Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Đấu thầu bến xe

VĂN VIỆT
Theo kế hoạch quý II/2007, bến xe liên tỉnh Đà Lạt tổ chức đấu thầu thí điểm. Đến quý III/2007, tiếp tục nhân rộng đấu thầu các bến xe trung tâm thị xã Bảo Lộc và các huyện còn lại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Hướng kinh doanh bến xe mới đã khởi động, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của hành khách.

KẾT THÚC MÔ HÌNH “SỰ NGHIỆP CÓ THU”
Bắt đầu tháng 8/2002 đến nay, tất cả bến xe, trạm xe Lâm Đồng được giao về UBND cấp huyện quản lý. Từ đây ban quản lý từng bến xe được thành lập theo mô hình “đơn vị sự nghiệp có thu”. Thực tế mô hình này đã tạo được doanh thu năm sau cao hơn năm trước; cơ bản tự trang trải các khoản chi thường xuyên. Tuy nhiên trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường vận tải, mô hình “đơn vị sự nghiệp có thu” hiện đã không còn phù hợp bởi bộ máy cồng kềnh, nặng tính hành chính. Chất lượng phục vụ doanh nghiệp vận tải theo chiều hướng giảm sút, không bắt kịp nhu cầu. Hai đô thị lớn của tỉnh Lâm Đồng là thành phố Đà Lạt và thị xã Bảo Lộc vẫn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết. Cụ thể bến xe nội thành Đà Lạt (Ap Anh Sáng, phường I) với tổng diện tích 5 ngàn mét vuông, nhưng khu vực làm việc chỉ 100 mét vuông nhà cấp 4. Không xây dựng được khu vực nhà chờ và phòng bán vé. Tại bến xe nội tỉnh (giao lộ Hà Giang - Hoàng Văn Thụ ) và bến xe liên tỉnh Bảo Lộc (Trần Phú, Lộc Sơn) cũng đang thiếu khu nhà chờ và khu vực văn phòng làm việc.
Đi về các huyện trong tỉnh Lâm Đồng như Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Đạ Huoai, Lạc Dương…tình trạng bến xe đã được phê duyệt quy hoạch nhưng chưa biết bao giờ xây dựng. Về đến khu vực xã phần lớn tình trạng…không có bến xe. Trong bốn năm qua, do khó khăn về nguồn ngân sách, tổng giá trị đầu tư nâng cấp bến xe cả tỉnh Lâm Đồng mới đạt khoảng 1,7 tỷ đồng. Các hạng mục xây dựng đưa vào sử dụng gồm: nhà khách bến xe liên tỉnh Đà Lạt, sân bãi và hàng rào bến xe nội thành Đà Lạt, Đức Trọng; san ủi và rải đá nền, xây dựng nhà cấp 4 ở bến xe Bảo Lâm. Những bến xe còn lại trong tỉnh gần như không có kinh phí để cải tạo, nâng cấp, từ đó hoạt động của “xe dù”, “bến cóc” vẫn còn “đất sống”, ảnh hưởng chung đến trật tự an toàn giao thông.  
HUY ĐỘNG CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ ĐẦU TƯ
Dự toán của ngành chức năng cho biết : Tổng vốn đầu tư cho hệ thống bến xe tỉnh Lâm Đồng phải lên đến 72 tỷ đồng mới đáp ứng yêu cầu phục vụ vận tải trong những năm tới. Trong đó bến xe trung tâm thành phố Đà Lạt và thị xã Bảo Lộc phải đạt tiêu chuẩn loại 1 với tổng vốn đầu tư nâng cấp khoảng 12 tỷ đồng. Bến xe Đức Trọng phải đạt tiêu chuẩn loại 2 với số vốn đầu tư là 05 tỷ đồng. Mỗi bến xe loại 3 phải xây dựng 03 tỷ đồng ở 9 huyện còn lại trong tỉnh. Ngoài ra còn phải xây dựng 68 bến xe ở khu vực trung tâm cụm xã và trung tâm xã, thuộc tiêu chuẩn bến xe cấp 4 và cấp 5, với tổng vốn đầu tư khoảng 28 tỷ đồng.
Theo khảo sát ban đầu, nhu cầu đầu tư xây dựng bến xe để khép kín quy trình vận chuyển đối với những doanh nghiệp vận tải có số lượng xe lớn đang khá cấp thiết. Nhà xe Thành Bưởi thiết kế bến xe tạm tại số 5, Lữ Gia, Đà Lạt, sử dụng từ tháng 9/2006 đến nay là một ví dụ. Về bến xe cấp huyện, cấp xã; cũng khá nhiều doanh nghiệp tư nhân mong muốn đầu tư khai thác bến xe để tăng thêm ngành nghề kinh doanh. Ngoài ra còn có số hộ gia đình sẵn sàng góp vốn bằng giá trị đất ở vị trí thuận lợi để hình thành bến xe. Như vậy vấn đề tiếp theo là xây dựng quy hoạch bến xe tổng thể trên toàn tỉnh và quy hoạch bến xe chi tiết ở các địa phương. Đồng thời xây dựng các phương án cụ thể về xã hội hóa đầu tư khả thi nhất. Chẳng hạn cho thuê hoặc đấu thầu cơ sở vật chất, mặt bằng bến xe. Hoặc tiến hành cổ phần hóa nhưng nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ cổ phần chi phối. Mặt khác, với hệ thống bến xe hình thành theo quy hoạch mới, sẽ có những cơ chế bồi thường, giải tỏa thích hợp, sau đó đấu thầu cho thuê hoặc giao đất để đầu tư…  
Vấn đề cuối cùng để đề án triển khai một cách nhanh chóng, hiệu quả, tùy thuộc vào sự phối hợp, cộng đồng trách nhiệm giữa các sở, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng.

Ông Hứa Văn Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng:

TẠO SÂN CHƠI BÌNH ĐẲNG CHO CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ
Mục đích của đề án là tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có sân chơi bình đẳng, cạnh tranh phát triển, đáp ứng yêu cầu đi lại của hành khách, góp phần xây dựng văn minh đô thị, giải quyết dứt điểm vấn đề “bến cóc”, “xe dù” ở Đà Lạt - Lâm Đồng. Trước khi đề án phê duyệt, Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng đã khảo sát năng lực đầu tư khai thác bến xe của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. Nói chung nguồn lực đầu tư của họ khá dồi dào. Nhiều doanh nghiệp đã đến trực tiếp tìm hiểu, Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng đã hướng dẫn họ xây dựng các phương án chi tiết trình UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét. Đồng thời cung cấp kịp thời nhất, đầy đủ nhất các thông tin của đề án đến nhà đầu tư.
Phương án của nhà đầu tư được xem xét kỹ vấn đề giải quyết công ăn việc làm khi chuyển đổi mô hình doanh nghiệp bến xe mới. Ở mô hình mới, người lao động phải có điều kiện được đào tạo lại, nhanh chóng ổn định công việc mới, thu nhập cải thiện hơn. Cụ thể người chủ bến xe mới phải tiếp nhận người làm việc của bến xe cũ bằng hợp đồng ràng buộc từ một năm đến hai năm. Sau đó tùy theo nhu cầu phân công lao động mới, hợp đồng sẽ ký kết tiếp theo. Tinh thần của đề án đã thống nhất với các doanh nghiệp đầu tư là cố gắng hạn chế thấp nhất số người lao động phải chuyển việc làm khác khi mô hình bến xe mới chính thức hoạt động . /.  
THÁNG 4/2007