VĂN VIỆT
Bây
giờ nhắc đến vùng đất Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng, người ta thường nhắc những
“tên miền” Lạc Lâm, Lạc Xuân, Thạnh Mỹ…với sản phẩm cà chua, hành tây, cải bắp,
xà lách…tươi xanh quanh năm; Đạ Ròn, Tu Tra…với những“cánh đồng hoa” lay ơn,
lys, lan hồ điệp, cúc…ngập đầy sắc hương. Tiếng tăm rau, hoa Đơn Dương ngày
càng lan xa hơn khi biết chọn những giải pháp phù hợp với lợi thế so sánh của
mình.
Vùng rau, hoa Đơn Dương bắt đầu thoát nhanh ra khỏi tình
trạng sản xuất nhỏ, lẻ, phân tán; bước vào sản xuất theo quy hoạch chiến lược,
sản xuất theo yêu cầu của thị trường cạnh tranh rõ nét vào giữa năm 2000 đến
nay. Hàng năm diện tích trồng rau, hoa trên địa bàn huyện Đơn Dương đã phát
triển từ 11 ngàn đến 12 ngàn ha, tổng sản lượng hơn 300 ngàn tấn. Từng hộ nông
dân đã xóa bỏ hẳn thế độc canh, vươn lên đa dạng hóa chủng loại rau đạt giá trị
kinh tế cao. Bên cạnh kinh nghiệm truyền thống luôn được phát huy, người nông
dân đã tiếp thu nhanh những phương pháp
khoa học kỷ thuật mới. Trồng rau, hoa công nghệ cao mới “du nhập” về Đơn Dương
mấy năm gần đây, đã phổ biến khá nhanh trong một bộ phận nông dân với gần
600ha, tập trung nhiều nhất trên các vùng đất chiếm ưu thế như Thạnh Mỹ, Lạc
Lâm, Lạc Xuân…Đặc biệt cũng trên những địa bàn này, phương pháp trồng rau, hoa
trong nhà lưới, nhà kính, được nông dân áp dụng tương đối thành công trên 50 ha. Ban đầu nhà nước bỏ
vốn ra xây dựng điểm các mô hình, sau đó nhân rộng, trực tiếp hướng dẫn kỷ
thuật thường xuyên từ khi xuống giống đến khi thu hoạch cho nông dân.
Tìm hiểu các mô hình thực nghiệm, trình diễn tham quan, hội
thảo..trong các vùng dự án trồng rau, hoa công nghệ cao ở Đơn Dương được biết
từ năm 2003 đến nay, người nông dân được tập huấn 22 lớp kỷ thuật rau an toàn.
Đáng chú ý với 7 mô hình sản xuất điểm an toàn trên cây cà chua tại Lạc Lâm,
Quảng Lập, Lạc Xuân, Thạnh Mỹ…mang lại những ứng dụng thực tế. Kết quả đạt năng
suất trên mỗi ha cà chua tăng từ 51 tấn lên đến 95 tấn. Giảm khá nhiều chi phí
phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đạt các “thông số” về chất lượng rau an toàn.
Riêng 5 mô hình trình diễn trồng cà chua ghép tại Thạnh Mỹ, Lạc Xuân, Lạc Lâm,
đạt sản lượng thu hoạch trên mỗi ha từ 75 tấn đến 80 tấn. Tìm ra được các biện
pháp phòng tránh và khắc phục cơ bản những mầm bệnh “cố hữu” của cà chua. Đáng
chú ý nữa là 3 mô hình trình diễn sản xuất ớt ngọt trong nhà lưới, nhà kinh
trên gần 01 ha ở khu vực Thạnh Mỹ, Lạc Lâm, Lạc Xuân, đạt năng suất 100 tấn/ha.
Hiện tại mô hình trồng ớt ngọt công nghệ cao đang phát triển mạnh ở vùng rau
Đơn Dương.
Sản xuất rau,
hoa công nghệ cao ở Đơn Dương đang có nhiều thuận lợi để phát triển. Kết quả
những mô hình trình diễn điểm trong thời gian qua cho thấy điều kiện khí hậu,
thổ nhưỡng Đơn Dương khá thuận lợi; dự báo tăng trưởng nhanh hiệu quả kinh tế
trên một đơn vị đất sản xuất. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 của huyện Đơn
Dương tăng diện tích sản xuất rau, hoa công nghệ cao chiếm 35% đến 40% trên
tổng diện tích gieo trồng; góp phần tăng tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp chiếm
59% GDP của huyện. Để đạt mục tiêu này, nhiều giải pháp được đưa ra bàn thảo,
thông qua. Trong đó cấp thiết phải quy hoạch từng loại cây trồng chủ đạo trên
từng vùng, từng hộ nông dân một cách ổn định, phù hợp với điều kiện canh tác
theo công nghệ mới. Tiếp theo, nhà nước sớm xây dựng cơ chế trợ giá giống mới
cho các hộ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao từ 40% đến 100%; các chính sách
ưu đãi đầu tư về đất đai cho nhà đầu tư, cơ chế tạo vốn vay ưu đãi cho nông
dân. Đồng thời với việc nâng cấp, xây mới hệ thống hạ tầng điện, nước; giao
thông nội đồng là các giải pháp về quan hệ, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trực
tiếp và thông qua các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các đơn vị kinh tế đứng
chân trên địa bàn. Cuối cùng là giải pháp về tổ chức một bộ máy quản lý chuyên
trách, có kinh phí hoạt động; thiết lập hệ thống mạng lưới thông tin về về khuyến nông, chuyển giao kỷ thuật công
nghệ đến người sản xuất.
Như vậy là từ thực tiễn sản xuất rau, hoa công nghệ cao,
huyện Đơn Dương đã, đang xây dựng những giải pháp mới khả thi hơn, hiệu quả
hơn. Vấn đề còn lại phải tăng cường việc đôn đốc, kích cầu phù hợp để đưa những
giải pháp mới này trở lại thực tiễn sản xuất đạt giá trị kinh tế cao nhất.