VŨ VĂN
Khi còn là một đứa trẻ gái lên mười đã lâm cảnh mồi
côi cả cha lẫn mẹ rồi bị người khác dùng thế lực đen tối chiếm đoạt căn nhà
đang ở. Cuộc đời đầy bất trắc của đứa trẻ đến nay đã là một bà già có tuổi qua
vòng thất thập. Bà già đã đi suốt hành trình một đời đòi lại căn nhà của mình
nhưng đường công lý dường chư chỉ mới bước qua quá nửa.
TUỔI THƠ MẤT NHÀ
Người đàn bà có
cuộc đời đầy biến động ấy tên là Phan Thị Tuyết ( sinh năm 1935), là người con
gái duy nhất của liệt sĩ Phan Hiền Lương hy sinh vào thời điểm năm đầu tiên của
cuộc cách mạng tháng tám thành công trên đất cao nguyên Lâm Đồng. Sinh thời ông
Phan Hiền Lương được người mẹ ruột để lại một căn nhà và đất tại số 133, đường
Thống Nhất, Khu 2, thị trấn Di Linh ( nay là số 493, đường Hùng Vương, thị trấn
Di Linh). Ông Lương cưới vợ là bà Nguyễn Thị Ký cùng chung sống dưới mái nhà gỗ
lợp tôn rộng gần một trăm mét vuông nằm trên diện tích đất vuông vắn gần hai
trăm mét vuông. Người con gái Phan Thị Tuyết chào đời trong căn nhà này. Tuyết
lên mười tuổi thì người cha hy sinh cho cách mạng. Tang cha mới qua một năm sau
đó thì người mẹ lại chết đột ngột vì tai nạn. Chớp lấy cơ hội một đứa trẻ gái
Phan Thị Tuyết sống đơn độc trong căn nhà khá rộng, một viên cảnh sát mật thám
tay sai Pháp tên là Phan Văn Hoàng đã nuôi ý đồ chiếm đoạt vĩnh viễn căn nhà.
Ông ta nhanh chóng dọn đến ở căn nhà của
cô gái Tuyết trước sự ngơ ngác của người láng giềng.
Những năm tháng
đầu tiên vì quá lo sợ trước quyền bính của một tay cảnh sát chế độ Pháp thuộc
bấy giờ, người con gái Phan Thị Tuyết thường hay vắng nhà để tìm nơi tá túc với
những người họ hàng thân thuộc ở ngoài tỉnh. Cho đến năm 1952 cũng là lúc bắt
đầu đến tuổi trưởng thành, người con gái Phan Thị Tuyết mới đặt thẳng vấn đề
đòi lại nhà với tay cảnh sát Phan Văn Hoàng. Phản ứng đầu tiên của tay Hoàng là
dùng lời ngon ngọt để dụ dỗ người con gái Phan Thị Tuyết nhận làm con nuôi của
ông ta. Nhưng sự nhạy cảm của đứa con gái liệt sĩ đã giúp Phan Thị Tuyết sớm
nhận ra rắp tâm của tay cảnh sát thực dân Phan Văn Hoàng. Năm sau – năm 1953,
người con gái Phan Thị Tuyết cương quyết không chịu ký giấy bán nhà vô điều
kiện dù tay cảnh sát thực dân Phan Văn Hoàng này luôn giở mọi chiêu thức để
khủng bố tinh thần, truy bức đến cùng. Và người con gái Phan Thị Tuyết sẵn sàng
gánh nhận hệ quả bị giam cầm oan khuất đã báo trước. “ …Do tôi không chịu làm giấy bán nhà nên đêm 30 tết năm ấy tôi đi khấn
lễ chùa về, ông Hoàng khóa trái cửa lại bỏ mặc tôi nằm kêu khóc lạnh cóng ngoài
hè. Hôm sau trời sáng chưa rõ mặt, ông Hoàng đưa tôi lên đồn cảnh sát bắt giam
với lý do viện dẫn mơ hồ rằng tôi là con Việt Minh. Tôi bị giam đến mồng 5 tết
lại tiếp tục dẫn giải tôi lên Đà Lạt…Rốt cuộc do không đủ chứng cứ để đưa ra xử
tù tôi nên sau đó chúng buộc phải thả tôi ra…giữa đường…”-Bà Phan Thị Tuyết
nhớ lại.
TUỔI GIÀ MẤT TIỀN
Sau lần bị cảnh
sát chế độ Pháp thuộc bắt giam rồi thả ra giữa đường, bà Phan Thị Tuyết phải
phiêu dạt khắp nơi để tìm sinh kế. Dẫu vậy bà Tuyết vẫn thường xuyên đi về căn
nhà của mình ở Di Linh yêu cầu ông Phan Văn Hoàng trả lại nhà. Không những ông
Hoàng cố tình không trả lại căn nhà hợp pháp cho bà Phan Thị Tuyết mà còn thản
nhiên viết di chúc để lại nhà cho người cháu họ tên là Phan Định. Tờ di chúc
này bà Tuyết mới biết khi ông Phan Văn Hoàng qua đời vào năm 1998. Thêm một lần
bà Phan Thị Tuyết phải ngậm đắng nuốt cay trước cảnh mất nhà của mình !
Do hoàn cảnh
lịch sử nên việc khiếu kiện đòi nhà của bà Phan Thị Tuyết mới đặt “lên bàn nghị
sự” của cơ quan thẩm quyền ở Lâm Đồng vào đầu năm 1993. Nơi tiếp nhận đơn đòi
nhà của bà Tuyết lần đầu tiên là Tòa án nhân dân huyện Di Linh. Nhưng rồi sự
đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau khiến đơn kiện đòi nhà của bà Phan Thị Tuyết phải
chạy lòng vòng đến 13 năm sau mới trở về Tòa án nhân dân huyện Di Linh thụ lý
giải quyết. Những cơ quan mà đơn kiện đòi nhà của bà Tuyết đã chuyển qua chuyển
lại trong tỉnh Lâm Đồng là xây dựng, địa chính, thanh tra, tòa án; các cơ quan
giám sát…Mãi đến ngày 30/8/2006, Tòa án nhân dân huyện Di Linh mới mở phiên tòa
xét xử sơ thẩm vụ kiện đòi nhà của nguyên đơn Phan Thị Tuyết. Bản án sơ thẩm
tuyên bác yêu cầu đòi lại nhà của bà Phan Thị Tuyết. Buộc ông Phan Định phải
thanh toán cho bà Tuyết trị giá 2/3 căn nhà, thành tiền là 645triệu đồng. Căn
cứ mà bản án sơ thẩm dựa vào là các bút lục của Ty Cảnh sát đặc biệt chế độ cũ
Đà Lạt vào năm 1954, trong đó ghi ông Phan Văn Hoàng còn nợ bà Phan Thị Tuyết
4.000 ngàn đồng/6.000 ngàn đồng tiền mua nhà (?!)
Bà Phan Thị
Tuyết kháng cáo. Ngày 17/3/2008, Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng mở phiên tòa xét
xử phúc thẩm buộc ông Phan Định phải trả lại căn nhà và đất tại số 493, Hùng
Vương, thị trấn Di Linh cho bà Phan Thị Tuyết. Nhưng trong “phần phụ” của bản
án lại tuyên buộc bà Tuyết thanh toán cho ông Định số tiền hơn 322 triệu đồng.
Một lần nữa án phúc thẩm dựa vào lời khai của ông Hoàng trong các bút lục của
Ty Cảnh sát đặc biệt chế độ cũ Đà Lạt vào năm 1954. Rằng ông Hoàng khai nại đã
cho bà Tuyết mượn 2.000 đồng để làm mồ mả, tương đương với 1/3 giá trị căn nhà,
thành tiền hiện tại là hơn 322 triệu đồng. Mặc dù đến nay bà Tuyết vẫn phủ nhận
lời khai này của ông Hoàng; khẳng định bấy giờ mình trong cảnh thân cô thế cô,
làm sao giám ngỏ lời mượn tiền của viên cảnh sát Phan Văn Hoàng..
Nhưng dẫu sao thì cấp xét xử phúc thẩm đã thể hiện sự công minh khi chấp nhận yêu cầu đòi nhà của bà già Tuyết. Vậy là bà già Phan Thị Tuyết ở tuổi 73 cũng đã tìm thấy ánh sáng công lý trả lại căn nhà cho bà. Căn nhà đã được tạo dựng từ mồ hôi công sức của bà nội của bà là người mẹ Việt Nam Anh hùng; rồi người cha của bà là liệt sĩ chống Pháp. Tâm nguyện của người nội, của người cha giữ lại căn nhà có truyền thống cách mạng cho con cháu đời sau, bà Phan Thị Tuyết đã thực hiện được.
Chỉ
còn lại một phần đường công lý mà bà già Phan Thị Tuyết phải đi cho đến nơi đến
chốn trong quãng đời còn lại. Đó là việc không thể buộc bà Tuyết phải trả cho
ông Phan Định hơn 322 triệu đồng. Bởi số
tiền này là do ông Phan Văn Hoàng, một cảnh sát chế độ cũ tự dựng lên chuyện đã
cho bà Tuyết mượn lúc bấy giờ ! ./.
Di Linh- Đà Lạt
Tháng 9.2008