Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Vận hành số nhà Đà Lạt

VĂN VIỆT

Từ trung tuần tháng 5/2007, thành phố Đà Lạt được tỉnh Lâm Đồng cho phép chính thức triển khai thiết kế lắp đặt, trao giấy chứng nhận biển số nhà mới… trên toàn địa bàn. Kế hoạch sẽ hoàn tất trong vòng 18 tháng tới, chấm dứt tình trạng số nhà lộn xộn, trùng lắp, gây trở ngại về các quan hệ đa dạng trong đời sống cộng đồng nơi phố núi du lịch này.       

SỐ NHÀ CŨ - MỖI NHÀ MỖI KIỂU

Ông Hoàng Lợi, Giám đốc Trung tâm Gis Đà Lạt cho biết: Thống kê toàn địa bàn Đà Lạt có gần 37 ngàn căn nhà. Trong đó có 26 ngàn căn nhà nội thị. Còn lại gần 11 ngàn căn nhà ở vùng ven đô, nhà xây mới do tách hộ và nhà của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức kinh tế - xã hội khác. Tất cả 37 ngàn biển số nhà gắn trên từng căn nhà, ghi trong sổ hộ khẩu, trong sổ nhà, sổ đất…hiện có đều do “khổ chủ” tự “khai sinh”, đăng ký với công an phường, xã nơi cư trú. Biển số nhà được “chế tác” theo “ngẫu hứng” mỗi người mỗi kiểu; mỗi nhà mỗi kích thước, màu sắc khác biệt. Đã vậy, số nhà chẵn, lẽ hai bên đường; thứ tự số đếm theo hàng dọc…hầu hết không theo một nguyên tắc sắp xếp nào.
Một vòng khu dân cư Đồi Phan Bội Châu; khu dân cư Thiên Thành; khu hẻm 15, Hai Bà Trưng; khu Lãnh Địa Đức Bà… lập tức rối mắt bởi những số nhà tùy chọn. Hai nhà sát vách nhau một bên đường, nhưng nhà này mang biển số 18; còn nhà tiếp theo mang biển số…84. Hoặc cùng một đường hẻm, nhưng nhà đối diện bên trái đường mang biển số “hẻm số 8”’ nhà đối diện bên phải đường mang biển số… “hẻm số 5”. Ra ngoài khu vực trung tâm thành phố là những khu dân cư trồng rau. 
Người dân tự chọn số nhà theo tổ dân phố, theo thôn làng cũ. Chẳng hạn: Nhà số 65/7 Đa Thiện ( Nhà số 65, tổ dân phố 7, Đa Thiện); Nhà số 30/5, Phước Thành (  Nhà số 30, tổ dân phố 5, mặt tiền đường Đan Kia – Phước Thành). Ở khu vực khác – khu vực phố Nguyễn Văn Cừ, phố Mê Linh…biển số ngôi nhà “đua nhau” cùng gắn số đếm theo thứ tự…từ hai phía đầu đường. Ở đoạn giữa đường là những biển số lớn, nhưng gần như con số chênh lệch khá xa. Ở một nguyên do khác - do sát nhập tên đường, nhiều số nhà trùng lắp vẫn tồn tại. Đó là nhà số 8, đường Hồ Tùng Mậu ( 2 nhà); nhà số 10, đường Lê Hồng Phong ( 2 nhà).   
Ngoài ra còn bắt gặp những “biển số đẹp” trùng nhau trên cùng một đường phố:  Đường Hai Bà Trưng có 12 ngôi nhà mang biển số 9. Đường Tô Hiến Thành có hàng chục căn nhà biển số 8 và 9. Hoặc ở những khu quy hoạch dân cư mới, việc lấy số nhà theo ký hiệu trên bản đồ quy hoạch đã không còn phù hợp như: Lô B 8, đường Ba Tháng Tư; Lô A 2 đường Phù Đổng Thiên Vương…                  

BIỂN SỐ NHÀ MỚI - TRẬT TỰ MỚI

Những số nhà cũ rối rắm nói trên sẽ phải lần lượt  tháo dỡ theo từng khu vực để thay biển số nhà mới. Bắt đầu từ phường trung tâm đến phường ven đô và 3 xã ngoại ô thành phố. Mỗi phường, xã phải hoàn thành trong vòng 50 ngày. Nguyên tắc đánh số nhà mới - từ nhà mặt đường đến nhà hẻm chính, hẻm nhánh - đều phải theo thứ 1, 3, 5…( bên trái đường) và 2,4,6,8…( bên phải đường). Chiều đánh số bắt đầu từ trung tâm Hòa Bình tỏa ra các hướng đường phố nối dài. Những đường phố nối tiếp còn lại - phải đánh số theo chiều bắt đầu gần nhất khu trung tâm Hòa Bình đến nhà cuối cùng cung đường. 
Tương tự đường hẻm lớn được đánh số bắt đầu nơi giao nhau với đường lớn. Đường hẻm nhánh được đánh số thứ tự từ căn nhà đầu tiên của đường hẻm chính đi vào. Ngoài ra việc đánh số từng nhóm nhà phải theo thứ tự chữ cái in hoa của tiếng Việt ( ghi thêm A, B,C… tiếp theo chữ số của căn nhà ở đầu đường chính, hẻm chính… ). Hoặc đánh số căn cứ theo số tầng nhà; số cầu thang chung cư…
Được biết, quy cách của biển số nhà được thống nhất toàn thành phố có nền màu xanh lam sẫm, đường chỉ viền cùng chữ và số đều màu trắng. Chất liệu biển số bằng nhôm dày 01mm. Kích thước quy định riêng trên 04 nhóm biển số : Nhà mặt tiền, đường hẻm lớn và hẻm nhánh; nhà chung cư; nhà từng nhóm; tầng nhà, cầu thang nhà chung cư. Biển số nhỏ nhất có kích thước 190mm x 100mm. Biển số nhà lớn nhất có kích thước 850 x 650 mm.   

Ông Lê Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt cho biết: Ước tính thành phố Đà Lạt phải chi ngân sách khoảng nửa tỷ đồng để hoàn thành việc lắp đặt biển số nhà mơí, cấp chứng nhận số nhà mới, điều chỉnh sổ hộ khẩu theo số nhà mới, lập bộ hồ sơ gốc lưu trữ…trong vòng 18 tháng tới.  Vậy là sau bao năm chờ đợi, biển số nhà Đà Lạt đã được cơ quan thẩm quyền cho phép thay mới đồng loạt. 18 tháng tới Đà Lạt sẽ hình thành nên diện mạo mới về văn minh đô thị, góp phần lớn kích cầu các hoạt động lễ hội, du lịch phát triển, tạo ấn tượng tốt đẹp hơn trong lòng du khách gần xa./.