Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Vào buôn trồng rau châu Âu

VĂN VIỆT

Thất bại trắng tay với nghề kinh doanh bất động sản ở Đà Lạt, bà Phạm Thị Thu Cúc đến buôn Đạ Nghịt ( xã Lát, Lạc Dương) tìm đất trồng trọt để sinh sống. Dốc sức vượt khó, gắn bó với đất từ năm 2006 đến nay, bà Cúc đã xây dựng riêng mình một quy trình chăm sóc các giống rau cao cấp nhập về từ châu Âu, thu lãi khá nhiều triệu đồng mỗi ngày.  

Bây giờ vườn rau nhà kính cao cấp của bà Phạm Thị Thu Cúc ( sinh năm 1952) đã “thành dáng thành hình” lên đến 7.600m2, nằm dưới thung lũng Đạ Nghịt, xã Lát ( Lạc Dương) của khu đồi thông xanh ngát rộng đến 40.000m2. Bà Cúc kể lại vào năm 2006, bà lần dò đến đây với số tiền vay mượn ít ỏi, chỉ đủ sang nhượng 1.000m2 đất đang trồng các loại cây “hoa màu nước trời” để chuyển sang trồng hoa lily cao cấp. Nhưng đã nghèo lại gặp cảnh “gieo neo”, sau hơn 100 ngày chăm sóc lứa hoa lily đầu tiên, bà Cúc thu hoạch bán ra bị lỗ hơn 50 triệu đồng. Nguyên nhân do sản lượng thấp, chất lượng hoa èo uột vì chăm bón không đúng kỹ thuật. Thay vì bỏ cuộc, bà Cúc tự đúc rút kinh nghiệm để trồng mới giống hoa lily “khó tính” nhập từ châu Âu này. Kết quả hơn 100 ngày trồng tiếp lứa hoa lily thứ 2 trên 1.000m2 này, bà Cúc đã trúng được mùa và trúng cả được giá, thu lãi hơn 250 triệu đồng.

“Sau khi trực tiếp đến thu mua hết sản lượng hoa lily của tôi với giá cạnh tranh khá cao, nhiều thương nhân bỗng khuyên tôi nên chuyển sang trồng các giống rau cao cấp từ châu Âu để bán cho hệ thông siêu thị Metro ở Sài Gòn… ”- bà Cúc kể tiếp rồi nhớ lại bà được khuyên không nên độc canh hoa lily nữa vì nguồn tiền vốn còn thiếu thốn quá nhiều. Bởi hoa lily cho lợi nhuận tăng khá đột biến nhưng thua lỗ cũng dễ rơi tự do trước thị trường khó dự báo trước. Nghe có cơ sở thuyết phục rồi tự nhìn lại với khả năng của mình, bà Cúc đã “tạm biệt” hoa lily rồi mở rộng dẩn dần diện tích nhà kính từ l.000m2 lên 2.000m2  đến 2.600m2 để trồng luân canh rau pó xôi với các loại rau ăn lá khác…từ đó đến nay, mỗi năm đạt lãi ổn định hàng trăm triệu đồng. Và cũng trong khoảng thời gian này ( năm 2006- 2010), bà Cúc cũng đã dựng thêm 2.000m2 nhà kính để trồng các giống cà chua nhập từ châu Âu, được siêu thụ Metro Sài Gòn thu mua với giá “chốt trước” theo từng mùa vụ từ 20- 35.000đồng/kg.

Cà chua châu Âu trồng tại khu vườn nông nghiệp công nghệ cao của bà Cúc là giống cây bò leo trên giàn chỉ cao hơn mặt đất chừng nửa mét thì bắt đầu ra trái thu hoạch. Các giống cà chua ở đây trồng trên tổng diện tích 2.000m2 với 4.000 cây, chăm sóc từ 3,5- 4 tháng sau bước vào thu trái liên tục cho đến 8 tháng sau. Hiện tại trong 1 vụ bình quân đầu tư trồng 1 cây cà chua khoảng 15.000 đồng, kết quả thu được 8kg, bán ra với giá thấp nhất 20.000đồng/kg, thành tiền là 160.000 đồng, trừ ra còn lãi ròng là 290 triệu đồng/1.000m2.

Cây trái châu Âu trên buôn làng Đạ Nghịt ngày càng trả công kha khá cho mình, nên đến cuối năm 2010, bà Cúc đã tăng lên nguồn vốn lưu động tương đối đủ để tiếp tục dựng thêm 3.000m2 nhà kính trồng khoảng 15 loại rau thơm cao cấp cũng được nhập mua về từ châu Âu. Nhờ sản xuất theo hợp đồng tiêu thụ ổn định với hệ thống siêu thị Metro Sài Gòn và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật an toàn, 15 loài giống rau thơm đặc biệt của bà Cúc đến nay thu hoạch chỉ mới đủ số lượng bán cho một phần so với nhu cầu đặt hàng, thu lãi trên dưới 2 triệu đồng/ngày. Được biết đây là những giống rau thơm đặc biệt dùng chế biến các món ăn cũng rất đặc biệt cao cấp trong các nhà hàng lớn ở Sài Gòn, nên giá thành bán ra khá cao: giá thấp nhất là 50.000 đồng/kg,  giá cao nhất đến 500.000 đồng/kg. Đó là các loại tên rau như Chocolatemint ( Bạc hà Âu) là rau tạo gia vị cho các loại trà quý hiếm để dùng sau bữa ăn; rau Sorrel ( Chút chít) được dùng nghiền nhuyễn trong các món xúp, tạo ra vị chua nhẹ làm ngon miệng; rau Thyme (Lá húng tây) làm tăng thêm hương vị thơm ngon của các mòn thịt nướng, người châu Âu rất ưa thích…

Khu vườn trồng rau châu Âu của bà Phạm Thị Thu Cúc đang tạo việc làm cho khoảng 10 lao động, thu nhập mỗi người từ 5-6 triệu đồng/tháng. Dự định từ nay đến cuối năm 2013, bà Cúc sẽ lên thiết kế xây dựng mới khu vực nhà máy chế biến tại chỗ đối với tất cả sản phẩm rau châu Âu thu hoạch trên 7.600m2 của mình nêu trên. Nếu mọi thủ tục hoàn thành thì đến năm 2014, nhà máy sẽ triển khai xây dựng và đi vào hoạt động, hy vọng sẽ thu hút nhiều hơn nữa việc làm cho người lao động ở buôn làng Đạ Nghịt của xã Lát, huyện Lạc Dương./.    

Tháng 7.2013