Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Nối tiếp phòng bệnh cho địa lan

VĂN VIỆT
Tháng 5 sắp sửa kết thúc để bước vào tháng 6 với mùa mưa Đà Lạt dài ngày, mùa dễ phát sinh nhiều dịch bệnh với hoa địa lan, loài hoa “nữ hoàng” đạt giá trị kinh tế khá cao, nên luôn đòi hỏi phải bổ sung thường xuyên những kỹ thuật phòng chống dịch hại tổng hợp kịp thời, hiệu quả cho hoa.

Theo thống kê chưa đầy đủ, Đà Lạt đang trồng kinh doanh 12 loài địa lan với số lượng trên dưới 500 ngàn chậu, đạt sản lượng trên dưới 1 triệu cành/năm, tiêu thụ trên khắp các vùng miền trong nước và một phần xuất khẩu. Trong mùa địa lan 2012 - 2013 vừa qua, giá bán một cành ở thời điểm cao nhất đã tăng lên trên dưới 200 ngàn đồng. Những thời điểm giá bán thấp nhất cũng đạt khoảng 50 ngàn đồng/cành. Địa lan đã trở thành loài hoa đặc hữu nên đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu hoa Đà Lạt trong nhóm đầu tiên của các loài hoa. Diện tích trồng hoa địa lan trung bình hiện nay là 725 m2/cơ sở; riêng quy mô trồng địa lan từ 1.000m2 đến dưới 5.000m2/cơ sở, chiếm gần 30%. Tỷ lệ các cơ sở trồng địa lan đều trang bị nhà lưới để sản xuất với hơn 98%;  tỷ lệ 2% số cơ sở trồng hoa lan còn lại trang bị nhà màng để sản xuất.
Địa lan là loài hoa “đẹp nhất trong các loài hoa đẹp”, nhưng rất khó chăm sóc, dễ nhiễm nhiều loại bệnh “nan y” khi thời tiết chuyển mùa. Trong gần 10 năm trở lại đây, nhiều dự án khoa học ở Lâm Đồng đã đạt những kết quả đáng kể về các biện pháp phòng trừ dịch hại, bảo vệ môi trường sinh trưởng cho địa lan như: Năm 2004 - 2005, với Dự án “Nghiên cứu tác nhân gây bệnh và các biện pháp phòng trừ bệnh chết củ địa lan tại Đà Lạt - Lâm Đồng”, bước đầu đã tìm ra nguyên nhân bệnh thối rễ gây chết địa lan hàng loạt là nấm bệnh và virus xuất phát từ điều kiện độ ẩm cao, giá thể không thoát nước tốt, sự lây lan do khoảng cách chậu không hợp lý hoặc qua hệ thống thoát nước tưới tiêu không được kiểm soát. Những giải pháp phòng bệnh cho địa lan tiếp tục được triển khai ở những năm tiếp theo: Dự án “Ứng dụng các tiến bộ công nghệ sinh học để sản xuất cây giống hoa địa lan tại Đà Lạt” (2005 - 2007); Dự án “Xây dựng quy trình trồng địa lan theo hướng kiểm soát an toàn dịch bệnh” (2006 - 2007); Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất hoa tại Đà Lạt - Lâm Đồng” (2007 - 2009)…

Đánh giá chung của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong tỉnh Lâm Đồng cho biết, các dự án nêu trên đã triển khai trên nhiều mô hình mới với những kỹ thuật canh tác và biện pháp phòng bệnh tương đối phù hợp với điều kiện sản xuất hoa địa lan của Đà Lạt.  Tuy nhiên, trong điều kiện các cơ sở sản xuất hoa địa lan thường nhỏ lẻ và phân tán, mỗi cơ sở thường áp dụng các kinh nghiệm riêng để tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt nhất cho mình, khiến cho việc kiểm soát dịch bệnh hàng năm, nhất là trong các thời điểm giao mùa, vẫn chưa thực sự chủ động. Do vậy, để góp phần nâng cao năng suất và chất lượng địa lan, tiếp nối các Dự án khoa học đi trước đã thành công ở Lâm Đồng trong gần 10 năm qua, niên vụ hoa địa lan 2012 - 2013, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng tiếp tục hoàn thành mô hình mới về phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại cây hoa địa lan tại một hộ gia đình ở phường 11, Đà Lạt với diện tích sản xuất 2.000m2, mật độ trồng: 2.500 chậu địa lan/1000m2…
Những biện pháp kỹ thuật mới được áp dụng cho vườn lan mô hình gồm: Thiết kế mái che lưới, nilon với độ cao trên 3m, chắn 30% ánh sáng trực tiếp và duy trì 70% ẩm độ trong vườn. Chậu trồng lan được làm bằng đất nung với đường kính 25 - 30cm, có nhiều lỗ thông thoáng; lót 1/3 chiều cao từ đáy chậu trở lên bằng các loại vật liệu thoát nước như than củi, gạch, đá vụn... Giàn đặt chậu lan cách mặt đất ít nhất là 50cm. 
Thường xuyên vệ sinh vườn lan, khi phát hiện lan nhiễm bệnh nhẹ phải cách ly và xử lý rải vôi, để khô ráo. Với các cây bị nhiễm bệnh nặng phải tiêu hủy xa vườn. Bón phân với liều lượng phù hợp với quy trình trồng và chăm sóc địa lan của Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ Lâm Đồng đã áp dụng từ năm 2007 đến nay, gồm bón phân NPK trên giá thể, bón phân trung, vi lượng qua lá. Ở vườn lan mô hình không phun các loại thuốc hỗn hợp, trong khi vườn nông dân lại phối trộn 2-3 loại thuốc trong 1 lần phun. Các loại thuốc sử dụng ở vườn mô hình và vườn nông dân đều đã được đăng ký sử dụng trên cây rau...
Kết quả trong thời điểm chuyển mùa niên vụ hoa lan 2012- 2013, các bệnh thối giả hành, thán thư, bệnh thối chồi non …ở vườn mô hình đã giảm còn tỷ lệ từ 1-2%,; trong khi vườn lan nông dân với phương pháp chăm sóc cũ vẫn còn nhiễm các loại bệnh này với tỷ lệ trên dưới 5%. Hy vọng việc nhân rộng mô hình phòng bệnh mới này, niên vụ hoa địa lan 2013 - 2014 ở Đà Lạt sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng và sản lượng hoa chậu, hoa cắt cành.
Cập nhật lúc 15:02, Chủ Nhật, 26/05/2013 (GMT+7)