VĂN VIỆT
Nghe
tin người đàn ông trung niên 44 tuổi-Cil Mup Hà K’Riêng, dân tộc K’ho-Cil được Nhà
nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới vào ngày 19
tháng 01 năm 2001, trên khắp buôn làng xã Đạ Tông, xã Lát, huyện Lạc Dương rộn
lên niềm vui và niềm tự hào. Cả Tây Nguyên, cả nước đã tôn vinh Hà K’Riêng, người
Anh hùng đôi chân vạn dặm gần 20 năm đối mặt với hy sinh, gian khổ để thông suốt
những tuyến đường thư báo trên vùng cao hiểm trở. Tôi đã nhiều lần tiếp xúc trò
chuyện và ít nhất cũng đôi ba lần viết về anh, lúc chỉ là một tổ trưởng tổ vận
chuyển thư báo chuyên cần của Bưu điện Lạc Dương. Lần này, tôi hăm hở trở lại
buôn làng, nơi có mái ấm hạnh phúc của người Anh hùng…
Đoàn chúng tôi đồng hành với những nhà
báo, nhà văn của địa phương, còn có nhà văn Lê Đình Cánh, Phó Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, anh “khoe”: “Hôm đại hội chiến sĩ thi đua ngành bưu điện
toàn quốc tại Hà Nội, nghe Hà K’Riêng kể chuyện quãng đời làm bưu tá đã tạo xúc
động mạnh đến mọi người. Giới viết báo, viết văn cả nước cùng nhau đến gặp anh phỏng
vấn, ghi chép. Tôi đã chụp rất nhiều ảnh, gửi tặng qua đường thư bảo đảm, có lẽ cũng vừa đến tay anh…” Anh Cánh nói, tôi hiểu tình cảm lúc này đối với Hà K’Riêng được đăng quang Anh hùng đặc biệt hơn. Vì vậy mà từ Hà Nội anh Cánh đã phải
sắp xếp nhanh chóng bay vào cho kịp chuyến đi cùng đồng nghiệp ở Lâm Đồng, bước lên những
ngọn núi cao ngất, đến buôn làng Bờ Nơ C.
Hôm ấy, trời cao nguyên nắng trong. Buôn Bờ Nơ C thêm rực rỡ những sắc màu thổ cẩm. Nghe có khách, người buôn làng đã xúm xít thật đông trong căn nhà gỗ nho nhỏ, xinh xắn của Hà K’Riêng, có cả những già làng từ các buôn lân cận kéo về. Chưa phải là lễ đón nhận chính thức, nhưng đồng bào Cil, K’Ho, Lạch…nơi đây hiện rõ những tâm trạng phấn chấn hơn mọi ngày. Già làng Cil Mup Biêng, 70 tuổi, nhớ lại: “Hà K’Riêng sinh ra ở buôn làng Mê Ka xã Đạ Tông, cách buôn Bờ Nơ C đến một ngày đêm đi bộ vượt rừng. Năm 1982, nhận việc tại Bưu điện Lạc Dương, Hà K’Riêng dọn về đây ở. Lúc ấy, Hà K’Riêng 25 tuổi có cái đầu sáng như trăng tròn, cái bụng thật như hạt lúa, trái bắp trên nương, nên bà con thôn bản rất ưng cái bụng. Con gái tôi đã bắt nó làm chồng cho đến bây giờ nó làm Anh hùng, dân làng sướng lắm. Ơn Đảng, Nhà nước to lớn quá!” Nghe người cha lại nhắc đến mình, Rơ Ông Hai bẽn lẽn: “ Gần 18 năm làm chồng, Hà K’Riêng hiếm khi ở nhà với vợ cho trọn ngày, bởi cái chân không chịu yên. Làm vợ, buộc mình phải lo thôi!” Thế có lúc nào Rơ Ông Hai gặp phiền muộn không? “Không, chỉ khổ thôi chứ không phiền. Đi làm về Hà K’Riêng đau, mình đi kiếm thuốc; Ha KRiêng đói, mình thổi cơm nóng cho ăn. Mình phải cố làm vườn định canh định cư và dệt thêm thổ cẩm nữa…”
Hôm ấy, trời cao nguyên nắng trong. Buôn Bờ Nơ C thêm rực rỡ những sắc màu thổ cẩm. Nghe có khách, người buôn làng đã xúm xít thật đông trong căn nhà gỗ nho nhỏ, xinh xắn của Hà K’Riêng, có cả những già làng từ các buôn lân cận kéo về. Chưa phải là lễ đón nhận chính thức, nhưng đồng bào Cil, K’Ho, Lạch…nơi đây hiện rõ những tâm trạng phấn chấn hơn mọi ngày. Già làng Cil Mup Biêng, 70 tuổi, nhớ lại: “Hà K’Riêng sinh ra ở buôn làng Mê Ka xã Đạ Tông, cách buôn Bờ Nơ C đến một ngày đêm đi bộ vượt rừng. Năm 1982, nhận việc tại Bưu điện Lạc Dương, Hà K’Riêng dọn về đây ở. Lúc ấy, Hà K’Riêng 25 tuổi có cái đầu sáng như trăng tròn, cái bụng thật như hạt lúa, trái bắp trên nương, nên bà con thôn bản rất ưng cái bụng. Con gái tôi đã bắt nó làm chồng cho đến bây giờ nó làm Anh hùng, dân làng sướng lắm. Ơn Đảng, Nhà nước to lớn quá!” Nghe người cha lại nhắc đến mình, Rơ Ông Hai bẽn lẽn: “ Gần 18 năm làm chồng, Hà K’Riêng hiếm khi ở nhà với vợ cho trọn ngày, bởi cái chân không chịu yên. Làm vợ, buộc mình phải lo thôi!” Thế có lúc nào Rơ Ông Hai gặp phiền muộn không? “Không, chỉ khổ thôi chứ không phiền. Đi làm về Hà K’Riêng đau, mình đi kiếm thuốc; Ha KRiêng đói, mình thổi cơm nóng cho ăn. Mình phải cố làm vườn định canh định cư và dệt thêm thổ cẩm nữa…”
Bên khung cửi bây giờ, Rơ
Ông Hai ngày đêm vẫn cần mẫn như nối kết từng đường tơ sợi chỉ đã thêu dệt gần
18 năm. Ngày xưa cũng nơi góc nhà này, Rơ Ông Hai vừa ru con ngủ, vừa dệt thổ cẩm,
có khi đến suốt canh thâu ngóng chờ tin chồng băng rừng, vượt suối về nhà. Một đêm
tháng 7, năm 1984, mùa mưa cao nguyên lạnh buốt đến tê lòng, chợt nghe tiếng
rên rỉ đứt quãng từ ngoài khung cửa the thé vọng vào, Rơ Ông Hai linh tính điều
gì không lành xảy đến. Mở cửa. Một tấm thân người ướt sũng, nằm mê man, vất vưởng.
Lần ấy Hà K’Riêng quằn quại những trận sốt liệt giường hơn tuần lễ…
Hà K’Riêng quay sang nhìn vợ.
Anh tỏ ra là người cũng biết “khéo nịnh”: “Nếu thiếu Rơ Ông Hai, người vợ giỏi
giang, làm chỗ dựa chăm sóc cho mình, không biết điều gì sẽ xảy ra sau những đợt
“thập tử nhất sinh” như thế…”Rồi, không chỉ ốm đau mà còn nhiều điều nguy hiểm
nữa. Đó là vào những năm 1975-1985, bọn phản động Fulro hoạt động rất điên cuồng.
Ở Tây Nguyên, chúng chọn vùng Đam Rông Lạc Dương ( Lâm Đồng) làm một trong những
“thánh địa” để giết hại dân làng, tàn phá mùa màng, nương rẫy. Để thông suốt những
tuyến đường thư, máu của nhiều bưu tá đã đổ. Ngày ấy-tháng 8 năm 1980, Liêng
Jrang Hà Hương và Ndu Hà Rang nhận nhiệm vụ là phải tuyệt đối bí mật mang thư
báo đến nơi kịp giờ và an toàn, nên phải xuất phát từ 5 giờ sáng. Đường rừng từ
xã Lát đến Đam Rông xa hun hút, hai anh cuộn trong người 2 khẩu AR 15 để tự vệ.
Đạn lên nòng sẵn và chỉ cần mở chốt an toàn là có thể chiến đấu ngay. Đi một
quãng ngắn, hai anh được lên đi nhờ một chiếc xe của cơ quan y tế huyện. Xe chật
ních cả 11 người, bò ì ạch, rồi chồm lên mãi gần đến trưa mới tới chân cổng Trời.
Đoàng! Một tiếng nổ lớn bất thần. Toàn thân xe rừng rực bốc cháy. Ndu Hà Rang
hy sinh tại chỗ. Liêng Jrang Hà Hương kịp nhảy ra khỏi xe, ghì chặt nòng súng
AR 15 hướng thẳng đám quân Fulro cho đến viên đạn cuối cùng…“Lúc ấy cả đoàn 11
người thì chỉ còn một người được cứu sống sau khi lực lượng quân đội đến chi viện.
Từ đó, máu tôi như muốn sôi lên. Tôi hận chúng nó đã giết Hà Rang, Hà Hương, giết
đồng bào dân tộc chúng tôi, nên cái chân của tôi không còn biết mỏi nữa…”-Hà
K’Riêng ngậm ngùi chuyện cũ…
Đôi
chân Hà K’Riêng đã thành huyền thoại. 13 năm ròng rã- mỗi năm anh đi bộ hơn mười
ngàn cây số. Tuyến ngắn nhất cũng phải mất 12 giờ đồng hồ đi bộ. Tuyến dài phải
mất 200 cây số đường lớn, nếu đi tắt đường rừng thì phải mất 24 giờ đồng hồ.
Núi thẳm, rừng sâu, mưa ngàn, gió bấc và cả những làn đạn đột kích của FulRo chẳng
khuất phục được tinh thần, ý chí của người bưu tá Anh hùng. Thân thể có thể bị
những trận sốt rét rừng quật ngã, nhưng tài liệu, công văn, thư báo phải về đến
nơi nguyên vẹn. Hà K’Riêng nói rất thật: “Hồi ấy nếu FulRo biết mình là bưu tá,
chúng không chừa đâu. Dân làng mà có chút tình nghi là chúng thủ tiêu ngay, huống
gì… Mình đã cải trang rất nhiều, nhưng phải nhớ đừng để chúng quen mặt. Hôm nay
giả dạng làm thanh niên đi rừng đốn củi, ngày mai phải là một nông dân đi làm
cái nương…Mình chỉ cấp phát được một tấm áo mưa đường xa, nên phải dùng để bọc
thư báo giấu kỹ trong người hoặc dưới đáy gùi, bên trên dành chất đầy những vật dụng của một người đi rừng,
đi rẫy. Còn mình có ướt cũng khô thôi, có sốt cũng khỏi thôi…” Hà K’Riêng vẫn
chưa quên được một lần điệu…gấu ly sơn giữa đại ngàn thăm thẳm. Ngày ấy vào năm
1986, bọn FulRo tan rã, những thủ lĩnh của chúng lần lượt ra đầu thú để hưởng
chính sách khoan hồng của cách mạng. Hà K’Riêng yên tâm đi cùng Hà Sú trên tuyến
thư xã Lát-Đầm Ròn. Không cần phải cải trang nữa, hai người chỉ mang theo lương
thực và cây xà gạt phòng khi thú dữ, nếu
lúc lũ rừng dâng cao thì chặt cây làm cầu qua suối…
Trời Tây Nguyên lại mưa. Sương
quyện vào sương đông đặc, mịt mờ. Bỗng nhanh như chớp, một con gấu xám từ đâu
nhảy vụt ra, lồng lộn quật ngã Hà Sú. Trong tư thế thúc thủ, Hà Sú chảy máu nhiều
bởi những nanh vuốt cào xé của gấu, anh phải lấy hết bình sinh mới giữ được miệng
của nó đang gầm ghè, nhe hai hàm răng nhọn hoắt như dao găm. Hốt hoảng, Hà
K’Riêng la lên, tay chân luống cuống tìm không ra cây xà gạt bị rơi từ lúc nào.
Không thể chần chừ, Hà K’Riêng vơ lấy hòn đá, bẻ cành cây ven đường, lao vào đập
lên đầu con gấu. Phải thật lâu sau do bị “trúng đòn”tới tấp, gấu xám mới chịu
buông Hà Sú ra, chạy thục mạng vào rừng…
Hà K’Riêng gian khổ, Hà
K’Riêng nguy nan đến tính mạng mình, nhưng sẵn sàng chấp nhận vì một công việc
bưu tá. Khi được hỏi: Điều gì đã nâng bước chân của Hà K’Riêng ngày càng rắn rỏi
hơn, vững vàng hơn ? Một thoáng suy tư, Hà K’Riêng tâm sự: “Thú thật có lúc khổ
quá, căng thẳng quá, mình muốn bỏ đơn vị về làm cái rẫy, cái nương, sống gần gũi
vợ con hơn. Nhưng rồi nghĩ đến đồng đội mình , đơn vị mình, và nhất là đồng bào
buôn làng mình, họ còn thiếu cái thư, cái chữ và những lần mình đưa cái tin đến,
họ mừng lắm, họ quý lắm, thì mình lại cố gắng tiếp tục công việc của mình…” Những
năm gần đây, ngành Bưu điện cũng đã “giúp vốn” trang bị phương tiện đưa thư bằng
xe máy, công việc Hà K’Riêng có đỡ hơn, nhưng nhiều tuyến đường Lạc Dương vào
mùa mưa vẫn độc nhất là đi bộ. Có những con dốc như Dốc Đá, phải trèo lên leo
xuống hơn 100 phút; Dốc Trời hơn cả Dốc Đá 35 phút. Đi bộ Dốc Trời phải bám chắc
vào rễ hoặc cành cây rừng, không cẩn thận sẽ trượt chân xuống suối sâu, mùa lũ
nước chảy xiết. Hà K’Riêng không vì thế mà tránh né, giao việc khó cho người
khác. Tổ vận chuyển thư báo của Bưu điện Lạc Dương gồm 4 người, Tổ trưởng Hà
K’Riêng luôn sống gương mẫu, làm việc trên hết là trách nhiệm, nên 20 năm liền,
cả tổ luôn đảm bảo tuyệt đối bí mật, chưa một lần xảy ra sơ sót. Ngày 3 tháng
12 năm 1998, Hà K’Riêng được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Và khi trở thành Anh hùng hôm nay, Hà K’Riêng vẫn luôn tự nhắc nhở mình: “Đó là
niềm tự hào không chỉ riêng mình, gia đình mình và chung cả buôn làng mình. Mình
sẽ phấn đấu nhiều hơn để mãi xứng đáng với danh hiệu Anh hùng…”
…Chia
tay gia đình Hà KRiêng, chia tay buôn làng Bờ Nơ C khi mặt trời lên ở đỉnh đầu.
Thay cho lời chào, Rơ Ông Hai, vợ của Hà K’Riêng quàng lên cổ chúng tôi những
món quà thổ cẩm của Rơ Ông Hai, của buôn làng và hẹn gặp lại...
Đà Lạt tháng 4 năm
2001