VĂN VIỆT
Nông dân khu vực hạ lưu hồ Than Thở, Đà Lạt đang nỗ lực chống
lũ khi mùa hạn hán chưa kết thúc. Nơi đây hàng vạn mét khối bùn cát và chất
thải rắn sẽ được nạo vét, trả lại dòng suối thoát lũ nhanh, bảo vệ an toàn cho
cánh đồng rau, hoa rộng lớn trong mùa mưa lũ sắp tới.
Một ngày giữa tháng 3/2013, trên “cung đường suối” dài
gần một cây số thuộc khu vực đường Xuân Hương, Đà Lạt đã rộn ràng triển khai cơ
giới đào múc, đắp bờ, dưới sự “chỉ huy” trực tiếp của những người nông dân tại
chỗ. Anh Lê Hữu Thiết, Trưởng Ban Vận động xây dựng công trình này cho biết, đã
5 năm qua, dòng suối này mới có điều kiện khơi thông trở lại.
Mùa mưa năm 2012
vừa qua ( mưa cao điểm kéo dài nhiều ngày vào đầu tháng 5 và vào cuối tháng 9)
đã gây lũ cục bộ trên 60 ha trồng rau, hoa công nghệ cao của khu vực hạ lưu hồ
Than Thở. Chỉ sau cơn mưa liên tục trong một buổi chiều, nước chảy xiết rồi dâng
tràn ngập úng đã gây thiệt rau, hoa của nông dân quanh khu vực ước tính trên
dưới 3tỷ đồng. Trong đó có hộ nông dân mất trắng 2.000m2 chuẩn bị thu hoạch rau
xà lách và ớt ngọt cao cấp, tổng giá trị lên đến 300 triệu đồng. Hộ nông dân
thiệt hại ít nhất là hơn 1.000m2 rau xanh các loại trồng trong nhà kính gần một
tháng, ước giá trị trên dưới 100 triệu đồng. Với những diện tích trồng rau của
xã viên thuộc Hợp tác xã Xuân Hương, Đà Lạt cũng đã bị lũ cuốn trôi hơn 01 tỷ
đồng. Nhiều căn nhà còn bị ngập nước từ 1,2m đến 2m, trong nhà tập kết một khối
lượng không nhỏ vật tư sản xuất nông nghiệp cũng bị “mất tich” theo dòng nước
lũ…
Chuẩn bị đón mùa lũ năm nay, ngay từ đầu
tháng 01/2013, Cấp Ủy, Ban Điều hành cùng các đoàn thể chính trị Tổ Dân phố 1,
2 của phường 9 và Hợp tác xã Xuân Hương, Đà Lạt đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn
bạc, trao đổi và thống nhất trình lên UBND phường 9 và UBND thành phố Đà Lạt
cho phép được triển khai nạo vét dòng suối thoát nước hạ lưu hồ Than Thở, kinh
phí thực hiện theo tỷ lệ 50- 50 với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm
với tổng số tiền là 220 triệu đồng. Rồi tiếp tục tổ chức họp dân sau đó đã nhanh
chóng nhận được sự đồng thuận cao, 100% hộ dân biểu quyết thông qua định mức
đóng trên 1.000m2 là 01 triệu đồng; mỗi hộ gia đình cư trú trong nhà ở ổn định
ven hai bờ suối thì đóng góp 500 ngàn đồng. Chưa đến 3 tuần lễ kể từ ngày biểu
quyết thông qua, Ban Vận động nạo vét suối thoát lũ ở 2 tổ dân phố nơi đây đã
thu đủ 74 hộ dân với số iền 110 triệu đồng đóng góp.
Căn cứ với bản thiết kế nạo vét dòng suối nói trên được
duyệt, có 5 doanh nghiệp đến chào thầu thi công. Kết quả doanh nghiệp được
trúng thầu thi công có giá thấp hơn 40 triệu đồng so với doanh nghiệp đưa ra
giá thầu cao nhất. Toàn bộ các hạng mục mở rộng, nạo vét khơi thông trên gần
một cây số chiều dài của suối hạ lưu hồ Than Thở ở đây đều thi công bằng phương
tiện cơ giới. Từng hộ dân đóng góp đều là “giám sát viên” hàng ngày cho công
trình. Theo đó công trình dòng suối mới phải đạt chiều rộng ở hai bên bờ là 10m
( suối cũ chỉ rộng khảong 8 m); đáy suối là 6m ( đáy suối cũ khoảng 2m); chiều
sâu dòng suối trung bình đạt 3m ( chiều sâu dòng suối cũ từ 0,5m đến 01m vì bị
bồi lấp từ thượng nguồn là các vùng sản xuất nông nghiệp ở phường 11, phường 12
và kể cả những khu vực dự án nông nghiệp công nghệ cao nằm ven Tỉnh lộ 723)…
Dự kiến công trình nạo vét suối hạ lưu hồ Than Thở sẽ
hoàn thành vào đầu tháng 4/2013 để kịp đón lũ đợt đầu tiên vào đầu tháng 5/2013.
Mùa mưa năm 2012, nông dân đã quá lúng túng khi phả tự đắp cao lên bờ suối trên
dưới 0,5m bằng thủ công, rốt cuộc chỉ chống đỡ khá yếu ớt trước dòng lũ dâng cao
quá nhanh, trong khi dòng suối thoát nước lại thu hẹp và bồi lấp, hậu quả thiệt
hại khá lớn như đã nói ở trên. Hy vọng với dòng suối nạo vét mới, mùa mưa năm
2013, khu nông nghiệp công nghệ cao với
60 ha nhà kính trồng rau, hoa nằm dọc đường phố Hồ Xuân Hương, Đà Lạt sẽ đáp
ứng yêu cầu thoát lũ nhanh, không dẫn đến thiệt hại nào cho nông dân dù là nhỏ
nhất. Tuy nhiên thiết nghĩ đây cũng chỉ là giải pháp tình thế để chống lũ trong
vòng năm, ba năm tới. Giải pháp căn cơ và lâu dài là phải nạo vét toàn bộ lòng
hồ Than Thở, tạo thêm nhiều dòng chảy mới để “chia lũ” nhanh nhất về phía
thượng nguồn trước khi đổ về về phía hạ lưu…/.
Tháng 3.2013