VĂN
VIỆT
Đúng vào ngày Noel năm nay, hoa Đà
Lạt đã ngập đầy trên phố, từ các cung đường ven hồ Xuân Hương đến các cung đường
uốn quanh khu trung tâm Hòa Bình. Những loài hoa mang tên Dạ Yến Thảo, Xác
Pháo, Trạng Nguyên… kéo dài cùng hành trình với Hoa Hồng, Đỗ Quyên, Cúc Trắng,
Ngũ Sắc…để hân hoan đón chào những “Ngày Hoa Đà Lạt”: Tuần lễ Văn hóa Du lịch,
Đà Lạt 120 năm và Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 5.
Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt
ngày cuối năm tất bật chuẩn bị đón khách tham showroom, công viên hoa, vườn ươm
giống hoa, phòng cấy mô giống hoa …của Công cổ phần Công nghệ sinh học Rừng
Hoa, Đà Lạt với hàng chục loài hoa có nguồn gốc từ các “vương quốc hoa” ở châu
Âu, châu Á nhập về. Và đồng thời “vị Phó Chủ tịch” này cũng lo tổ chức cho hội
viên trưng bày cũng với hàng chục giống hoa trình diễn muôn ngàn sắc màu mới tại
các khu vực tập trung những “Ngày Hoa Đà Lạt”. Ông Sơn nói: “ Những giống hoa mới
của Đà Lạt hôm nay là bước tiếp nối một hành trinh hơn nửa thế kỷ gắn bó, tâm
huyết với nghề hoa của cư dân Đà Lạt… ”
Về làng hoa Xuân Thành của xã Xuân Thọ, Đà Lạt, gặp
“Trưởng làng” Bồ Dũng cho hay, nông dân ở làng này luôn duy trì và phát triển
nghề trồng hoa lay ơn truyền thống, chỉ khác là thay giống hoa lay ơn mới với
đóa hoa to và màu hoa “đậm đà” hơn. Cụ thể, hoa lay ơn Xuân Thành năm 2013 đã luân
canh diện tích sản xuất từ 40- 50 ha, tăng hơn 10 ha so với năm 2012. Trung
bình 1 ha lay ơn năm qua đạt lãi từ 250- 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, nông dân
Xuân Thành đã đầu tư phát triển hơn 90 hoa nhà kính các loại chủ lực gồm cúc, salem,
bibi, đồng tiền, cẩm chướng, cát tường…đạt lãi năm qua trên dưới 500 triệu đồng/ha.
Hơn hai mươi năm trở về trước, hoa Đà Lạt chủ yếu để
lại nguồn giống cho những mùa sau bằng hạt, củ giống, cây con, chiết ghép cành…thì
nay công nghệ “nhân bản” cấy mô đã hiện diện ngay trong căn nhà của gần 15 hộ
gia đình nông dân. Nông gia Trương Đức Phú ở Trại Mát, Đà Lạt đã ứng dụng thành
công công nghệ cấy mô hàng chục giống hoa mới với năng suất và chất lượng cao.
Hàng năm ông Phú xuất vườn bán cho nông dân Đà Lạt từ 2 triệu cây trở lên. Vài
năm gần đây, nông gia Phú đã nhập về từ châu Á giống hoa lys mới rồi “nhân bản”
đầu dòng cả trăm ngàn cây mỗi năm cung ứng cho các làng hoa Đà Lạt. Tiêu biểu
giống hoa lys mới của Đà Lạt đã được hộ gia đình ông Nguyễn Đức Học ở làng hoa
Vạn Thành chăm sóc luân canh 500m2 với hoa hồng, hiệu quả tính trên 1 ha đạt
lãi cả tỷ đồng mỗi năm.
Những thế hệ nông dân Đà Lạt sau này - từ “7X”, “8X”
đến “9X” đã chứng tỏ được sự nối tiếp xứng đáng về nghề hoa truyền thống của thế
hệ nông dân đi trước hơn nửa thế kỷ. Đó là nông dân Bùi Phú Quốc ở làng hoa
Thái Phiên đã “buộc” hoa cúc phải nở 2 lần
trong vòng 6 tháng. Kỹ thuật này được Quốc “phát kiến” từ những luống đất sản
xuất hàng ngày của mình. Và đó là nông dân Phạm Văn Sơn ở làng hoa Xuân Thành vừa
thuần thục ở kỹ thuật trồng hoa cao cấp vừa năng động trong việc tìm kiếm thị
trường, bao tiêu sản phẩm hoa cho chính mình và cho người nông dân trong làng
mình. Sơn nói: “ Sản xuất hoa nhà kính Đà Lạt không có gì quan trọng bằng khâu
chọn giống. Có nguồn giống khỏe mạnh, sạch bệnh thì các khâu chăm sóc sẽ thuận
lợi nhiều hơn, và khâu thu hoạch sẽ nâng lên cao nhất tỷ lệ đẹp đồng đều từ
thân, cành lá đến đóa hoa, thu hút ngày càng nhiều khách hàng mua Đà Lạt…”
Sau những “Ngày Hoa 3 trong 1”, Đà Lạt bước vào mùa
du lịch xuân Giáp Ngọ. Bỗng nhớ đây là
mùa hoa đào thứ 5 không còn bóng dáng nghệ nhân Mười Lời ( Bùi Văn Lời ) ở
Thung lũng Hoa đào Đà Lạt. Ông Lời đã về “miền tiên cảnh” và hẳn ông yên lòng lắm
khi người con trai Bùi Văn Sang của ông đã nối tiếp thành công hành trình của
các loài hoa liễu đào, bích đào, hồng đào, bạch đào…hàng năm tô điểm thêm phần
rực hồng đặc trưng của xứ hoa đào Đà Lạt, được các Hội Hoa xuân khắp nơi trong
nước ghi nhận, tôn vinh./.
THÁNG 12/2013