Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Trở về từ bên kia

VĂN VIỆT
31 năm làm cán bộ chuyên trách từ công tác văn phòng, thống kê, địa chính đến công tác tư pháp của xã Tà Nung, Đà Lạt, ông Phan Gia Hợi đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhận nhiều khen thưởng từ cấp địa phương đến cấp trung ương. Đằng sau những thành tích lấp lánh này, ít ai biết rằng, ông Phan Gia Hợi đã một thời là người của bên kia chiến tuyến.

TRANG ĐỜI MỚI
Cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30/4/1975, ông Phan Gia Hợi với cấp hàm thiếu úy hải quân của chế độ Sài Gòn cũ đã quyết định trở về Đà Lạt trình diện với chính quyền cách mạng. “Lúc đó tôi mới thực sự bừng tỉnh ra rằng cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam đã kết thúc, Bắc – Nam sum họp một nhà, phần thắng thuộc về chính nghĩa cách mạng. Nhiều chiến hữu cùng chiến tuyến với tôi đã hoảng loạn xô đẩy nhau lên tàu, lên máy bay di tản sang Mỹ. Tôi thì không. Tôi nghĩ rằng tôi là người Việt Nam biết nhận ra con đường lầm lạc của mình để ở lại quê hương thì không lẽ nào không được hưởng chính sách khoan hồng của cách mạng…”- ông Hợi nhớ lại. 
Và đúng như dự cảm của ông sau ngày 30/4/1975, ông được cách mạng cho đi học tập cải tạo và đã tự thân ông tiến bộ rõ rệt từng ngày. Đầu năm 1978, ông được trả tự do về địa phương Đà Lạt, hàng tháng có nghĩa vụ viết bản tự đánh giá công việc làm ăn sinh sống của cá nhân với cơ quan công quyền. Ông kể tiếp : “Vậy là tôi yên tâm làm ăn bắt đầu từ trang đời mới là công dân của chính quyền cách mạng. Tôi tự nguyện đăng ký đi xây dựng kinh tế mới Tà Nung ( lúc đó Tà Nung là vùng đất kinh tế mới). Đâu nghĩ rằng cuộc đời lại được bước ngoặt thay đổi lớn khi Ủy ban Quân quản xã Tà Nung cử người đến nhà gọi tôi ra giúp việc thống kê kế hoạch cho ủy ban. Lúc đầu tôi hết sức mặc cảm, sợ hãi về quá khứ ngụy quân của mình, dù tôi chỉ là người lạc lối đi làm sĩ quan hải quân tuần tra báo cáo mật mã cho chế độ cũ. Rồi sau các chú lãnh đạo ủy ban gần gũi động viên, giúp đỡ tư tưởng tôi, tôi đã dần hòa nhập vào môi trường mới…” Đó là đầu năm 1979, ông chắt lọc từ kiến thức khoa học tự nhiện của mình đã học được đến hết lớp tú tài hai và cả thời gian sáu tháng du học bên Mỹ, vận dụng vào công việc địa phương hàng ngày. Làm việc có hiệu quả trông thấy, 5 năm sau - năm 1984, ông chuyền sang công tác địa chính xã và được bầu vào đại biểu Hội đồng nhân dân xã.
TÂM HUYẾT TRÊN TỪNG PHẦN VIỆC
Làm đại biểu hội đồng nhân dân xã trong 3 nhiệm kỳ liền ( mỗi nhiệm kỳ 2 năm), ông tiếp xúc và thuộc lòng từng tên người, tên xóm, tên từng khoảnh vườn rừng, thửa đất trồng trọt trong xã Tà Nung với phần lớn là đồng bào dân tộc bản địa Tây Nguyên. Mỗi kỳ họp của Hội đồng nhân dân xã, ông đều có ý kiến đề đạt được nắm bắt từ tâm tư, nguyện vọng của đông đảo người dân. Trong nhiều ý kiến của ông được chấp nhận đưa vào nghị quyết  hội đồng nhân dân xã, đáng kể là việc phân định đất nông lâm sát đúng với thực địa, hình thành các khu vực quy hoạch chuyên canh sản xuất nông nghiệp. Mỗi lần như vậy, không tránh khỏi các ý kiến đối ngược gay gắt nhưng ông vẫn xem đó là những bàn luận để làm sáng tỏ thêm vấn đề. Hỏi những lần “va chạm” như vậy ông có e ngại gì không thì được trả lời “Hoàn toàn không. Bởi tôi bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của người cử tri nông dân địa phương”.  Đến những năm chín mươi, ông tiếp tục được bầu vào ủy viên ủy ban. Có những tháng, lãnh đạo ủy ban bận đi học, ông được phân công làm cán bộ văn phòng tổng hợp, đồng thời trực tiếp thay mặt ủy ban điều hành công tác trong xã. Cấp trên xuống kiểm tra, ông báo cáo nằm lòng từng số liệu, thông thuộc đặc điểm từng khu dân cư, đề xuất những ý kiến sát hợp và tranh thủ sự lãnh chỉ đạo kịp thời.
  Cũng thời điểm từ năm 1990, ông nhận việc kiêm nhiệm rồi chuyển hẳn sang chuyên trách công tác tư pháp xã Tà Nung. Có được vốn thực tiễn công tác thống kê, địa chính, ông làm căn cứ để triển khai công tác tư pháp một cách thiết thực nhất, phù hợp nhất. Tập trung lúc này là vận động đồng bào dân tộc bản địa ở xã dần xóa bỏ những thủ tục lạc hậu về cưới hỏi, tang ma. Có những cặp vợ chồng trẻ lên đăng ký kết hôn chưa đủ tuổi theo quy định pháp luật, ông nhất quyết không làm thủ tục giải quyết. Trong khi chờ đủ tuổi kết hôn, cặp vợ chồng trẻ này về nhà tổ chức lễ cưới và có trịnh trọng gặp ông gửi thiệp mời. Ông dứt khoát cũng không dự lễ cưới với một tân hôn chưa được pháp luật công nhận như vậy. Hoặc có những đám chết không chịu lên xã đăng ký khai tử, ông xuống tận nơi cầm tay cho họ áp chỉ làm thủ tục. 
Đồng thời tận tình giải thích cho họ không nên để xác chết của người thân trong nhà quá lâu ( tốt nhất là an táng trong vòng 24 tiếng đồng hồ), vì hơi khí của xác người chết lâu ngày tỏa ra sẽ ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến sức khỏe của người xung quanh.
      Rồi vào đầu năm hai ngàn, ông đi về khắp làng trên buôn dưới, trực tiếp đến từng nhà làm thủ tục cấp mới giấy khai sinh, giấy kết hôn đã quá hạn của người dân. Chỉ trong một thời gian không dài, ông đã trực tiếp làm thủ tục cấp mới hơn 300 giấy khai sinh cho trẻ mới sinh đến dưới 16 tuổi; cấp đăng ký kết hôn mới cho 100 trường hợp hôn nhân thực tế, trong đó có nhiều trường hợp cặp vợ chồng đã quá 60 tuổi. Để tránh phát sinh những trường hợp trẻ em không có giấy khai sinh, ông phối hợp với trạm xá xã, ngay sau khi đỡ đẻ mỗi đứa trẻ ra đời là làm ngay giấy chứng sinh để căn cứ cấp giấy khai sinh cho trẻ. Với đăng ký khai tử, ông phối hợp với Công ty Công trình đô thị Đà Lạt quy định chỉ cấp đất an táng khi đã có giấy chứng tử. Trong quan hệ công đồng dân cư, ông tham mưu chính quyền xã thành 6 tổ hòa giải trên 6 thôn trong xã. Ông học luật qua các lớp tập huấn trên huyện, trên tỉnh; rồi tự học qua tài liệu pháp luật từ ngành tư pháp, từ tủ sách pháp luật trong xã, rồi truyền đạt lại cho những thành viên hòa giải trong xã. Khi xảy ra những trường hợp xích mích, cãi vã lẫn nhau, sự xuất hiện của người hòa giải viên vừa có kiến thức pháp luật vừa có uy tín trong xóm giềng sẽ có những phương pháp hòa giải thấu tình, đạt lý hơn. Ước tính mười năm qua, tỉ lệ hòa giải thành ở xã Tà Nung đạt từ 60% đến 70% vụ việc. 
Và cũng mười năm qua, trên hệ thống truyền thanh với 6 cụm loa công cộng ở xã Tà Nung, hàng ngày từ 7 giờ đến 7 giờ 15 phút, ông tổ chức truyền đi lời đọc từng dòng trong tờ rơi, từng dòng trong băng từ thu sẵn những quy định pháp luật thường gặp trong đời sống. Rồi những cuộc phổ biến pháp luật định kỳ hàng tháng trên từng thôn, những buổi hội thi sân khấu trong xã, hội thi trên cấp thành phố…đều do vai trò đảm nhận tổ chức của ông, đã và đang mang đến không khí phổ biến pháp  luật ngày càng sôi động trên khắp buôn làng Tà Nung.        
VỀ HƯU VẪN KHÔNG NGHỈ
Ông Phan Gia Hợi, sinh năm 1951. Hết năm 2010 này, ông đúng 60 tuổi về hưu. Nhìn lại, ông đã trở thành “già làng” công tác tại Ủy ban xã Tà Nung đã 31 năm. “Về hưu, tôi sẽ tập trung công sức nhiều hơn cho công tác khuyến học ở xã Tà Nung” – ông nói. 
Mới hay với 31 năm công tác ở ủy ban xã Tà Nung gồm 2 kỷ niệm chương ngành thống kê và ngành tư pháp, rất nhiều khen thưởng từ cấp xã, cấp thành phố, cấp tỉnh về thành tích cuất sắc công tác được giao, ông Phan Gia Hợi trân trọng xem đó là vốn gia tài quý giá trong hành trang những năm làm việc còn lại của cuộc đời ông với chức trách Chủ tịch Hội Khuyến học kiêm Phó Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng  xã Tà Nung. Ông đúc kết 31 làm việc trong bộ máy từ Ủy ban  Quân quản đến Ủy ban nhân dân xã Tà Nung : “Cách mạng đã cho tôi một niềm tin yêu lớn, một ý nghĩa lớn về cuộc sống làm việc, phấn đấu cho sự nghiệp chân chính của bản thân và cho lợi ích của cộng đồng ! ”./.

Đà Lạt Tháng 4/2010