Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Khi cây cà phê già cỗi

VĂN VIỆT

Nói đến Phú Sơn, Lâm Hà là nói đến vùng cà phê quen thuộc của Lâm Đồng nói riêng và của Tây Nguyên nói chung qua nửa thế kỷ. Nhưng để tạo dựng được những nương đồi cà phê “sống đời” nơi đây, người nông dân hàng năm phải trả lời thuyết phục nhất câu hỏi : Làm gì khi những lứa cà phê đã đến kỳ già cỗi ?!

Vùng đất Phú Sơn có cuộc sống thịnh vượng như ngày nay đã khẳng định phần lớn nhờ lợi thế phát triển cây cà phê. Nhưng số phận của “cà” cũng trải qua những long đong có lúc giống như những cây trồng ngắn ngày khác. Tác động mạnh nhất là yếu tố giá cả thị trường. Những năm cuối thế kỷ 20 bước sang đầu thế kỷ 21, cà phê bán ra có lợi nhuận thấp kém. Hệ quả người này bỏ “cà” đi nơi khác làm thuê. Người kia trở lại bản quê xứ đồng bằng thuê đất ruộng cuốc cày. Những vạt đồi cà phê nối tiếp cà phê trên hàng trăm ha bị bỏ bê như hoang dại. Những lứa cây già cỗi lại càng mau chóng lụi tàn, càng thưa thớt hoa quả. Số đông gia đình khác cố bám đất, cưa hạ tỉa thưa bớt những hàng cây cà phê để trồng xen canh cây màu, giải quyết cuộc sống qua ngày. Nhưng lại có một bộ phận người dân khác buộc lòng chặt trắng “cà”, thay thế cây bắp, đậu, khoai…để có cái ăn trước mắt. Ông Nguyễn Ngọc, Chủ tịch xã Phú Sơn nhớ lại: Lúc đó chính quyền xã Phú Sơn vẫn xác định cây cà phê là cây trồng chủ lực, là cây “sống đời”. Tuy nhiên nhu cầu lương thực của dân bức bách quá, phải chấp nhận chuyển đổi hơn 100 ha sang trồng các loại cây màu ngắn ngày. Mãi đến hai, ba năm gần đây, người nông dân mới có điều kiện phục hồi trồng mới cà phê trở lại trên 100 ha này. Đó là các giống mới cà phê “Rô” ghép chồi, catimor trồng mới…được đưa về  các cơ quan nghiên cứu nông nghiệp, nông thôn của huyện Lâm Hà và tỉnh Lâm Đồng.
Khoa học kỷ thuật giống mới triển khai mạnh mẽ về địa phương. Người nông dân cũng dần bình tâm trở lại về phương châm lấy ngắn nuôi dài. Tích cực phát triển chăn nuôi, mở rộng ngành nghề dịch vụ, thương mại…để nuôi sống bền vững cây cà phê. Những khoảnh vườn cà phê già cỗi lần lượt đưa vào “giải phẫu”: chiết ghép thành thế hệ mới. Được cán bộ khoa học kỷ thuật hướng dẫn, người nông dân đã mau chóng “làm chủ công nghệ” ghép chồi. Cây cà phê “Rô” già phải cưa bỏ hàng loạt đến tận gốc. Lấy chồi mới của giống cà phê “Rô” “cấy” nuôi vào gốc cây già cũ. Chăm sóc đúng kỷ thuật khoảng ba năm sau, cây cà phê “thế hệ” mới tỏa tán rộng, sum suê trái. Triển khai thí điểm rồi rút kinh nghiệm triển khai trên diện rộng. Tính chung số diện tích cà phê “Rô” trồng mới, đến nay vùng nguyên liệu cà phê “Rô” đã “trẻ hóa” thành công trên 4.000 ha. Năng suất bình quân trên mỗi ha “Rô” tăng nhanh hàng năm. Năm 2005, mỗi ha cà  phê  “Rô” ghép chồi mới chỉ đạt trên 2 tấn. Đến năm 2006 đạt từ 2, 5 tấn đến 2,7 tấn.       

  
Từ giống cà phê “Rô” già cũ - đồng thời với việc ghép chồi cà phê “Rô” là việc chuyển đổi thành những nương đồi cà phê “chè” catimor mới. Vụ mùa vừa qua, trên 100 ha cà  phê  “chè” mới đã đồng loạt cho năng suất trung bình 30 tấn tươi/ha. Đến thời điểm tháng 5/2007, qua khảo sát của ngành nông nghiệp Lâm Hà thì xã Phú Sơn hiện còn 235 ha cà phê “Rô” đang “độ tuổi” già cỗi, sinh trưởng èo uột, năng suất kém. Chỉ tiêu đến năm 2010 phải chuyển hết số diện tích này bằng cách ghép chồi cà phê “Rô” mới hoặc chặt bỏ để trồng giống cà phê “chè” catimor mới. Như vậy mỗi năm xã Phú Sơn phải hoàn thành việc thay mới hơn 60 ha cà phê “Rô” già cũ. Hiện nay cơ cấu kinh tế xã Phú Sơn với tỉ trọng nông nghiệp chiếm 82%. Mục tiêu đột phá, tăng tốc vào năm 2010 với tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên 15%. Cây cà phê già cỗi được thay bằng kỷ thuật ghép chồi, phát triển giống mới ở Phú Sơn sẽ mang lại những hiệu quả kinh tế chủ lực để đạt được mục tiêu vươn lên giàu có. 
THÁNG 5/2007