VĂN VIỆT
Đầu mùa mưa năm nay, do
diện tích thu hoạch khoai tây Đà Lạt trên đà giảm rất nhanh, đã “kích cầu”
nhiều thương nhân tranh thủ nhập về hàng chục tấn khoai tây Trung Quốc để nhuộm
đất đỏ rồi bán ra thị trường. Đây là tình trạng “chở củi về rừng” cạnh tranh
không lành mạnh nên rất cần những giải pháp cấp thiết để khắc phục.
Diện
tích trồng khoai tây ở Lâm Đồng hàng năm có từ 1.500 - 1.600ha, đạt tổng sản
lượng thu hoạch trung bình khoảng 35 ngàn tấn, tập trung ở 3 địa bàn sản xuất chuyên
canh là Đà Lạt, Đức Trọng và Đơn Dương với vụ mùa chính thu hoạch kéo dài trong
thời gian mùa khô từ tháng 12 đến tháng 5; vụ mùa nghịch thu hoạch trong mùa
mưa từ đầu tháng 6 đến tháng 11. Tính đến gần cuối tháng 7/2013, diện tích
khoai tây mùa nghịch ở Lâm Đồng đã thu hoạch khoảng 50ha, chỉ bằng 1/4 diện
tích so với cùng kỳ năm 2012; đạt sản lượng trên đơn vị hecta thấp hơn từ 30-
40% so với sản lượng khoai tây mùa chính.
Trong
3 địa bàn chuyên canh khoai tây của tỉnh Lâm Đồng nói trên thì địa bàn Đà Lạt
trồng khoai tây hàng năm trên dưới 900ha, đạt năng suất từ 30- 35 tấn/ha vào
mùa khô chính vụ và từ 20- 25 tấn/ha vào mùa mưa nghịch vụ. Mùa mưa năm 2013,
diện tích thu hoạch khoai tây Đà Lạt ước tính không đáng kể, chỉ khoảng 30ha ở
các vùng Xuân Thọ, Thái Phiên, Vạn Thành, Đa Thiện…Trong khi mùa mưa năm 2012, cũng
trên những vùng đất này, diện tích khoai tây thu hoạch nghịch vụ đã đạt từ 80ha
trở lên.
Ông
Nguyễn Đăng Hiến, chủ cơ sở nuôi cấy mô ở Thái Phiên, Đà Lạt cho biết: Từ đầu
tháng 5 đến gần cuối tháng 7/2013 ( thời điểm đầu mùa mưa năm 2013), cơ sở ông
Hiến mới bán được vài ngàn cây giống khoai tây cấy mô “già tuổi”, tức là cây
giống “xuất kho” từ phòng nuôi cấy mô đưa ra ngoài vườn ươm nuôi cấy trên vỉ
xốp từ 30- 45 ngày trước khi đưa ra trồng ngoài đồng. Ước diện tích trồng khoai
tây thu hoạch vào đầu mùa mưa năm nay ở vùng Thái Phiên, Đà Lạt khoảng trên
dưới 5ha (trồng đúng quy cách với 40.000 cây/ha) thì cơ sở của ông Hiến bán ra
giống cây mô “già tuổi” để trồng trên diện tích chưa đạt con số 0,1ha; còn phần
lớn diện tích được nông dân tự để lại củ giống trồng không đạt chuẩn chất
lượng, nên năng suất đã giảm xuống dưới 60% so với khoai tây chính vụ.
Theo thạc
sĩ Nguyễn Thế Nhuận, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Lâm
Đồng, nông dân Đà Lạt trồng khoai tây nghịch vụ trong mùa mưa năm nay chủ yếu với
nguồn củ giống tự sản xuất đến vụ thứ 3, thứ 4 từ nguồn giống đầu dòng cấy mô
được Trung tâm và các cơ sở cấy mô trong thành phố cung cấp, sau đó nông dân tự
bảo quản chưa đạt các yêu cầu kỹ thuật nên khả năng kháng bệnh thấp, năng suất
không cao. Trong năm vừa qua ( tính từ tháng 7/2012 đến tháng 7/2013), Trung
tâm bán ra khoảng 1,5 triệu các loại cây giống khoai tây cấy mô chất lượng cao,
nhưng trong đó chiếm tỷ lệ ước chừng vài phần trăm cây giống nông dân Đà Lạt
mua về để trồng trong mùa mưa.
Trước đó vào cuối năm 2010,
Trung tâm đã trồng khảo nghiệm thành công 2 giống khoai tây thích nghi với mùa
mưa Đà Lạt là TK 96.1 và PO3, sau đó được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn cấp phép sản xuất trên cả nước. 2 giống khoai tây mới này (được Trung tâm
nghiên cứu lai tạo trong nhiều năm từ các nguồn giống đầu dòng nhập về từ nước
ngoài) với những đặc tính nổi trội là đề kháng hiệu quả bệnh mốc sương, một
loại bệnh phát sinh nhiều trong những ngày mưa Đà Lạt; kết quả đạt năng suất
bằng hoặc cao hơn so với khoai tây trồng chính vụ ở mùa khô, nhưng đến mùa mưa
năm nay rất hiếm thấy nông dân trồng, thu hoạch trên đồng.
Nguyên nhân giảm diện tích
khoai tây trái vụ ở mùa mưa Đà Lạt đều được các nhà khoa học và nhà nông cho
rằng do chi phí đầu tư cao, lợi nhuận thấp hơn nhiều so với trồng các loại hoa
cắt cành. Cụ thể với 1.000m2 trồng khoai tây gần 4 tháng mới thu hoạch, đạt
năng suất 3tấn củ, nhân với giá 20 ngàn đồng/kg ( giá tăng cao nhất trong 5 năm
trở lại đây), thành tổng doanh thu 60 triệu đồng. Trừ chi phí chăm sóc khoai
tây Đà Lạt như bơm thuốc, bón phân, làm cỏ…ở mùa mưa thường tăng từ 1,5 đến 2 lần
so với mùa khô, nên lợi nhuận chỉ đạt trên 50% trên tổng doanh thu – tính ra
1.000m2 còn thu lãi chưa đến 30 triệu đồng. Nếu trồng hoa cúc trên cùng diện
tích 1.000m2 với giá ổn định 1.000đồng/cành, chỉ chăm sóc 3 tháng sau đã thu
lãi từ 40 triệu đồng trở lên. Đây là những phép tính đáng lưu tâm đối với những
cơ quan quy hoạch sản xuất nông nghiệp hiện nay ở Đà Lạt./.
Đà Lạt Tháng 7.2013