VĂN VIỆT
Bưng thẩu trà ô long đổ vào chiếc bình
thủy nước sôi lớn, “Hai Lúa” cười khà : “Quen rồi. Pha trà ô long trong chiếc
bình thủy mấy lít nước để uống cả ngày mới đã khát…” Khách tròn xoe đôi mắt,
“Hai Lúa” tiếp : “Cây nhà lá vườn mà….”
Uống
mấy lần trăm phần trăm chén trà ô long, “Hai Lúa” đứng dậy “lôi” khách đi vào
vườn trà của “Lúa” thăm chơi. “Hai Lúa” “cầm cương con ngựa sắt” lượn vòng qua
cầu suối dài rồi vượt lên mấy chặng dốc đồi nằm bao bọc khu du lịch Thác Đạm
B’Ri, Bảo Lộc. Một không gian ngan ngát hương trà mở ra.
Tăm tắp xanh non kéo dài đến tận chân trời. “Hai Lúa” bảo: “Đất này mười năm trước chỉ mấy cây trà hạt èo uột. Cả ngày lội mãi trong rừng cỏ tranh mới đụng được đôi ba cây trà. Phải mần dữ dội lắm mới có được luống trà xanh như bây giờ…”
Tăm tắp xanh non kéo dài đến tận chân trời. “Hai Lúa” bảo: “Đất này mười năm trước chỉ mấy cây trà hạt èo uột. Cả ngày lội mãi trong rừng cỏ tranh mới đụng được đôi ba cây trà. Phải mần dữ dội lắm mới có được luống trà xanh như bây giờ…”
Khi thắc mắc hỏi sao
“Hai Lúa” biết được có mảnh đất núi này để mà mần ? Mới biết cơ sự là “Hai Lúa”
có bản quê ở một miệt cù lao sông nước miền Tây Nam Bộ. Sống trong gia đình mấy
thế hệ đông con quá mà duy chỉ có nghề làm ruộng, thu nhập khó khăn nên vợ
chồng “Hai Lúa” lần dò lên đất trà Bảo Lộc tìm sinh kế mới. Được người “thổ
địa” quen biết tìm việc làm giùm, vợ chồng “Hai Lúa” cùng mấy người con trai
con gái đi hái trà thuê cho nông chủ,
làm công nhân cho nhà máy chế biến trà. Hết ngày rồi hết tháng, làm thuê
riết rồi “Hai Lúa” bị cuốn vào hương trà ô long lúc nào không hay. Và từ đó
“Hai Lúa” tự lên kế hoạch tạo dựng những luống trà được ươm trồng, chăm sóc và
thu hoa lợi của riêng mình.
Gom
góp tất thảy mấy chục triệu đồng tiết
kiệm và mượn chậm trả từ người thân, vợ chồng “Hai Lúa” mua được gần một mẫu
đất ở thung lũng cách khu du lịch Thác Đạm B’ri một quả đồi lớn. Đây là đất của
chủ cũ trồng trà hạt nhưng gần như bỏ mặc cho mưa nắng nên vợ chồng và mấy
người con của “Hai Lúa” phải đổ rất nhiều công sức để cải tạo lại. Làm ruộng
lúa và làm đồi trà có khác nhau về kỹ thuật nhưng đều cần có ở bản tính vượt
khó vượt khổ của người nông dân. Xác định từ trước nên “Hai Lúa” làm quen cây
trà với vùng đất mới khá nhanh. Kết quả đầu tiên là công đoạn ươm giống trà ô
long. “Dễ ợt à ! Mua đúng thuốc kích thích rễ của Đài Loan về pha với thau nước
lạnh. Xin hom giống trà ô long chặt khúc ra, ngâm vào thau thuốc một ngày là
đem ra vườn trồng…Tỉ lệ sống đến tám, chín mươi phần trăm là thường…”- “Hai
Lúa” nói.
“Hai
Lúa” nói nhẹ tênh, chứ thực tế còn rất nhiều công đoạn “lên bờ xuống ruộng”
nữa. Đó là phải chọn lúc thời tiết ẩm ướt thì mới đặt hom giống xuống đất.
Khoảng cách hom cách hom; hom đặt xuống đất với kích thước đúng như kỹ thuật đã
học được các nông chủ và các doanh nghiệp trồng trà. Với đất trước khi trồng
trà phải bón lót đảm bảo tỉ lệ các loại phân thích hợp. Hàng ngày tưới nước với
liều lượng vừa phải. Lập trại tại vườn để có đủ người chăm chút thường xuyên.
Đến kỳ trà nẩy mầm phải tưới phun như sương. Rồi trà lên cao vươn cành tỏa tán
phải săm soi, theo dõi cả sắc màu xanh của lá từng giờ thay đổi ra sao, biểu
hiện “bệnh lý” nào thì chọn sử dụng loại thuốc đạt hiệu quả an toàn nhất…Quy
trình làm đến đâu đúc kết kinh nghiệm đến đó. Đến năm thứ hai, thứ ba thu “trà
bói”. Từ năm thứ tư đến nay là năm thứ mười một, gia đình “Hai Lúa” vừa có thu
vừa tự tạo “tay nghề” trồng trà ô long khá đạt trên vùng đất trà Đạm B’ri, Bảo
Lộc.
Lợi
nhuận trừ hết những chi phí trang trải cho cuộc sống gia đình, “Hai Lúa” liên
tục tái đầu tư mở rộng. Bây giờ thì gia đình “Hai Lúa” xây dựng thành một nông
trại trà ô long rộng hơn ba mẫu. “Hai Lúa” giải thích : “Người ta quen gọi các
giống trà chất lượng nhập về từ Đài Loan là trà ô long với nhiều chuyện kể khác
nhau. Thực tế ở nông trại của mình là có ba giống trà tên là tứ quý, hai mươi
bảy và hai mươi chín.” Với đầu ra trà ô long, “Hai Lúa” nói rằng đôi khi cũng
gặp thời điểm giá cả xuống thấp, phải bán lỗ hàng chục triệu đồng. Còn lại thì
nhìn chung mỗi năm trồng trà ô long, “Hai Lúa” thường thu lời được cả trăm triệu
đồng trên mỗi ha.
Làm
ăn giỏi, lại có tính tình chân thành, có trách nhiệm với xóm làng, “Hai Lúa”
được người dân bầu làm Trưởng thôn 14, xã Đạm B’ri, thị xã Bảo Lộc cách đây cả
năm. “Hai Lúa” –Trưởng thôn ấy tên là Dao Văn Bình, người đàn ông tuổi vừa qua
ngũ tuần. Trưởng thôn Bình cho biết : “Thôn chúng tôi hiện giờ đã có 5 hộ trồng
trà ô long thu hoạch hàng năm. Người ít nhất cũng hơn một mẫu. Người nhiều nhất
cũng hơn bảy mẫu. Cây trà ô long đã từng bước nâng cao đời sống thu nhập của
người dân thôn chúng tôi…”./.
Bảo Lộc- Đà Lạt
2008