Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Thảm kịch gia đình

VŨ VĂN
Bà tố cáo hành động nhẫn tâm đốt nhà, giết con của ông và yêu cầu pháp luật phải trừng trị ông thật nghiêm khắc.? Ra tòa, bà ủy quyền cho người con trai năm nay 37 tuổi, trước sau vẫn một lời khai không đòi hỏi đến khoản tiền bồi thường thiệt hại, bởi ông có còn gì nữa đâu-ngoài thân hình tiều tụy, quắt queo của tuổi 70. Ngược lại với bà, người con trai được ủy quyền này-nhìn thảm cảnh người sinh thành ra mình đang run run bước đi khập khễnh trước vành móng ngựa-đã không giấu hết nỗi niềm đau như dao cắt. Chốc lát nữa đây, bản án sẽ tuyên, chắc gì  ông còn có giây phút từ giã cõi đời bên cạnh đủ mặt con cháu, họ hàng, người thân ở ngoài đời. Lẽ nào cuộc đời ông coi như đã đặt dấu chấm hết bằng một thảm kịch đau lòng?!

Ông tên là NVT, sinh năm 1931, gốc người Sài Gòn lên định cư tại thị xã Bảo Lộc từ năm 1988. Ngày ấy ông lên Bảo Lộc không phải vì kế mưu sinh mà vì một sự thôi thúc trở về đoàn tụ với bà, mong tìm lại một sự nương tựa nào đó ở tuổi về chiều. Người ta thường nói cái duyên, cái nợ ở mỗi người mỗi vẻ, nhưng hình như với ông và bà lại nghiêng về cái nợ oan khiên buộc phải trả giá thì đúng hơn. Mà, cũng kỳ lạ thật. Hai người đã mấy bận chia tay rồi mà sao vẫn chưa thể nào vĩnh viễn dứt ra khỏi sự trói buộc ấy. Năm 1951, ông và bà lấy nhau về chung sống, đến khi 5 người con lần lượt ra đời thì bỗng dưng hòa khí gia đình cứ ngày một căng thẳng hơn lên. Trước giải phóng, ông đánh bà tơi tả rồi tống đuổi ra khỏi nhà với lời thề rằng đến chết sẽ không bao giờ muốn nhìn mặt nhau nữa. Bà nuốt trọn nỗi nhục, lủi thủi ra đi, mang theo 2 con nhỏ: 1 trai, 1 gái; 3 đứa con còn lại: 2 trai, 1 gái đành chấp nhận cảnh tình ngang trái để ở lại với ông. Nhưng tiếc thay, cuộc chia tay đầy nước mắt này đã để lại đằng sau 5 người con âm thầm sống trong tâm trạng hụt hẫng để dõi chờ một ngày đoàn viên nào đó không có thực trong gia đình này…
Ngày đất nước Bắc-Nam sum họp, hai người con đầu của ông và bà: người chị 21 tuổi, người em trai đã lên 17, họ thấu hiểu trước sự rẽ chia nghiệt ngã của ông-bà, nên 3 người con ở với ông quyết định lên Bảo Lộc, tìm đến bà để 5 anh chị em được sống chung dưới một mái nhà. Thế rồi sự cô độc lại bao trùm lên khiến ông phải trở về tá túc, tìm sự chia sẻ bên người mẹ của mình dù đã “gần đất xa trời”. Năm 1988, mẹ chết, ông trở thành kẻ mồ côi, không còn nơi nào bám víu ngoài con đường quay lên Bảo Lộc với quyết tâm gạt hết mọi mặc cảm, mong hàn gắn lại những rạn nứt ngày xưa cũ. Trớ trêu thay, sống chung trở lại với nhau đến 10 năm sau thì sóng gió lại nổi lên. Mọi điều hay, tiếng lành hòa giải từ người hàng xóm đến cơ quan pháp luật mong khôi phục lại tình cảm cuối cùng giữa hai bên, nhưng đều vô nghĩa. Ông và bà nhất quyết dắt tay nhau ra tòa xin phân xử ly hôn. Thật oái oăm, lần này, cái nợ dằn vặt, hành hạ giữa ông và bà vẫn chưa chịu buông tha…
Rốt cuộc thì ông T đã tìm được một công việc thích hợp-công việc bảo vệ trường học ở Bảo Lộc. Công việc vừa là nguồn vui vừa là nguồn thu nhập đủ cho ông đắp đổi sống qua ngày. Ông cũng tự bằng lòng như thế. Chẳng may còn dính dáng đến khoản nợ 5 triệu đồng mà bà chưa thanh toán sòng phẳng cho ông theo quyết định phân chia tài sản sau ly hôn của tòa. Bà lại gọi ông về sống chung thay vì trả nợ. Ông đồng ý và làm đơn bãi nại. Không ai có thể nghĩ rằng lần sống chung cuối cùng này lại xảy ra thảm kịch chưa từng thấy ở một gia đình. Số là năm 1966, ông và bà hạ sinh được 1 người con trai út và chính người con trai này-34 năm sau-đã không “từ” những lời hạ nhục, thậm chí còn vung tay đánh ông trước nhiều người. Ông cố nén nhịn nhiều lần, nhưng đến ngày 03/7/2000, cái ranh giới mong manh ấy đột nhiên bị phá vỡ thì đồng thời là lúc ông phạm tội “đặc biệt nghiêm trọng” mà khung hình phạt của pháp luật đã định sẵn. Sự việc xảy đến khi đứa con trai út tên NVS này đang uống rượu một mình, thấy mặt ông, S lại giương mắt lên, nhìn ông với một thái độ trâng tráo, hỗn xược. Bực mình, ông mắng : “Mày không được nhìn tao như thế!”. Bằng những lời chửi bới tệ bạc nhất, Sơn đốp chát lại ngay. Hậm hực, ông quay trở về giường nằm mà cơn tức giận cứ trào sôi, nghẹn tắc ở cổ. Và trong tức khắc, cái tính thú trong người ông trỗi dậy lấn át cả tính người. Bàn tay ông đã vấy máu…
Đêm đó khoảng hơn 20 giờ, người ta nghe tiếng la cứu thất thanh từ một căn nhà gỗ tại tổ..., xóm... thôn..., xã L, thị xã Bảo Lộc bị lửa tua tủa bốc cháy. Mọi sự đã không còn kịp nữa. Căn nhà 63 mét vuông bị cháy trụi trong chớp nhoáng. Dù thoát được ra ngoài, nhưng người con  trai út NVS bị bỏng toàn thân 90%. Ngày 07/7/2000, Sơn bị chết tại bệnh viện chợ rẫy TP HCM. Thảm kịch xảy ra thật chóng vánh, nhưng thủ phạm không ai khác chính là ông -NVT. Bắt đầu lúc tức giận đến đỉnh điểm, ông âm thầm xuống nhà bếp lấy can nhựa ra quán mua 5 lít xăng. Một “xị” rượu trắng kèm theo, ông cố uống hết trên đường về nhà để lấy can đảm. Lúc này S thấm rượu đi ngủ. Bất ngờ, ông đổ xăng vào người S và bật quẹt đốt ngay. Cơn hỏa hoạn lan nhanh. Ông vụt chạy ra chợ Bảo Lộc, ngồi đến rạng sáng hôm sau mua thuốc sâu tự vẫn, nhưng nhờ nhân dân đưa đi cấp cứu kịp thời, nên “thần chết” đã từ chối ông…
Kết cục rồi căn nhà của bà giờ thành đống tro tàn. Người con trai bị chết tức tưởi sau những lần mắng chửi cha và bị chính người cha này sát hại mình. Mới đây, Tòa phúc thẩm tại TP HCM đã y án sơ thẩm của Lâm Đồng, phạt ông 18 năm tù về 2 tội: giết người và hủy hoại tài sản công dân. Dẫu biết người có tội đến đâu pháp luật trừng trị đến đó, nhưng trước thảm kịch này, ngoài ông ra, không biết còn ai trong gia đình nữa là người đáng phải trách nhất?! 
Tháng 5.2001