Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

“5 tác động” cho ca cao Lâm Đồng

VĂN VIỆT

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã ban hành quy trình nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm ca cao trên địa bàn gồm “5 tác động”: Tỉa cành tạo tán; che bóng, chắn gió; quản lý phân bón, nước tưới; phòng trừ dịch bệnh hại tổng hợp, vệ sinh đồng ruộng và thu hoạch, sơ chế. Quy trình đã triển khai hiệu quả tại 2 huyện trồng ca cao trọng điểm của Lâm Đồng là huyện Đạ Huoai và huyện Đạ Tẻh.

Khảo sát của Công ty cổ phần Cao Nguyên Xanh, Đăk Lăk, đơn vị trúng gói thầu Xây dựng và chuyển giao quy trình thâm canh và sơ chế ca cao quy mô nông hộ” của Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng, cho biết: Diện tích cây ca cao ở 2 huyện Đạ Tẻh và Đạ Huoai chiếm hơn 70% tổng diện tích ca cao toàn tỉnh Lâm Đồng, hầu hết trồng hơn 3 năm tuổi, đạt năng suất trung bình 690 kg trái tươi/ha. Sản phẩm ca cao ở đây chiếm từ 60 – 70% bán cho 3 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; còn lại từ 30- 40% bán cho 6 cơ sở của hộ nông dân thu mua và tự lên men. Giá bán ca cao trái tươi thường thấp hơn từ 10% trở lên so với giá bán hạt khô lên men.
Gói thầu đã chọn 4 hộ xây dựng mô hỉnh điểm thâm canh và sơ chế ca cao với “5 tác động” triển khai đồng bộ trong thời gian chăm sóc cho cây  ra hoa, tạo quả và thu hoạch, sơ chế. Theo đó, các loài cây che bóng cho cây ca cao Lâm Đồng là cây điều, cây ăn trái và các loại cây rừng trồng từ 10-15 năm, mô hình đã tiến hành tỉa thưa đạt yêu cầu từ 19% tăng lên 83%. Việc tủ gốc cho cây ca cao từ tỷ lệ 88% chưa tủ hoặc tủ chưa đúng kỹ thuật đã tăng lên tỷ lệ 94% đúng kỹ thuật. Ngoài tỉa cành cây che bóng, mô hình còn tỉa cành cho cây ca cao thông thoáng, đúng kỹ thuật, đạt tỷ lệ tăng thêm 65%. Công đoạn bón phân, tưới nước đảm bảo liều lượng, tăng thêm chất dinh dưỡng trong đất, đã tạo sự phát triển rõ rệt cho cây ca cao. Sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật sau khi tỉa cành thông thoáng, tỉ lệ cây bị sâu bọ gây hại chồi non, lá non và trái non trước khi tác động chiếm 80,5%, sau 8 tháng đã giảm xuống chỉ còn 12,5%.
Đáng kể các bệnh thối thân, thối trái và khô thân…thường xuyên xuất hiện trong vườn ca cao chiếm từ 73,5% giảm dần xuống 58% và cuối cùng chỉ còn lại 15,5%;  hoặc bệnh héo trái sinh lý giảm 65% so với 8 tháng trước đó. Đặc biệt, mô hình đã tác động bởi 02 phương pháp lên men hạt ca cao sau thu hoạch, đạt  kích thước và trọng lượng hạt ở mô hình trình diễn (lên men thùng) “cải thiện” rõ nét so với mô hình đối chứng (lên men thúng).
Tính trung bình năng suất hạt khô ca cao khi áp dụng “5 tác động” đạt 1,55kg/cây, tăng 0,67kg/cây so với phương pháp chăm sóc cũ. Theo tỷ lệ thuận với 1ha trồng 500 cây ca cao, lợi nhuận tăng lên từ hơn 68% đến gần 150%. Đặc biệt với quy trình mới này, không chỉ “làm giàu” thêm dinh dưỡng trong đất để nuôi riêng cây ca cao mà còn nuôi cả cây điều che bóng, góp phần tăng năng suất cây điều trong năm hơn 30%.

Sau khi quy trình “thâm canh và sơ chế ca cao quy mô nông hộ tại Lâm Đồng” chính thức được hoàn thiện và thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng đã phối hợp với đơn vị tư vấn cùng tiến hành chuyển giao rộng rãi cho nông dân ở 3 huyện phía Nam Lâm Đồng ( Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên) với 16 lớp tập huấn cho 04 nhóm hộ sản xuất ca cao (30 hộ/nhóm); 04 cuộc hội thảo tại các mô hình với 200 nông hộ tham gia; xây dựng bài giảng tập huấn cho 25 học viên là khuyến nông viên cơ sở; tổ chức 01 hội thảo tổng kết với 100 người tham dự.

Theo Đề án quy hoạch và phát triển ca cao đã phê duyệt đến năm 2015, tỉnh Lâm Đồng sẽ phát triển lên 4.000 ha, tăng gần 60% so với diện tích hiện tại. Việc nhân rộng quy trình ứng dụng “5 tác động” nói trên đang đặt ra nhiều hy vọng cho cây ca cao Lâm Đồng trong việc góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ca cao trên thị trường thế giới mỗi năm tăng lên khoảng 5% - tương đương từ 100-150 ngàn tấn./.

THÁNG 11/2013