VĂN
VIỆT
Thực hành quy trình “Ứng dụng men vi sinh trong sản xuất phân hữu cơ sinh
học từ nguồn vỏ cà phê” của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng, nông dân Lâm
Đồng đã và đang tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư các nguồn dinh dưỡng để chăm
sóc cho cây trồng.
Lâm Đồng hiện có gần 140 ngàn ha cà phê kinh doanh, hàng năm thải ra khoảng 230 ngàn tấn vỏ khô (ước theo tỷ lệ
nhân/vỏ là 3/2), trong đó chiếm khoảng 30%
số lượng vỏ được xử lý bằng cách đốt bỏ hoặc đổ trực tiếp ra vườn cây; 70% số
lượng vỏ còn lại được nông dân dùng trộn với phân chuồng và men vi sinh không rõ
nguồn gốc để ủ làm phân nên chất lượng không cao.
Cách đây 1 năm – vào cuối tháng 7/2012,
Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ Sinh học thuộc Đại học Tây Nguyên triển khai 42
điểm trình diễn quy trình sản xuất phân hữu cơ từ vỏ cà phê tại các vùng trọng
điểm trồng cà phê của tỉnh Lâm Đồng gồm: Đức Trọng (8 điểm), Lâm Hà (11 điểm),
Di Linh (10 điểm), Bảo Lâm (7 điểm), thành phố Bảo Lộc (6 điểm). Tại mỗi điểm
chọn mỗi hộ gia đình với diện tích trồng cà phê trên 1ha, có mặt bằng tối thiểu
là 6m3 để ủ phân, nằm ở vị trí thuận lợi cho việc học tập, tham quan
của những hộ nông dân khác trong vùng. Tất cả 42 hộ gia đình thực hiện mô
hình đều được Dự án hỗ trợ men vi sinh và bạt tủ; chỉ “đóng góp” phần còn lại gồm vỏ cà phê,
công lao động phổ thông cùng các vật tư cần thiết khác…
Đi vào triển khai ủ phân trên mô hình
điểm của mỗi hộ gia đình gồm các “vật liệu”:
Vỏ cà phê khô ( 2.000 kg), phân chuồng ( 400 kg), đạm urea ( 20kg), lân
VĐ (100 kg), phân KCl (40kg), vôi bột ( 40 kg), đường (3kg - đường cát vàng hoặc
đường rỉ mật), men vi sinh ( 6kg). Mỗi mô hình huy động 4 người tưới nước, vun
đống, đảo trộn, làm ẩm nguyên liệu...Ngoài ra còn phải trang bị các vật dụng
khác như thùng chứa nước dung tích 200 lít, bạt tủ nguyên liệu 24m2 (4x6m), máy bơm nước, thùng tưới nước, cuốc, cào…
Từng mô hình thực hành theo các bước tuần tự từ hoạt hóa men ( 3kg men hòa tan với
150 lit nước sạch, 3 kg đường vàng và 300g phân urea) đến phối trộn nguyên liệu
và ủ đống (vỏ cà phê được tưới nước bổ sung cho đạt độ ẩm khoảng 60%), và cuối
cùng là công đoạn phối trộn men giai đoạn 2 (hòa tan 3 kg men giai
đoạn 2 với nước sạch, tưới trộn đều
nguyên liệu, bổ sung 20 kg KCl/tấn sản
phẩm) và công đoạn đóng bao bảo quản ( trong điều kiện râm mát hoặc trong nhà
kho).
Sau từ
3- 3,5 tháng ủ phân hữu cơ từ vỏ cà phê theo các bước nêu trên cho thấy, mỗi mô hình đã “thu hoạch” từ 2,5
đến 2,8 tấn sản phẩm, giá trị đầu
tư từ 1,1- 1,3 triệu đồng/tấn, thấp hơn 2 triệu đồng/tấn so với giá phân bón vi sinh có cùng
chất lượng trên thị trường. Dự án đã
tập huấn quy trình kỹ thuật này cho 50 khuyến nông viên và 1.260 nông dân thuộc 5 huyện, thành
phố trong vùng
thực hiện mô hình, đồng thời tổ chức được 5 cuộc hội thảo với 300 nông dân tham gia.
Từ đó đến
nay, Trung tâm Công nghệ sinh học thuộc Đại học Tây Nguyên đã cung cấp thông qua hệ thống khuyến nông tại các địa
phương trong tỉnh Lâm Đồng với 10.000kg men vi sinh, tương đương với việc thực hiện
trên 1.600 mô hình ủ phân từ vỏ cà phê theo quy trình đã triển khai điểm
thành công. Hiện huyện Bảo Lâm đang tiếp tục triển khai mới 68 mô hình, huyện Đức Trọng đang phấn
đầu triển khai đạt 100 mô hình vào năm 2014…
Như vậy với tổng khối lượng vỏ cà phê phế phẩm của tỉnh Lâm Đồng hàng năm
khoảng 230 ngàn tấn, nếu sử dụng hết để ủ làm phân vi sinh hữu cơ, sẽ bón cho khoảng trên 57 ngàn ha cà phê (với lượng bón hơn 4 tấn/ha/ năm), nhân
với mỗi tấn tiết kiệm khoảng 2 triệu đồng thì tổng số tiền “thu nhập tăng
thêm” cho nông dân trên dưới 450 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, việc bón “phân vỏ cà
phê” cho cây cà phê sẽ giảm lượng phân hóa học cho từ 20 – 30%, đồng thời tăng năng
suất cà phê hiện tại lên hơn từ 10 - 15%, (tức tăng khoảng 250
- 375kg cà phê nhân/ha), góp phần giảm thoái hóa, độ chua và độ chai cứng của đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường bảo vệ được
thiên địch và cân bằng thái cho cây trồng./.
Tháng 7.2013