Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

"Hai lúa" đưa luật cho "hai lúa"

VĂN VIỆT
Ông Phạm Ngọc An, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật của Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đánh giá: Vài năm gần đây, mô hình “Câu lạc bộ (CLB) nông dân với pháp luật” đã phát huy được hiệu quả. Đa dạng, hấp dẫn, lôi cuốn những hình thức thể hiện, bước đầu đã tạo ra nhu cầu tìm hiểu pháp luật thiết thực trong đời sống người nông dân.

DỄ NGHE, DỄ HIỂU, DỄ NHỚ…

Đến giữa tháng 4/2007, cả tỉnh Lâm Đồng đã phát triển 13 CLB chuyên đề pháp luật với gần 420 hội viên nhiệt tình tham gia. Theo Giám đốc Phạm Ngọc An, thuận lợi của CLB là đã tập hợp từ hội viên là những người nông dân hết lòng từ các phong trào của hội. Như vậy vấn đề đặt ra của CLB trong những ngày đầu thành lập là phải trả lời thuyết phục các câu hỏi : Nội dung sinh hoạt ra sao ? Hình thức và phương pháp sinh hoạt như thế nào ? Khả năng giải đáp, hướng dẫn pháp luật của thành viên CLB đến đâu ?…Bàn luận sôi nổi qua nhiều đợt sinh hoạt, câu trả lời chung được đưa ra là phải đạt cho được các tiêu chí đưa luật cho “Hai Luá” là thật dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ…
  Hội viên Nguyễn Xuân Cảnh ( CLB Nông dân với pháp luật Tân Tiến, Lâm Hà) có “giáo án” đưa luật bằng những câu vè vui nhộn. Chẳng hạn trả lời cho thắc mắc rằng chủ thể là người nông dân khi được giao đất, chịu trách nhiệm sử dụng đất đúng như quy định pháp luật đất đai như thế nào ? Hội viên Nguyễn Xuân Cảnh có mà rằng: Vào năm 2003 / Quốc hội đã quyết, thông qua, ban hành/ Luật đất đai chỉ rành rành/ Chịu trách nhiệm, hộ gia đình được giao/Điều 2 Nghị định sít sao/ Nếu ai làm trái biết bao muộn phiền/ Nếu giao người khác ủy quyền/ Thì người đó phải chịu quyền được giao/Khoảng 1 Điều 115/Nghị định hướng dẫn hội viên thuộc lòng. Hoặc như “nhà thơ” Trần Dư (Hội viên CLB nông dân với pháp luật Phú Hội, Đức Trọng) có “thơ” tuyên truyền pháp luật giao thông gắn với pháp luật về dân số kế hoạch hóa gia đình : Ra đường đừng có chở 3/ Về nhà đừng có 3 con cùng nàng/2 con nuôi dạy kỹ càng/Chở 3 nguy hiểm, đám tang có ngày.     
Hình thức giao lưu sân khấu, hái hoa dân chủ, đố vui pháp luật, thử làm luật sư… cũng tạo được hào hứng trong hội viên CLB và cộng đồng dân cư nông thôn. Nhờ vậy chất lượng tiếp nhận pháp luật của nông dân ngày một “cải thiện” hơn. Nhiều CLB của nông dân đạt giải cao nhất trong các cuộc hội thi tìm hiểu pháp luật từ cấp huyện đến cấp tỉnh như: CLB Phú Hội, Đức Trọng; CLB Đinh Văn, Lâm Hà…

VÀ DỄ THỰC HIỆN

Nắm bắt những vấn đề pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ thiết thân nhất, nông dân đã mạnh dạn nêu lên những tâm tư, nguyện vọng của mình thông qua các tổ chức hội nông dân. Bên cạnh đó những mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh cũng được nội bộ nông dân tự giải quyết có kết quả. Thống kê trung bình hàng năm đã hòa giải thành công hơn ngàn vụ việc, góm phần giữ vững sự bình yên của xóm làng. Qua hòa giải, các “Hai Luá” trong CLB “nông dân với pháp luật” đã giải đáp pháp luật cho hàng ngàn “Hai Lúa” làm đúng theo những điều luật đã thông hiểu. Tiêu biểu các CLB đạt tỉ lệ hòa giải thành khá cao là CLB Đinh Văn, Lâm Hà đạt gần 91%; CLB Phú Hội, Đức Trọng đạt gần 80%…
Biết được văn bản pháp luật điều chỉnh trên từng lĩnh vực tương ứng, các “Hai Lúa” từng bước dễ dàng tra cứu pháp luật trên tủ sách pháp luật của địa phương mình. Nhờ đó mà các buổi sinh hoạt của CLB “nông dân với pháp luật” càng về sau càng sôi nổi, chất lượng nhiều hơn. Bằng sự cần cù, chịu khó và háo hức lĩnh hội pháp luật, nông dân đủ tự tin hơn khi cần thiết bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật; đồng thời thông qua mô hình “Câu Lạc bộ Nông dân với pháp luật”, họ luôn được sự trợ giúp pháp lý kịp thời. 

           
Những thành công bước đầu của mô hình “Hai Luá” tuyên truyền pháp luật cho “Hai Luá” Lâm Đồng, cho thấy nới nào có sự quan tâm tích cực của chính quyền địa phương thì nơi đó chất lượng hoạt động ngày càng khá hơn. Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm Ngọc An còn cho biết, sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức để phát triển rộng hơn mô hình câu lạc bộ này. Để tranh thủ sự lãnh đạo của chính quyền địa phương, cố gắng 100% CLB phải “cơ cấu” người chủ nhiệm là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch của UBND cấp xã./.