Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Cơ chế đặc thù cho hoa Đà Lạt

VĂN VIỆT
Chiều ngày 28/12/2013, Tọa đàm “Hoa và du lịch” tại Đà Lạt đã đồng thuận rằng, cần có một cơ chế đặc thù cho hoa Đà Lạt để gắn với phát triển du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường hội nhập.
Tiến sỹ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định tiềm năng, thế mạnh của Đà Lạt rất lớn để phát triển các giống hoa ôn đới. 

Hàng năm sản lượng hoa Đà Lạt tăng từ 10 – 20%, trong đó đạt giá trị xuất khẩu chiếm  74% tổng sản lượng hoa trong cả nước. Để phát huy hơn nữa lợi thế này, chính quyền tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đề án xây dựng cơ chế đặc thù cho hoa để sớm phê duyệt và triển khai. Những “tính đặc thù” được tập trung xây dựng là quy hoạch các vùng chuyên canh hoa gắn với mô trường và du lịch, đa dạng hóa cơ cấu giống hoa, tạo ra gói tín dụng ưu tiên hỗ trợ sản xuất…
“Để gắn với phát triển du lịch ổn định và bền vững, hoa Đà Lạt cần đưa vào trồng nhiều hơn các giống hoa đặc trưng Đà Lạt, tạo cơ sở cho các tour lữ hành quảng bá, thu hút khách từ nhiều nguồn khác nhau…”- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch nói.
Nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân và các nhà quản lý nhà nước ở địa phương cùng chung quan điểm rằng, cần huy động những nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng với yêu cầu phát triển du lịch đến từng vườn hoa tham quan. Và khi người trồng hoa “kiêm” việc đón khách du lịch cần luôn cập nhật những thông tin về thị trường, được tập huấn thường xuyên về kỹ thuật công nghệ sản xuất hoa vừa đạt năng suất và chất lượng, vừa bảo vệ được sinh thái, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường.
“Và thành phố Đà Lạt cũng đã tổ chức vận động, triển khai trồng nhiều khu vực hoa dại từ các công viên công cộng về đến từng khuôn viên nhà dân. Đặc biệt khu vực công viên Trần Quốc Toản đã trồng cả trăm ngàn cây hoa mai anh đào đã phát triển đến giai đoạn cây trưởng thành. Các khu vực cửa ngõ vào thành phố cũng đã và đang trồng hàng ngàn cây mai anh đào khác, nhằm tạo ấn tượng đẹp cho du khách ngay từ khi đặt chân đến… ”- Ông Tôn Thiện San, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt chia sẻ.
Với chủ đề “Hoa và hội nhập”, ông Nguyễn Văn Nghĩa, đại diện Công ty Dalat Hasfarm phản ánh những diễn biến mới nhất của thị trường hoa trong nước và quốc tế. Theo đó, trong năm 2013, thị trường Nhật nhập khẩu đến 1,3 tỷ cành hoa cắt cành, nhưng chỉ chiếm 3% lượng hoa Đà Lạt; còn lại là hoa đưa đến từ Trung Quốc, Đài Loan với hình thức, chất lượng không vượt trội hơn so với hoa Đà Lạt.
Nhiều năm qua, hoa Đà Lạt chưa vượt quá con số xuất khẩu 10% có nguyên nhân chính là sản xuất hoa vẫn còn manh mún, thiếu tập trung, phần lớn sản xuất ở quy mô hộ gia đinh từ 2.000 – 5.000m2/hộ, khi thu hoạch không có các biện pháp bảo quản dài ngày để vận chuyển trên đường thủy ra nước ngoài…Hơn nữa, nông dân vẫn chủ yếu sản xuất tự phát, thiếu những doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đâu tàu để liên kết phát triển chuỗi sản xuất và xuất khẩu ổn định lâu dài.
Kết thúc Tọa đàm, tiến sỹ Phạm S nhấn mạnh, bên cạnh đa dạng hóa sản phẩm hoa cắt cành, Đà Lạt cần tăng sản lượng các loại hoa chậu, hoa kiểng đang có sức hút khá mạnh mẽ trên thị trường trong và ngoài nước. Trong năm 2014, tỉnh Lâm Đồng sẽ thông qua đề án xây dựng cơ chế đặc thù cho hoa Đà Lạt, đặc biệt trong đó tập trung gói tín dụng khoảng 4.000 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân đầu tư chuyên sâu sản xuất các loài hoa có giá trị thương mại trên thị trường trong nước và quốc tế./.
THÁNG 12/2013