Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Về nơi “vàng trắng”

Phóng sự VĂN VIỆT( Giải Khuyến Khích Giải Báo chí tỉnh Lâm Đồng năm 2006)

Lội bộ đến lưng chừng dãy đồi thoai thoải rừng cây cao su, ông Cao Viết Xuân, Phó chủ tịch UBND xã Đoàn Kết (Đạ Huoai, Lâm Đồng) bộc bạch: “Vẫn chưa nhiều người ngoài địa phương vào tới khu này. Đường đi đôi khi trắc trở, nhưng trông thấy từng hàng cao su kéo dài tít tắp, cho ra những dòng nhựa trắng đậm đặc, không ai còn cảm giác nghèo túng nữa…” Suy ngẫm với “lời thoại” này, tôi hình dung về một “thủ phủ” cao su nơi miền đất Nam Tây Nguyên…

*MƯỜI MẤY NĂM “ẨN TÍCH”
Gặp tôi giữa “đồn điền” cả héc ta đất cao su đang kỳ thu hoạch, chủ nhân Nguyễn Thị Ngà nói về những ngày kham khổ của mình. Ấy là những năm đầu thập kỷ “chín mươi” của thế kỷ trước, diện tích đất cao su này thuộc “lãnh thổ” vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của xã Đức Phú (Tánh Linh, Bình Thuận). Được hưởng một trong các chương trình đầu tư dự án phủ xanh đất trống đồi trọc lâm nghiệp, hộ chị Ngà nhận giống cây con cao su để trồng trên diện tích 01 ha. Chị Ngà nhớ lại: “Cả xã bao đời có biết trồng cây cao su như thế nào đâu. Lại không ai cầm tay hướng dẫn gì về khoa học kỷ thuật. Cứ nghe bảo gỏn lọn rằng đào hố hình vuông, xuống giống lấp đất trồng theo kích thước cây cách cây 3m; hàng cách hàng 6m là được !”  Và sau ngày tập kết giống cây cao su về vườn rẫy bởi nhiều nguyên do khác nhau, dự án trồng cây cao su gần như bỏ mặc cho người dân tự định đoạt.   
Trong tâm thế “bỏ thì thương, vương thì tội”, hộ chị Ngà vừa trồng xong 550 cây “su” bám rễ vào đất là phải nghĩ tới cách “lấy ngắn nuôi dài”. Chị trồng cây khoai mì xen với cây “su” nhưng chỉ kéo dài được đến hết năm thứ 2, năng suất củ lại rất ít. “Su” phát triển đến thời điểm chiều cao vượt quá đầu người, lại phát tán những làn hơi mủ non “kết tủa” từ lá, cành, thân, gốc…ra ngoài khiến bất kỳ cây hoa màu nào trồng xuống cạnh bên cũng lụi tàn và chết úa dần. Trong khi cái ăn hàng ngày lại bức bách quá. Không ít hộ dân phải đành hạ bỏ cây cao su cho khoai củ quay vòng chống đói. Chị Ngà lại có hướng lựa chọn khác, bằng cách “thắt lưng buộc bụng” để chăn nuôi vài đàn gà nhỏ, con heo “tẻ”… Chừng đôi năm sau gắng sức “vỡ hóa” thêm được 08 sào đất mới để luân canh các loài cây lương thực bên cạnh với việc ổn định cây điều, rồi lấy đó “làm nền” quyết lòng giữ lại cây “su”. Lúc túng bấn cùng cực, gia đình chị lao thẳng về phía rừng thẳm suối sâu đi kiếm măng, chặt ống lồ ô…bán đổi gạo. Cuộc sống đắp đổi qua ngày để nuôi chí vượt nghèo, đến năm 1997 khi phân lại bản đồ địa chính, diện tích đất 01 ha trồng cao su của hộ Nguyễn Thị Ngà từ thuộc địa giới xã Đức Phú ( Tánh Linh, Bình Thuận ) “chuyển giao” sang xã Đoàn Kết (huyện Đạ Hoai, Lâm Đồng). Nhờ vậy hộ gia đình chị Ngà đương nhiên được chuyển hộ khẩu theo diện tích đất “su” này.
 Nhìn lại quãng đường mười mấy năm thăng trầm, rừng cao su chị Nguyễn Thị Ngà mới được “vuông bằng sắc cạnh”. Giờ đây dạo thăm rừng này phải trọn cả buổi mới bước chân ra khỏi ranh giới; nhưng rồi lại tiếp tục lạc vào rừng cao khu của hộ kế bên. Và cứ thế đi nữa sẽ đặt chân đến khoảnh rừng cao su những chủ nhân khác, nối tiếp nhau giáp với những cánh rừng cao su bạt ngàn của đất Bình Thuận. Phó chủ tịch xã CaoViết Xuân như không biết mệt: “Diện tích cao su kinh doanh của xã Đoàn Kết chưa nhiều - chỉ khoảng 8 ha với “dăm” hộ dân nguyên gốc từ Bình Thuận chuyển sang; mỗi hộ lặng lẽ giữ lại được từ 01 ha đến 02 ha mà thôi. Mười mấy năm rồi, người ta mới thực sự cầm nắm được“vàng trắng” từ vườn cao su của mình…”   
*LỘ  THIÊN…“KHO BÁU”
Đang mới đầu tháng 9 âm lịch. Nơi “vàng trắng” 08 ha ở xã Đoàn Kết còn hơn tháng nữa cây đến độ đồng loạt vặn mình trút lá hết mùa đông sẽ trở lại chu kỳ khai thác mới. Mỗi năm “su” cho “nhựa” liên tục đến 9 tháng. “Kho báu” cây “su” tự trồng và chăm sóc của hộ Nguyễn Thị Ngà năm nay sắp bước sang tuổi 13, đã thu hoạch hơn 4 năm qua. Hiện giá thời điểm này với khoảng 7.000 đồng mỗi ký cao su cô đông, chỉ cần một công lao động chị Ngà mỗi ngày thu bán được từ 250 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng. “Bán mủ cao su sướng lắm. Mủ nước hay mủ cô đông chở bằng xe máy chạy khoảng 02 cây số là đến được điểm thu mua thuộc tỉnh Bình Thuận. Theo giá thị trường, người mua đặt lên cân và nhân ra thành tiền đưa liền cho mình !  ”-Chị Ngà khoe.    
Anh Phan Văn Nhị, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đoàn Kết “diễn giải” thêm : Cây cao su trồng “đạt” ở đây chỉ 6 năm sau là bắt đầu cạo “mủ bói”. Còn bình thường thì cũng không quá 8 năm. Thu hoạch mủ cao su đâu phải oằn lưng quần quật quên cả ngày đêm như các loại cây trồng khác. Hàng ngày cầm một con dao nhỏ bằng ngón tay ra rừng cao su, mỗi lao động có thể cạo “vàng” chảy xuống từng chén từ hơn 400 cây. Mỗi buổi nghỉ ngơi giữa ca phải đôi, ba tiếng đồng hồ. Chờ độ vào buổi trưa đứng bóng và buổi chiều chạng vạng, trở ra gom “vàng” hết vào những can nhựa ( mủ nước) hoặc giỏ đan dày bằng mây, tre nứa ( mủ đông), đem đi bán đến đâu lấy tiền mặt đến đó. Cách đây vài tháng về trước, mủ cao su được giá mỗi ký từ 12 ngàn đồng trở lên, chị Ngà và nhiều hộ khác có vườn cao su “ẩn tích” ấy, đã thu về mỗi ngày hơn bạc triệu đồng là phổ biến. Đến đây, anh Cao Viết Xuân, Phó chủ tịch xã Đoàn Kết đưa ra phép so sánh thật nhanh : Tính quân bình 01 ha cây “su” năm 2005 thu được từ 46 triệu đồng đến 48 triệu đồng; trong khi cây điều tốt nhất chỉ thu về từ 12 triệu đồng đến 14 triệu đồng. Ước tính năm 2006 này,  con số tương ứng với cây “su” sẽ hơn 50 triệu đồng; còn cây điều thì mất mùa và…“đứng yên” tại chỗ !
*BAO GIỜ…“RỪNG VÀNG” ?
Năm 2002, trong lúc chờ “động thái” chính thức của các cơ quan chuyên ngành,  hộ Đinh Thanh Hường ở xã này mạnh dạn tự mua giống cao su về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vườn đất của mình. Anh chọn mua giống ươm từ hom cây với giá “đổ đồng” mỗi mầm là 2.000 đồng. Năm đầu tiên trồng 350 cây trên 7 sào đất. Năm thứ 2 tiếp tục trồng 550 cây trên 01 ha đất. Hai năm đầu, cao su sống “xen canh” với cây điều. Đến năm thứ 3, điều phải chặt bỏ để nhường lại không gian cho “su”. Theo ông Hường, cao su là một loài cây sống tương đối “dễ tính”, chỉ bón phân lân, u rê, NPK, SA…mỗi năm hai lần vào đầu và cuối mùa mưa. Khi cây đến tuổi thứ 3 trở đi lượng phân giảm xuống còn mỗi năm một lần. Địa hình độ dốc không lớn như xã Đoàn Kết tỏ ra rất thích hợp với “su”. Ông Hường nói chắc : “Hơn bốn năm rồi, tôi không tốn một đồng tiền nào để mua thuốc bảo vệ thực vật. Cũng không cần phải tưới tắm gì cả. Chừng hai năm nữa “su” của tôi sẽ thu “vàng bói”. Năm kế tiếp sau đó sẽ thu hồi vốn đầu tư. Và năm sau nữa trở đi chỉ còn cách…tích lũy làm giàu !” 

Thực tế từ năm 2002 đến nay, trăn trở với cái nghèo khó đeo đẳng, người dân xã Đoàn Kết tự bảo nhau chuyển đổi gần 50 ha cao su trồng mới. Người có diện tích ít nhất cũng gần 02 ha; người nhiều nhất đã lên đến 05 ha. Trong đó riêng đồng bào dân tộc thiểu số bản địa đã chăm bón khá tốt trên 10 ha. Hộ K’Minh đã trồng “diện rộng” với 02 ha cho biết: “Thấy người ta trồng ra sao mình cứ trồng y như vậy. Tất thảy vừa trồng gần 950 cây mới qua bốn tháng đã lên xanh ba tầng lá, cao gần một mét rồi đó!” Vợ chồng K’Minh hiện có thu nhập 2,4 ha trồng điều và cà phê, tạm đủ trang trải sinh hoạt hàng ngày và nuôi ba người con đang ăn học từ lớp ba đến lớp 11. Vợ K’Minh hy vọng: “Vợ chồng tôi sẽ chịu khó chăm sóc 02 ha cao su cho thật xanh tươi để sau này có chút hồi môn chia cho con…”
Hy vọng của vợ chồng K’Minh giúp tôi phác thảo rộng hơn về “thủ phủ vàng trắng” của Lâm Đồng khởi nguồn từ vùng đất xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai. Có điều đến nay vẫn chưa có một cuộc hội thảo khoa học nào; chưa có một chương trình khuyến nông, chuyển giao khoa học kỷ thuật nào; chưa có chương trình trợ giúp vốn vay nào…về phát triển cây cao su về đây. Lại “tự lực” chính quyền xã Đoàn Kết trong năm 2007 đưa ra chỉ tiêu khuyến khích bà con nông dân thay thế khoảng 100 ha từ cây điều già cỗi sang trồng cây cao su. Con số này chưa phải là con số đột phá, tăng tốc ở một xã còn hơn 50% số hộ nghèo khó này.
Đạ Huoai - Đà Lạt cuối tháng 10/2006