VĂN VIỆT
Xã Nam
Hà, vùng đất mới chia tách ra từ thị trấn Nam Ban ( Lâm Hà, Lâm Đồng) vào năm
2003. Vượt lên khó nghèo, người dân bền bỉ “sống đời” với hai loại cây trồng chủ
lực là cà phê và dâu tằm. Năm mới Đinh Hợi, cả xã rộn ràng đạt những mùa
vàng.
CÀ PHÊ NĂNG SUẤT
CAO
Về Nam Hà thường nghe tiếng
tăm một nhà buôn từ phố huyện Đức Trọng vô đồi núi nơi đây làm “lưu dân” và
thành…tỉ phú. Ông là Lâm Trí Tài, tết này tròn 50 tuổi. Trải qua liên tiếp thất
bại mấy năm đầu về mô hình nông lâm kết hợp, ông Tài chuyển hướng sang con đường
thuần nông là đầu tư cà phê, đầu tư có chiều sâu, đầu tư có trọng tâm trọng điểm
về giống và phân bón. Gần như làm lại từ đầu vào năm 1995, ông Tài gom “cơ số”
tiền đến đâu, mua đất từng sào đất sản xuất đến đó. Trồng chăm sóc, cải tạo,
tích cực đầu tư mở rộng, đến vài năm sau đã hình thành nên một trang trại cà
phê đến 6 ha. Chọn lựa, thử nghiệm, cuối cùng ông Tài chọn 2 giống cà phê định
canh bền vững là Robita và Katimo. “Những vụ mùa cà phê “khởi đầu nan”, giá bán
thấp và năng suất cũng thấp. Gia đình tôi có lúc lâm cảnh thở dài chán nản. Nhưng
rồi cũng phải bảo nhau vượt qua, tìm những lối thoát mới cho cà phê… ”- ông Tài
nhớ lại.
Cũng trong ba năm vừa qua, ông Lâm Trí Tài
bắt đầu “chuyển giao công nghệ” sử dụng phân nước Vedagro cho bà con nông dân
trong xã Nam Hà. Thoạt nghe ai ai trong xã Nam Hà cũng tỏ ra ngờ vực. Ông Tài cho họ niềm tin bằng cách đầu tư ứng
trước lượng phân. Nếu thu hoạch với năng suất đạt và vượt mới thanh toán tiền
trở lại ông Tài. Ngược phân bón không đạt, ông Tài cam kết sẽ…bồi thường. Và kết
quả đã như lời kể ông Tài. Hàng trăm triệu đồng năm đầu mua nợ phân nước sử dụng,
nông dân đã trả nợ hết cho ông Tài vì được mùa bội thu ngoài cả dự kiến. Đến năm
2006 vừa qua, nông dân Nam Hà thanh toán khá “nhẹ nhàng” 700 triệu đồng khoản nợ
phân nước của ông Tài. Bây giờ phân nước hiệu Vedagro đã là “bạn” nhà nông Nam
Hà. Bởi theo họ cho biết – bón phân này có giá thành đầu tư chỉ bằng ¼ phân hóa
học. Nhờ đó, cà phê tăng cường được khả năng chịu hạn, kháng bệnh cao, đặc biệt
tỉ lệ nở hoa, đậu trái rất lớn.
NHÀ NHÀ TRIỆU PHÚ
Theo Chủ tịch UBND xã Nam
Hà, Vũ Đình Liệu, năm 2006 toàn xã được mùa bội thu đều khắp trên 1.357 ha cà
phê, đạt tổng thu nhập khoảng 65 tỷ đồng. Đây là mùa vàng lớn nhất của xã trong
vòng ba mươi năm trở lại đây. Hộ gia đình có diện tích cà phê thu ít nhất cũng được
100 triệu đồng. Ước tính từ 30 - 40 hộ gia đình trong xã là thu đạt trên dưới
01 tỷ đồng. Phổ biến chung là số hộ thu cà phê từ 200 triệu đồng trở lên. Đặc
biệt năm 2006, Nam Hà cũng đồng thời đạt “mùa vàng” về trồng dâu nuôi tằm. Tổng
thu nhập từ kén trong xã (khoảng 200 tấn) đủ trang trải cuộc sống, sinh hoạt
hàng ngày của người nông dân. Còn thu nhập từ cà phê coi như làm “của chìm”.
Đến nhà nông Hoàng Đức
Tuyên, 42 tuổi, cảm nhận thêm niềm sung sướng nhờ mùa vàng bội thu. Hai mươi năm
trước đặt chân đến đất Nam Hà, anh Tuyên đâu giám mơ ước lớn như ngày hôm nay
có được. Đó là 25 tấn cà phê nhân thu hoạch trên diện tích sản xuất hơn 3 ha của
mình. Tnh giá thời điểm cuối năm 2006 thì tổng thu nhập của anh hơn 500 triệu đồng.
Anh Tuyên nói: “Mừng quá. Như trời đã cho vợ chồng tôi và 4 đứa con được lộc mới
đổi đời…” Còn đây là nông gia Trần Văn Thành, 48 tuổi, nhà nằm ngay mặt tiền đường
thảm nhựa gần trung tâm xã, trúng mùa vàng gần cả tỷ đồng.
Cơ nghiệp của anh bắt
đầu từ 01 cây vàng mua 4 ha đất trồng cà phê ở đây vào năm 1992. Làm ăn chí
thú, chi tiêu dè xẻn, mấy năm nay gia đình anh Thành đã đầu tư xây dựng thành
trang trại 8 ha xanh tốt cây cà phê. Năm 2006 là năm gia đình anh đạt tổng thu
cà phê lớn nhất kể từ khi đến Nam Hà lập nghiệp - hơn 40 tấn nhân. Anh Thành dự
định ăn tết xong mới bán hết số cà phê này. Và dùng hết số tiền này để đầu tư
xây dựng..trạm kinh doanh xăng dầu ngay sân nhà của mình. Tôi ngạc nhiên hỏi tiền
đâu nữa để chăm sóc cà phê cho mùa sau ? Anh Thành cười hiền: “Đó là khoản tiền
riêng, đâu “đụng” vào được !”
Tết Đinh Hợi đang tràn ngập
mọi nhà. Chung niềm vui được mùa vàng với anh Thành, anh Tuyên, anh Tài, và
hàng trăm hộ nông dân xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, để nói thêm rằng chuyện làm
giàu, làm tỉ phú với vùng cà phê, dâu tằm đất Nam Tây Nguyên thực sự không còn
xa vời nữa./.
THÁNG 02/2007