Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Hoa Đà Lạt xứng đáng “ngôi vương”

VĂN VIỆT
Đà Lạt được trời cho khi hậu ôn hòa, đất quanh năm nhiểu ẩm độ, ít cằn khô, rất lý tưởng cho muôn loài hoa quanh năm khoe sắc, tỏa hương. Khi được tác động bởi công nghệ giống mới, quy trình sản xuất mới, hoa Đà Lạt đã không ngừng phát huy lợi thế so sánh, nâng giá trị thu nhập xứng đáng ở “ngôi vương” so với các vùng miền trong nước và khu vực.

HOA SỐ TRIỆU LÊN HOA SỐ TỶ
Sau 4 kỳ Festival Hoa Đà Lạt, gặp lại nghệ nhân Phạm Tiến ( được UBND tỉnh Lâm Đông công nhận) ở làng hoa Xuân Thành, Đà Lạt với nếp nghĩ, cách làm mới về nghề hoa. Ngày xưa ( tính mốc thời gian từ 20 năm trở về trước), nghề hoa của ông Tiến sinh sống với cây lay ơn vài ba ngàn mét vuông trồng ngoài trời luân canh với cây rau các loại. Ngày nay khi đất hoa đã phát triển lên 2 ha, ông Tiến đã giành 1 ha chuyển đổi giống hoa lay ơn mới, áp dụng kỹ thuật tiên tiến để trồng luân canh ngoài trời với các loài hoa mới nhập nội sau này như: mắt ngọc, hạt ngọc, cẩm tú cầu, hoa sói…Và 1 ha còn lại cũng được trồng luân canh các loại hoa, nhưng trồng trong nhà kính với các giống chủ lực quanh năm như cúc, đồng tiền, bi bi, sa lem, cát tường…Ông Tiến kể thật : “ Tính theo giá hoa trong năm 2013, gia đình tôi với 1 ha hoa trồng ngoài trời đạt lãi khoảng 300 triệu đồng; và 01 ha hoa nhà kính đạt lãi khoảng 500 triệu đồng…”
Nghệ nhân Phạm Tiến là người sinh ra, gắn bó với nghề hoa ở làng hoa Xuân Thành, Đà Lạt, đến nay, ông đã đến ngưỡng tuổi lục thập. Với bản tính cần cù, thông minh vốn có của người nông dân Đà Lạt, ông đã tiếp cận và làm chủ rất nhanh những kỹ thuật công nghệ mới trên thế giới để làm giàu từ nghề hoa Đà Lạt. Cũng là người Đà Lạt như nghệ nhân Phạm Tiến, doanh nhân trẻ Nguyễn Đình Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt kể lại hai mươi năm trước, người nông dân Đà Lạt cảm thấy người Hà Lan “quá khó hiểu” với những ngôi nhà kính ni lông che nắng, chắn mưa thì làm sao thực hiện được đầy đủ các công đoạn của nghề nông truyền thống Việt Nam là nhất nước, nhi phân, tam cần, tứ giống ( ?!) 

Giờ đây – Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 5 là vừa tròn hai mươi năm sau, nông dân Đà Lạt đã chuyển đổi 10% diện tích trồng các loại rau ngoài trời sang trồng các loại hoa công nghệ cao -  khoảng hơn 3.000 ha. Theo “hiệu ứng dây chuyền” từ Đà Lạt, trong vài năm gần đây, nông dân các vùng phụ cận như Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương đã xây dựng mới khoảng 200ha để trồng hoa các loại theo hướng công nghệ cao.
Trên 3.000 ha diện tích trồng hoa cắt cành đang phân bổ trên các làng hoa của Đà Lạt đã được công nhận làng nghề như làng hoa Vạn Thành, làng hoa Hà Đông, làng hoa Thái Phiên và các làng hoa truyền thống khác như làng hoa Xuân Thành, làng hoa An Sơn. Ước tính từ 60-70% diện tích hoa Đà Lạt hàng năm trồng các loại hoa cúc giống mới; 30- 40%% diện tích còn lại là trồng các loại hoa hồng, cẩm chướng, cát tường, lily, huyết môn…Tổng sản lượng hoa cắt cành ở Đà Lạt trong năm 2013 đạt gần 2 tỷ cành, tăng hơn 300 triệu cành so với năm 2012.             
BẢN QUYỀN CỦA “NGÔI VƯƠNG”
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của hoa Đà Lạt, những năm gần đây, từ nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã triển khai và hoàn thành trên dưới 10 dự án liên kết trồng hoa chất lượng cao ở Đà Lạt. Đó là hơn trăm hộ nông dân cùng “đồng hành” với doanh nghiệp Hà Lan để trồng hoa cúc, hoa cẩm chướng đạt tỷ lệ xuất khẩu từ 70% sản lượng trở lên. Đó là 4 mô hình hợp tác trồng hoa lily giữa Công ty Hoa Đại Việt ( Đức Trọng) và 4 hộ nông dân ở phường 7, phường 8, Đà Lạt, tăng năng suất thu hoạch hoa lily từ 10% trở lên. Đó là mô hình liên kết, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm hoa huyết môn giữa Công ty ATDC, Đà Lạt với 6 hộ nông dân đại diện trên các vùng nông nghiệp Đà Lạt, Đơn Dương, Di Linh, tăng năng suất vượt hơn cách trồng thông thường đến hơn 10%...
“Hai mươi năm trước, người Đà Lạt trồng hoa phần lớn chỉ bán phân tán trong tỉnh Lâm Đồng và một vài khu vực của tỉnh lân cận vì hoa ít, giống hoa cũ đã dần thoái hóa. Hai mươi năm sau, hoa Đà Lạt có mặt đều khắp trên tất cả tỉnh, thành trong cả nước với tỷ lệ chiếm hơn 90% sản lượng; tỷ lệ gần 10% sản lượng còn lại đã xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Á… ”-ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt nói.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng phân tích rằng, theo thời gian, hoa Đà Lạt phát triển đa dạng về chủng loại, được canh tác đạt các tiêu chuẩn về quy mô và chất lượng, nên cần có sự bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận để khẳng định giá trị trên thương trường. Từ yêu cầu khách quan đó, UBND thành phố Đà Lạt đã cấp Chứng nhận nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt” đối với hoa địa lan cho 34 tổ chức, cá nhân  vào tháng 4/2012, và đối với 5 loại hoa hồng, cúc, cát tường, cẩm chướng, lay ơn cho 42 tổ chức, cá nhân vào cuối tháng 11/2013.

Anh Đỗ Văn Ẩn, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Ngọc Ẩn, Đà Lạt xác nhận rằng, việc sản xuất, kinh doanh hoa lan ở công ty của mình được tiếp tục nâng cao uy tín kể từ khi được cấp Chứng nhận nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt”. Riêng trong năm 2013, công ty đã hợp tác với 10 hộ nông dân Đà Lạt sản xuất 2 ha hoa địa lan đạt lãi hơn 500 triệu đồng/ha. Hoặc như anh Phạm Văn Sơn ở làng hoa Xuân Thành đã đạt doanh thu 2 tỷ đồng/ha trong năm 2013 đối với việc sản xuất hoa cát tường và hoa cẩm chướng - 2 loài hoa vừa gắn độc quyền nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt” nêu trên.

Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 5 đã đến. Thêm một cơ hội nữa để các loài hoa bản quyền của Đà Lạt được “thăng hoa” trên “ngôi vương” của mình./.
THÁNG 12/2013