VĂN
VIỆT
Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 5 năm
nay, Vườn hoa địa lan Anh Quỳnh ở đường Vạn Kiếp tiếp tục được chọn là một
trong những điểm đến tham quan cho khách du lịch trong và ngoài nước. Ngày
chính thức rộng cửa đón khách du đang gần kề, địa lan Anh Quỳnh đã “kết tinh” lại
những trải nghiệm sau 10 năm tham gia trẩy hội.
10 năm trẩy hội cùng muôn hoa Đà Lạt, nay nghệ nhân
Đoàn Văn Quỳnh tóc đã ngả màu bàng bạc như để “nhường lại” những sắc màu lộng lẫy
trong vườn địa lan Anh Quỳnh của mình khi đón xuân sang. Nhớ lại năm 2003
- năm đầu tiên tổ chức Lễ hội Sắc hoa Đà
Lạt để bước tới hoàn thành việc “tổng hội diễn” nâng tầm lên thành Festival Hoa
Đà Lạt sau này, nghệ nhân Quỳnh vừa là người chủ vườn vừa là người hướng dẫn viên
hàng ngày tiếp đón trên dưới 50 lượt khách du lịch vào khám phá đời sống của
hoa lan. Phần lớn những câu hỏi “hiếu kỳ” của khách thưởng ngoạn đối với người
chủ chăm trồng hoa lan như: Trồng mấy tháng mà ra hoa đẹp đến hoàn hảo vậy ? Giống
hoa lan từ đâu đến ? Lan trồng ở đây bao nhiêu giống loài ? Đưa lan về xứ đồng
bằng nuôi nở hoa được không ? … “Câu hỏi người quý khách nào cũng muốn được trả
lời trước. Tôi liền nghĩ ra câu trả lời chung chung trước khi trả lời những câu
hỏi chi tiết, đó là Đà Lạt với khí hậu ôn hòa của miền núi cao hơn mặt biển
1.500m nên rất thích hợp để phát triển trồng hoa địa lan từ quy mô gia đình đến
quy mô công nghiệp…”- ông “Quỳnh nghệ nhân” kể lại.
Bấy giờ, Vườn lan Anh Quỳnh rộng 6.000m2, chủ yếu sản
xuất trong nhà lưới màu đen che nắng với khoảng 10 giống loài có nguồn gốc từ
các nước châu Âu, châu Á đến “nhập cư” thành “công dân hoa” Đà Lạt như: Xanh
chiểu, Xanh thơm, Vàng ba râu, Cam lửa….Hòa mình trong đoàn du lịch hàng chục
người tham quan mỗi ngày, được biết còn có không ít “quan khách” đến từ các “bản
quốc” của các loài lan này, nhưng khi ngắm nhìn những cành hoa rực rỡ, kiêu sa
của Vườn lan Anh Quỳnh đã phải “thảng thốt” rằng “Thật bất ngờ thú vị !”. Nghệ
nhân Quỳnh cho biết thêm, sau Lễ hội Hoa Đà Lạt năm 2003, vườn lan của ông đã
xuất vườn bán đến 5.000 cành, giá mỗi cành trên dưới 100 ngàn đồng, trong khi
giá mỗi chỉ vàng cùng thời điểm này chỉ đang ở mức 800 ngàn đồng.
Festival Hoa Đà Lạt đầu tiên diễn ra vào năm 2005, Vườn
lan Anh Quỳnh được chọn lựa hàng đầu để tạo sự hấp dẫn của người xem và trải
nghiệm. Lúc này, vườn lan đã bắt đầu xây dựng nhà mái che ni lông phủ lên trên
mái lưới đen, bên trong lắp đặt hệ thống tưới nước tự động bơm lên từ giếng ngầm
theo công nghệ Israel, từng khu vực được thực hiện các chế độ chăm trồng phù hợp
với từng lứa tuổi hoa lan khác nhau - từ lan vừa đưa ra vườn cấy mô đến lan vừa
trưởng thành và lan kinh doanh. Nghệ nhân Quỳnh kể tiếp : “ Nhớ lúc tôi nói
chuyện trồng một cây lan từ lúc xuống giống cây con cấy mô đến lúc thu hoạch hoa
lần đầu phải mất từ 4 đến 5 năm sau, số đông người xem mới dần dần cảm nhận được
sự công phu của “nghề chơi lan” của
mình…”
Nếu không kể lần tham gia Lễ hội Hoa Đà Lạt năm 2003
nói trên thì lan Anh Quỳnh với Festival Hoa Đà Lạt năm 2013 là lần thứ 5 liên
tiếp được UBND thành phố Đà Lạt “ghi điểm” tham quan hoa lan tiêu biểu ở Đà Lạt.
Nhìn lại sau 10 năm trải nghiệm cùng những thăng trầm của “nhiệt độ” thị trường,
lan Anh Quỳnh nay đã phủ kín 5.000m2 nhà có mái che ni lông, khung sắt, trong
đó từng hàng chậu được kê tăm tắp, thẳng lối trên mặt đất luôn luôn được vô
trùng, phòng ngừa hữu hiệu với các mầm bệnh có thể phát sinh.
Năm nay dưới tác
động của thời tiết Đà Lạt chuyển mùa thiếu ổn định, vườn lan Anh Quỳnh có đến
80% hoa nở sớm trước gần 1 tháng đón tết Giáp Ngọ. Nhưng đây cũng là “cơ hội vô
tình” để khách du lịch 4 phương thỏa thích khám phá, trải nghiệm cùng “cuộc đời”
của trên 20 loài hoa lan Anh Quỳnh đồng loạt đua sắc, khoe dáng hình của cành
lá ngát xanh, đặc biệt trong đó có các loài lan “nữ hoàng của nữ hoàng” đang “lập
đỉnh” ( với giá bán từ 1,5- 2 triệu đồng/cành) như Vàng 9999 ( giống Nhật),
Xanh 2007 ( giống Úc)…
Thêm một mùa Festival Hoa Đà Lạt, Vườn lan Anh Quỳnh
lại thêm một mùa “tiễn chân” hàng ngàn “nàng hoa” ra đi làm đẹp xứ người. Dẫu vậy,
nghệ nhân Quỳnh hiện vẫn giữ lại hơn 1.000 chậu “nàng lan cổ thụ” như giữ lại một
phần “tư liệu” ngày đầu lập vườn để “ trò chuyện” cùng du khách. Và còn nhiều -
nhiều những trải nghiệm về nghề chăm trồng lan khá khác biệt của nghệ nhân Đoàn
Văn Quỳnh với sự nhiệt tâm chia sẻ cùng với mọi người gần xa đến đây mong muốn
tìm hiểu, khám phá…
THÁNG 12/2013