Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Ra tòa đòi chồng

VŨ VĂN
Đã có vợ và 2 con nhưng gã đàn ông này đã đèo bòng thêm một bà vợ nữa, sinh ra một đứa con trai hẳn hoi. “Độc chiêu” nhất là gã sống với cả hai bà vợ đều được cấp giấy đăng ký kết hôn hợp pháp. Đến lúc người vợ cả không thể nhịn được cảnh phải mất chồng khơi khơi, bà ta đã phát đơn kiện ra tòa để đòi lại chồng. Tòa án đã xử thắng kiện thuộc về người “vợ cả”, nhưng xem ra vẫn còn bối rối khi phải xử tội anh chồng…

*NĂM NĂM XA VẮNG, CHỒNG ĐÃ “CHUI” VÀO TAY NGƯỜI KHÁC
Người vợ cả tên là BTL, sinh năm 1961, đăng ký kết hôn vào ngày 20/12/1983 tại UBND xã..., huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình với anh chồng tên là ĐDX, sinh năm 1959. Họ sinh được 2 đứa con chung, một trai, một gái vào năm 1987 và năm 1990. Đến năm 1994, họ dắt díu nhau vào xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng sinh sống. Hai năm sau (năm 1996), hai vợ chồng đã tạo dựng được một số vườn tược, hoa lợi bắt đầu ổn định và có thu. Nhưng cũng trong năm này, hai vợ chồng lại nảy sinh những mối bất hòa, chị L cảm thấy buồn lòng khi phải bồng bế 2 đứa con trở lại về quê. X ở lại một mình, tiếp tục trông nom, chăm sóc vườn tược, lâu lâu mới có dịp về quê thăm 3 mẹ con chị L.
Năm 1999, trở về Lâm Đồng sau một lần về thăm quê ở Thái Bình, X đã ngỏ ý đi sâu một bước nữa, lấy cô giáo trường tiểu học...  của huyện Bảo Lâm, tên là Trần Thị L, sinh năm 1967, làm vợ. Để làm tin, X “xuất trình” cho cô giáo này một tờ phô-tô Quyết định thuận tình ly hôn giữa X và chị L, số 54, ngày 30/7/1997, có chữ ký của Chánh án và Thư ký một Tòa án ở quê của X. 
Thôi thì duyên trời run rủi mà mình cũng có ít nhiều tình cảm với X, nên L đồng ý cùng với X lên UBND xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, ký vào tờ khai xin đăng ký kết hôn. Ngày 27/4/2000, căn cứ theo bản phô-tô ly hôn với người vợ trước do X đưa ra, đồng thời theo sự tự nguyện của hai người, UBND xã Lộc An đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn số 35 cho ĐDX và TTL. Sống cuộc sống “hai vợ chồng” bình lặng đi qua. Ngày 17/01/2001, hai người này hạ sinh một đứa con trai. Hàng xóm, người thân ở quê mới Lộc An, Bảo Lâm, chẳng ai nghi vấn về mối quan hệ vợ chồng này. Đến ngày 16/10/2001, nghe tin chị L từ ngoài quê vào làm đơn kiện “đòi lại chồng” là ĐDX, mọi người mới té ngửa ra: ĐDX và BTL, dù đã xa vắng năm năm, nhưng họ vẫn đang là hôn nhân hợp pháp!
*BÊN THẮNG KIỆN, BÊN CHƯNG HỬNG!
Toà án huyện Bảo Lâm thụ lý vụ án yêu cầu “hủy hôn nhân trái pháp luật giữa ĐDX và TTL”, nguyên đơn là chị BTL. Xác minh đầy đủ nguồn gốc 2 giấy đăng ký kết hôn, Toà án đưa vụ án ra xét xử vào ngày 27/11/2001, khẳng định: Ông X, bà L tổ chức đăng ký kết hôn vào ngày 20/12/1983 tại UBND xã..., Thái Thụy, Thái Bình là hôn nhân tự nguyện, hợp pháp, đang tồn tại và đã sinh được 2 con chung. Còn hôn nhân giữa ông X và bà L là hôn nhân trái pháp luật, do bà L bị lừa dối. Đó là năm 1999, X về quê nhặt được một bản trích lục quyết định ly hôn số 54, ngày 30/7/1997 của ai đó đánh rơi. Ý định “bắt cá hai tay” của X chợt lóe lên. Gã ta nhờ đánh máy vi tính nhờ điền tên họ mình vào phần nguyên đơn, bị đơn là tên vợ cả BTL. Xong xuôi, gã ta cắt phần này, dán với phần cuối  của bản trích lục có con dấu, chữ ký của chánh án và thư ký một tòa án ở quê, đưa đi phô-tô. Cô giáo TTL cầm nguyên vẹn bản phô-tô đó, tin ngay. Lên UBND xã Lộc An, cả hai được cấp ngay giấy đăng ký kết hôn mà không cần phải đối chiếu với bản chính về quyết định ly hôn của X với chị L ra sao. Cuối cùng, Tòa quyết định: Hủy giấy chứng nhận kết hôn số 35 ngày 27/4/2000 của UBND xã Lộc An, Bảo Lâm đối với ông ĐDX và bà TT L. Buộc hai người chấm dứt quan hệ vợ chồng. Đứa con chung giao cho chị L nuôi. Ông X chịu trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con 100 ngàn đồng/1 tháng cho tới khi đứa trẻ đến tuổi trưởng thành.
Vậy là từ Thái Bình lặn lội vào Lâm Đồng, chị L đã thắng kiện “đòi lại chồng” một cách “xứng đáng” (đúng luật). Còn cô giáo TTL thì chưng hửng: “Tôi bị ông X gạt là đã ly dị vợ. Nay cũng nhất trí xin hủy việc kết hôn giữa tôi và ông X…”. Nghĩa là cô giáo TTL buộc phải “trả lại chồng” cho chị L.
*TỘI “BẮT CÁ HAI TAY”, CHƯA BIẾT XỬ SAO?
Đến nay, bản án đã có hiệu lực pháp luật. Trong nội dung bản án, Toà án huyện Bảo Lâm còn kiến nghị UBND xã Lộc An xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng đối với ĐDX. Đối với giấy kết hôn trái pháp luật giữa ĐDX và TTL cần phải làm rõ trách nhiệm thuộc về ai.
Được biết, trước đó Toà án huyện Bảo Lâm phải tạm đình chỉ vụ án để chuyển sang Viện Kiểm sát xem xét về mặt hình sự. Viện Kiểm sát huyện không thể đưa ra khởi tố hình sự được, bởi: X sử dụng bản phô-tô không công chứng, không có giá trị pháp lý, trong khi đó, Ban Tư pháp xã Lộc An lại thiếu sót khi không kiểm tra kỹ trước khi cấp giấy chứng nhận kết hôn cho X và L. Hơn nữa, hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng của X chưa gây hậu quả nghiêm trọng, trước đó chưa bị xử lý hành chính…
Vậy là hành vi dối trá người phối ngẫu, quan hệ vợ chồng bất chính của X với một người đàn bà khác trong một thời gian dài, đã sinh con, chỉ mới xử lý phần “lỗi” mà vẫn chưa thể nói được là “gây hậu quả nghiêm trọng” để định tội hình sự ?!./
Tháng 12/2001