10 năm tuổi. Tuy nhiên khi vượt qua hơn 10 năm tuổi thì 3 ha diện
tích cây cà phê này đã biểu hiện những triệu chứng chậm phát triển rồi giảm dần
năng suất còn dưới 2,5 tấn/ha/năm. Từ việc vận động, hướng dẫn của các cơ quan
nông nghiệp huyện Bảo Lâm và hệ thống tổ chức Hội Nông dân ở thị trấn Lộc Thắng,
từ năm 2007, hộ ông Đài đã mạnh dạn mua hơn 330 mắt ghép từ các vườn cà phê cây
sinh trưởng tốt của nông dân trong huyện, đưa về ghép trên 110 gốc cà phê của
mình. Cứ 3 mắt chồi ghép trên 1 gốc cà phê, vài tháng sau đạt tỷ lệ cây ghép sống
từ 90% trở lên. Những lần ghép tiếp theo được bổ sung kinh nghiệm, khắc phục những
thiếu sót kỹ thuật của những lần ghép trước, vườn cà phê ghép của hộ gia đình
ông Đài đã tăng tỷ lệ cây phát triển tốt từ 95% trở lên.
Trung
bình 1.000m2 đất của hộ gia đình ông Đài (cũng như những hộ gia đình
khác canh tác cà phê ở Bảo Lâm) trồng 110 gốc cà phê. Sau khi ghép thành công 3
mầm chồi mới trên 1 gốc cây cà phê cũ thì trong năm đầu tiên, 1/3 phần thân,
cành, nhánh của cây cũ phải chặt bỏ hết. Đến năm thứ 2, thứ 3 chặt bỏ 2/3 phần
thân, cành còn lại của cây cũ, giành toàn bộ dưỡng chất và khoảng không gian để
phát triển mới thân cành, nhánh cà phê từ mầm chồi ghép. Thực hiện theo quy
trình này, đến năm 2010 và năm 2011, hộ ông Đài thu trái bói cà phê ghép trên
diện tích lần lượt từ 0,5ha đến 1 ha, năng suất đạt khoảng 2 tấn nhân/ha. Qua
niên vụ 2012- 2013 là bước vào vụ thu vụ chính cà phê ghép đầu tiên, hộ gia
đình ông Đài đạt năng suất gần 5 tấn nhân/ha. Hiện hộ gia đình ông Đài đang tiến
hành ghép chồi cà phê mới trên gốc cà phê cũ với 2 ha già cỗi cuối cùng trong
vườn nhà.
Ông
Vũ Văn Cân, cán bộ Tổ Dân phố 23, thị trấn Lộc Thắng, Bảo Lâm nói rằng, Tổ Dân
phố này có 20 hộ nông dân vừa ghép xong khoảng 2ha cà phê kể từ tháng 4/2013 đến
nay ( đầu tháng 7/2013), đạt tỷ lệ cây ghép sống từ 95% trở lên. Đây là những diện
tích cà phê trồng bằng hạt đã thu hoạch từ 3- 4 vụ, năng suất chỉ từ 2- 2,5 tấn
nhân/ha/năm, nên nông dân quyết định mua các giống chồi đầu dòng mới về ghép để
đầu tư thâm canh, đạt mục tiêu 4 năm sau tăng năng suất lên từ 4-5 tấn
nhân/ha/năm như vườn cà phê ghép của hộ ông Đài nói trên. Riêng hộ gia đình ông
Cân đã ghép mới thành công trên 4.000m2 với 440 gốc cà phê trong 3
tháng vừa qua, đồng thời trồng mới 660 cây cà phê hạt ( trồng trên 6.000m2)
để sang năm 2014 tiếp tục cưa lấy phần gốc để ghép chồi mới.
“Việc
ghép cải tạo cà phê ở thị trấn Lộc Thắng, Bảo Lâm đã triển khai làm điểm các mô
hình từ đầu những năm 2000, nhưng đến năm 2006 khi chính thức thấy năng suất
thu hoạch tăng gấp đôi so với vườn đối chứng thì từng hộ nông dân mới nhân rộng
phổ biến trong vườn cà phê của mình từ đó đến nay. ”- ông K’Kras, Chủ tịch Hội
Nông dân thị trấn Lộc Thắng cho biết. Theo đó với tổng diện tích cà phê của thị
trấn Lộc Thắng gần 905ha thì chiếm đến tỷ lệ hơn 60% đã ghép mới hoàn thành, đạt
năng suất từ 4- 5 tấn nhân/ha/năm; có nhiều diện tích chăm sóc tốt có thể đạt đến
6 tấn nhân/ha/năm. Kế hoạch đến năm 2015, thị trấn Lộc Thắng phấn đấu ghép mới
mỗi năm từ 25- 30ha cà phê để cùng với những diện tích trồng mới hướng tới việc
phủ xanh 100% diện tích cà phê tái canh trên địa bàn vào năm 2020./.
Tháng 7.2013