VĂN VIỆT
Dự báo đến năm 2015, Đà Lạt phải phát triển khoảng 2.500ha
diện tích khoai tây ( năng suất trung bình trên dưới 25 tấn/ha) mới đáp ứng nhu
cầu tiêu thụ trong và ngoài địa phương. Mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu
khoai tây này không khó đối với việc chủ động các nguồn giống đầu dòng; mà đặt ra
yêu cầu ở việc hoạch định những giải pháp hợp lý để kích cầu nông dân Đà Lạt mở
rộng sản xuất.
Ông
Nguyễn Đức Bình, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ, một vùng chuyên canh
khoai tây tập trung của Đà Lạt cho biết: Giai đoạn từ năm 2005 đến 2010, nông
dân xã Xuân Thọ duy trì sản xuất hàng năm khoảng 300 ha diện tích khoai tây,
trong đó gồm 200 ha diện tích Đông - Xuân chính vụ ( năng suất trên dưới 25
tấn/ha) và 100ha diện tích Hè- Thu trái vụ ( năng suất hơn 20 tấn/ha). Toàn bộ
diện tích khoai tây đều là nguồn giống đầu dòng, trong đó chiếm 90% là sản xuất
từ nguồn củ giống tốt nhất do nông dân tự chọn lựa giữ lại từ vụ mùa thu hoạch
ngay trước đó; 10% nguồn giống còn lại sản xuất từ cây đầu dòng cấy mô do nông
dân mua từ các tổ chức, cá nhân sản xuất giống có uy tín tại Đà Lạt. Việc thu
mua sản phẩm khoai tây được các thương nhân đến tận vườn sản xuất của hộ gia
đình để thỏa thuận giá ( trên đơn vị kg) trước khi thu hoạch khoảng 1 tuần lễ,
sau đó chuyển về tiêu thụ đến các đầu mối phân phối ở Sài Gòn. Tuy nhiên từ năm
2011 đến nay, mặc dù không thiếu nguồn giống khoai tây đầu dòng chất lượng cao
từ củ giống và giống cây cấy mô vừa nêu, nhưng diện tích khoai tây ở Xuân Thọ,
Đà Lạt cứ liên tục giảm xuống. Cụ thể đến vụ Đông- Xuân 2012- 2013 giảm xuống
còn khoảng 150ha; Hè- Thu năm 2013 giảm xuống còn 40ha.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thế Nhuận,
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Lâm Đồng, nông dân Đà Lạt trồng
khoai tây chủ yếu với nguồn củ giống tự sản xuất đến vụ thứ 3, thứ 4 từ nguồn
giống đầu dòng cấy mô được Trung tâm và các cơ sở cấy mô trong thành phố cung
cấp. Trong năm vừa qua ( tính từ tháng 7/2012 đến tháng 7/2013), Trung tâm bán
ra khoảng 1,5 triệu các loại cây giống khoai tây cấy mô chất lượng cao, trong
đó chiếm tỷ lệ ước chừng vài phần trăm cây giống nông dân Đà Lạt mua về để
trồng trong mùa Hè- Thu năm 2013; còn lại phần lớn là mua về trồng chính vụ
Đông- Xuân 2012- 2013. Trước đó vào cuối năm 2010, Trung tâm đã trồng khảo
nghiệm thành công 2 giống khoai tây thích nghi cả mùa khô và mùa mưa Đà Lạt là
TK 96.1 và PO3, sau đó được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép sản
xuất trên cả nước. 2 giống khoai tây mới này (được Trung tâm nghiên cứu lai tạo
trong nhiều năm từ các nguồn giống đầu dòng nhập về từ nước ngoài) với những
đặc tính nổi trội là đề kháng hiệu quả bệnh mốc sương, một loại bệnh phát sinh
nhiều trong những ngày mưa Đà Lạt; kết quả đạt năng suất bằng và cao hơn so với
khoai tây trồng chính vụ ở mùa khô, nhưng đến mùa mưa năm nay chỉ chiếm rải rác
diện tích được nông dân trồng, thu hoạch trên đồng. Trong 3 năm gần đây, Trung
tâm luôn lưu giữ từ 500- 600 nguồn gien giống khoai tây đầu dòng để nuôi cấy
mô, nhưng “nguồn cung” này đã vượt xa so với nhu cầu sản xuất ngày càng thu
hẹp.
Chủ
cơ sở nuôi cấy mô ở Thái Phiên, Đà Lạt, ông Nguyễn Đăng Hiến, cho biết: Từ đầu
tháng 5 đến gần cuối tháng 7/2013 ( thời điểm đầu mùa mưa năm 2013), cơ sở ông
Hiến mới bán được vài ngàn cây giống khoai tây cấy mô “già tuổi”, tức là cây
giống “xuất kho” từ phòng nuôi cấy mô đưa ra ngoài vườn ươm nuôi cấy trên vỉ
xốp từ 30- 45 ngày trước khi đưa ra trồng ngoài đồng. Còn tính chung từ đầu năm
2013 đến nay ở vùng Thái Phiên, Đà Lạt, cơ sở của ông Hiến bán ra giống cây khoai
tây cấy mô với mỗi tháng chỉ khoảng 100- 150 ngàn cây (trồng đúng quy cách với
40.000 cây/ha) thì mới chiếm khoảng 10% trên tổng số cây giống đã trồng. Và
tương tự như ở xã Xuân Thọ, vùng Thái Phiên với tỷ lệ 90% số cây giống khoai
tây còn lại được nông dân tự sản xuất ( bằng củ ) để trồng trong 2 mùa mưa -
nắng vừa qua. Trong khi năng lực sản xuất giống cấy mô khoai tây đạt chất lượng
cao của ông Hiến đạt tới 5 triệu cây/năm trở lên.
Thống
kê chưa đầy đủ, diện tích trồng khoai tây trên địa bàn Đà Lạt rong năm vừa qua
chỉ mới dao động trên dưới 1.000ha, và diện tích này đang có chiều hướng giảm
dần trong vụ Hè-Thu và vụ Đông- Xuân thời gian tới. Trong khi nguồn giống đầu
dòng tại chỗ không thiếu, trình độ canh tác của nông dân ngày càng có điều kiện
tiếp cận mới khoa học kỹ thuật, nhưng với đà này thì đến năm 2015, Đà Lạt khó
đạt mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu khoai tây lên khoảng 2.500ha. Thiết nghĩ ngay
từ bây giờ, các cơ quan chức năng của Đà Lạt cần triển khai cấp thiết các giải
pháp quy hoạch mới, tạo thêm nhiều nguồn hỗ trợ vốn, hỗ trợ thị trường đến với
người sản xuất khoai tây./.
Tháng 7/2013