VŨ VĂN
Người
khác bóc lột chị đến tận cùng, tài sản,
nhà cửa bị cưỡng đoạt sạch trơn. Để tìm thấy được “ông Bao Công”, chị phải mất đến năm năm. Với chị, năm năm là khoảng
thời gian lê thê bi đát. Đã nằm trong “trại” Chí Hòa một năm trời oan nghiệt mà
khi về lại các cấp tòa dân sự ở tỉnh Lâm Đồng, chị còn tiếp tục bị thất thế
nữa. Trong con hẻm nhỏ ở phường 5, Đà Lạt, một căn nhà xây cuối cùng làm chỗ
nương thân cho gia đình cũng phải chịu cưỡng chế, kê biên lúc chị đi vắng .
Cũng nhờ những đồng tiền góp nhặt từ người thân, bạn bè thương cảm, chị thất
thểu ra Hà Nội ăn đợi, năm chờ ánh sáng công lý. Rất may, lời khẩn khoản đã sớm
đến được “ông Bao Công” anh minh sáng suốt. Một “thượng phương bảo kiếm” được
rút ra. Tất cả những bản án phán quyết vụ việc của chị phải hủy bỏ toàn bộ. Vậy
mà cũng đã lâu rồi, chị vẫn cứ trông ngóng một bản án xử lại, mong danh dự được
khôi phục nhưng chưa biết đến khi nào mới thấy…
Tên
chị là Nguyễn Thị Cần, năm nay 45 tuổi, cư trú tại 18/3, Hoàng Diệu, phường 5,
Đà Lạt. Năm 1991, chị Cần có mối quan hệ thâm giao với bà NTD, năm nay 50 tuổi
nên có sự giúp đỡ làm ăn qua lại với nhau tại Sài Gòn. Chị cảm thấy đau nhói phải kể lại chuyện cũ: Hồi
còn có căn nhà nằm giữa mặt phố Sài Gòn, làm ăn đang lúc giòn giã thì chị phải
cuốn gói ra đi bởi chính sự lật lọng của người thân trong gia đình. Thời gian ở
nhờ nhà bà D (bà D đã từng thuê nhà chị Cần để buôn bán), người em trai tưởng
chị mang theo của chìm dữ lắm, hết nằn nì đến trách móc chị rằng sao không cho
mượn tiền. Thật oan cho chị quá. Mà có phân bua người gia đình cũng chẳng ai
tin. Thế là bà D đứng ra “ban ơn” cho vay 60 triệu đồng với điều kiện…lãi suất
10% mỗi tháng. Không còn cách nào khác, chị C đành bấm bụng chịu thiệt. Thời
gian thoảng qua nhanh. Người em trai gặp xui rủi, không thể trả nợ được, chị
phải “chịu trận”. Lãi mẹ đẻ lãi con dồn dập. Thương em, lại sợ chồng quở mắng,
chị dằn lòng xoay trở trả nợ cho bà D đến tháng 12/1992 với con số lên đến 157
triệu đồng. Cứ nghĩ khoản nợ được thanh toán như thế cũng tạm yên ổn, lẽ nào bà
D lại không “du di” thanh lý, cho qua. Nhưng sự đời có ngờ lòng người lại rắp
tâm bắt chẹt chị đến tận cùng…
Năm
1994, chị Cần lại trả thêm bà D 40 triệu đồng nữa để rồi sau đó được bà D “cứu
rỗi” cho chị…vay lại 6 triệu đồng. Đến giờ chị cũng không thể nhớ hết được tâm
trạng quẫn trí lúc đó. Bà D hết ngon ngọt, đến chửi bới, mắng nhiếc, thậm chí
dùng mọi thái độ khủng bố tinh thần để buộc chị viết giấy nhận nợ lúc thì 125
triệu đồng, lúc thì lên tới 200 triệu đồng. Tỉnh ra, chị mới thấy vô lý quá, bộ
mặt thật của bà D đã rõ. Chị vay trước sau chỉ có 66 triệu đồng, đã trả lên đến
gần 200 triệu đồng, sao lại còn nợ đến 200 triệu đồng(?). Nghe người ta nói
pháp luật nghiêm cấm những người cho vay nặng lãi, chuyên sống bóc lột trên
lưng người khác mà! Chị dứt khoát không trả thêm cho bà D nữa thì oái oăm thay,
ngày 05/7/1996, CA Quận…, TP HCM lên Đà Lạt áp giải chị về Sài Gòn tra vấn
và…bắt giam vào tù (!).
Bấy
giờ ở Đà Lạt, chị chỉ có 2 mẹ con. Ở Sài Gòn toàn bộ tài sản trong nhà, giá trị
25 triệu đồng, đã bị đám con của bà D ngang nhiên cưỡng đoạt lấy hết. Rồi ngày
CA bắt chị thật đau khổ hơn - Chị nói trong nước mắt rằng, mới 10 giờ sáng, chị
và đứa con gái 6 tuổi lên một chiếc xe của CA Quận… chạy “tài tử” 17 giờ chiều
mới rời Đà Lạt, tới Sài Gòn đúng vào lúc 0 giờ ngày mới. Ngày mới này của chị
là một ngày bắt đầu của sự đày đọa tinh
thần. Ngày 12/8/1996 chị bị bắt giam với cái tội khởi tố treo lửng “lạm dụng
tín nhiệm…”. Ăn cơm tù 5 tháng ở cấp quận chưa đủ, chị còn “được chiêu đãi” lên
“Trại” Chí Hòa 7 tháng nữa. Sau đó bị truy tố ra tòa. Tại đây, “Ông Bao Công”
thấy rõ việc buộc tội chị không ổn nên đã 2 lần hoãn rồi trả hồ sơ về cơ quan
kiểm sát điều tra bổ sung. Chị không có tội, chẳng còn gì phải “bổ sung nữa”.
Ngày 29/10/1997, cơ quan Kiểm sát TP HCM ra quyết định đình chỉ vụ án, trả tự
do cho chị với lý do “vụ kiện nêu trên phải được xử lý về dân sự” (?)
Ra
2 cấp tòa ở tỉnh Lâm Đồng, bao giờ bà NTD cũng gặp nhiều lợi thế với tư cách là
nguyên đơn. Ở tòa sơ thẩm Đà Lạt ngày 13/9/1999, xử buộc chị phải trả cho bà D gần
121,4triệu đồng. Lên tòa phúc thẩm Lâm Đồng ngày 23/12/1999, xử “hạ” số nợ
xuống, nhưng chị phải trả cho bà D gần 60 triệu đồng. Án chung thẩm có hiệu lực
thi hành ngay. Đội Thi hành án TP Đà Lạt đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án
căn nhà xây 55 mét vuông, cấp 4, tại hẻm phố Hoàng Diệu, Đà Lạt với giá chưa
quá 42 triệu đồng. Thế là hết. Không ai cứu vớt được chị ngoài hy vọng còn lại
từ “Ông Bao Công” ở xa tận Hà Nội. Đó những ngày sống thuê mướn, vạ vật ở Hà
Nội đã không hoài công. Chị đã tìm thấy hào quang của công lý…
Ngày
31/5/2001, Hội Đồng xét xử giám đốc thẩm Tòa án tối cao quyết định: Hủy bản án
dân sự sơ thẩm của thành phố Đà Lạt và bản án phúc thẩm của tỉnh Lâm Đồng. Giao
hồ sơ vụ kiện về Tòa án Lâm Đồng điều tra, xử lại từ giai đoạn sơ thẩm. Hai bản
án bị hủy vì có sự thỏa thuận vay và cho vay trái pháp luật. Rồi những khoản
trả gốc và lãi của chi Cần cho bà D vẫn không làm rõ. Hơn nữa, tài sản con bà D
xiết nợ chị Cần phải đưa vào tố tụng dân sự. Nếu không phải kiến nghị truy cứu
trách nhiệm hình sự…
Vậy
là sự thật sớm muộn cũng phải trả về đúng vị trí của nó. Chị Cần đã làm đơn đòi
cơ quan Kiểm sát TP HCM phải có trách nhiệm đối với 12 tháng bị giam oan của
chị. Chị cũng đang trông đợi sự công minh của của những bản án dân sự xét xử
lại. Chị tin sẽ không còn sự vô lý rằng, người đi cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt
tài sản của chị lại còn ngông nghênh thách thức pháp luật. Nhưng chị lại còn
băn khoăn : Lẽ nào thế lực đồng tiền ở đâu đó lại có thể vượt ra ngoài cán cân
công lý ?!./.
Tháng 12/2001